📞

Một năm trong WTO: Kinh tế Việt Nam chuyển biến rất tích cực

23:22 | 14/01/2008
Nhân kỷ niệm 1 năm ngày Việt Nam gia nhập WTO, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã có phát biểu khai mạc Diễn đàn Thương mại và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội sáng 11/1. Báo Thế Giới & Việt Nam xin giới thiệu những nội dung chính bài phát biểu này

Đúng một năm trước đây, ngày 11/1/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bắt đầu quá trình thực thi các nghĩa vụ và quyền lợi với tư cách một thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại quy mô toàn cầu này. Việc gia nhập WTO là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam, là cột mốc đánh dấu sự hội nhập sâu rộng của đất nước chúng ta vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, việc gia nhập WTO cũng thể hiện sự tín nhiệm và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội trong nước và mở cửa, hội nhập với bên ngoài của Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Ngay trong quá trình đàm phán gia nhập, Việt Nam đã nhận thức rõ những thách thức và thuận lợi khi trở thành thành viên WTO. Một trong những thách thức lớn nhất là các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh quốc tế, nhất là sau khi hạ thấp hàng rào thuế quan, loại bỏ trợ cấp trái với quy định WTO. Tuy vậy, chúng ta đã khẳng định rằng, cơ hội sẽ hơn nhiều so với thách thức, nhất là cạnh tranh sẽ sàng lọc doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tạo cơ hội cho doanh nghiệp và người tiêu dùng sử dụng hàng hóa và dịch vụ với giá rẻ hơn, qua đó kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước, góp phần làm cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ hơn.

Những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được trong phát triển kinh tế một năm qua đã xóa tan mọi lo lắng và hoài nghi đó. Sau một năm gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam đã chứng kiến những chuyển biến rất tích cực, trong đó nổi bật nhất là sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu. Trong năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20 tỷ đô la Mỹ FDI, tăng gấp đôi so với năm trước và kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 50 tỷ đô la Mỹ, tăng 21,5% so với năm 2006. Nhìn chung, các tác động của việc gia nhập WTO đối với Việt Nam là tích cực, qua đó góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định ở mức 8,5% trong năm 2007 – tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục đối với Việt Nam trong những năm gần đây.

Một điều quan trọng là đa số các doanh nghiệp và ngành hàng của Việt Nam, kể cả sản xuất và dịch vụ, đã bước đầu tỏ ra đủ khả năng đối phó với các thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh tăng mạnh, và đã có những phát triển đáng khích lệ nhờ tận dụng được các thời cơ hội nhập mang lại. Bên cạnh các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng phát triển rất ngoạn mục, chiếm 56,9% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Về dịch vụ, chỉ nói riêng một ngành nhạy cảm là tài chính – ngân hàng với khả năng cạnh tranh còn chưa cao, nhưng cũng đã có những bước tiến rất ấn tượng. Tốc độ tăng trưởng đã đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Năm 2007 cũng là năm hoạt động rất hiệu quả của các ngân hàng nước ngoài và đặc biệt là khối các tổ chức tài chính phi ngân hàng tại Việt Nam.

Trong một năm qua, chúng ta cũng đã thực thi nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO của mình. Chúng ta đã xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng nhằm đưa hệ thống pháp luật về kinh tế - thương mại phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và các quy định của WTO. Cho đến nay, việc sửa đổi hoặc ban hành mới các luật và pháp lệnh theo cam kết đã hoàn tất, chỉ còn một số văn bản dưới luật đang hoàn thiện. Chúng ta cũng chủ động sửa đổi khoảng 30 luật và pháp lệnh cho phù hợp với các nguyên tắc và qui định của WTO.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, cũng cần phải thấy rõ nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, nhập siêu lớn, chất lượng tăng trưởng của một số ngành chưa bền vững, năng lực cạnh tranh ở các cấp độ còn hạn chế… Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng gắn kết với nền kinh tế khu vực và thế giới, các ngành kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với những biến động trên thế giới, việc giải quyết các vấn đề nội tại của nền kinh tế để tăng trưởng và phát triển bền vững càng trở thành nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với chúng ta.

Nhìn về phía trước, chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng với nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ, ủng hộ nhiệt tình của các thành viên WTO, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên tin cậy và trách nhiệm của WTO, đóng góp tích cực vào việc xây dựng một hệ thống thương mại đa phương công bằng, bình đẳng và cùng có lợi.