Ngay cả khi kịch bản lạc quan nhất xảy ra, thì về cơ bản, kinh tế Czech vẫn "dậm chân tại chỗ” trong 5 năm. (Nguồn: Bloomberg) |
Czech hiện là quốc gia duy nhất trong số 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) có tăng trưởng kinh tế chưa quay lại mốc trước đại dịch Covid-19 và đó cũng là lý do khiến ngày càng xuất hiện nhiều lời chỉ trích công khai về chính sách kinh tế của nước này.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Văn phòng Thống kê Czech, vào cuối năm 2023, quy mô nền kinh tế Czech vẫn thấp hơn khoảng 1,3% so với quý cuối năm 2019. Điều này có nghĩa là hậu quả về kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19 và sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng đối với Czech nghiêm trọng hơn những gì mà các nhà quản lý đã ước tính.
Nhiều khả năng, quy mô nền kinh tế Czech vẫn khó có thể đạt mức tiền đại dịch vào cuối năm nay. Theo dự báo hiện tại của Bộ Tài chính Czech, kinh tế nước này sẽ tăng trưởng khoảng 1,2% trong năm nay. Tức là, cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế sẽ chỉ còn kém một chút so với mức của năm 2019.
Tuy nhiên, dự báo của Ngân hàng Quốc gia Czech (CNB) cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Czech dự kiến sẽ chỉ tăng 0,6% trong năm 2024. Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng tương tự khi cho rằng nền kinh tế Czech sẽ tăng trưởng 0,7% trong năm nay.
Vì vậy, ngay cả khi kịch bản lạc quan nhất xảy ra, thì về cơ bản, kinh tế Czech vẫn "dậm chân tại chỗ” trong 5 năm.
Có nhiều lý do cho sự trì trệ của nền kinh tế Czech. Một trong số đó đã được Phó Thống đốc CNB Eva Zamrazilová chỉ ra cách đây chưa lâu. Theo đó, sau thời kỳ Covid-19, người Czech đã quen với thời gian làm việc ít hơn, thích thời gian rảnh rỗi và không quan tâm đến thu nhập bổ sung. Trong lĩnh vực dịch vụ, rất khó tìm được người lao động Czech sẵn sàng đi làm trong khung thời gian nghỉ ngơi.
Nếu nhìn vào dữ liệu của OECD, số giờ làm việc trung bình của mỗi công nhân Czech trong năm qua thực sự thấp, dẫn đến năng suất thấp. Vào năm 2022 (chưa có dữ liệu cho năm 2023), số giờ làm việc trung bình của mỗi công nhân Czech ít hơn 30 giờ so với năm 2019. Tuy nhiên, vấn đề là các quốc gia khác thuộc EU cũng đã phải trải qua tình trạng tương tự. Nhưng, nền kinh tế các nước này đã vượt qua mức GDP trước đại dịch.
Bên cạnh đó, một lý do khác giải thích cho sự trì trệ về kinh tế của Czech, đó là thị trường lao động có tỷ lệ thất nghiệp cực kỳ thấp, chỉ 2,7% vào cuối tháng 2/2024 (theo số liệu của cơ quan thống kê Czech CZSO) và tỷ lệ này được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, cùng thời điểm mà nền kinh tế có dấu hiệu trì trệ hoặc suy thoái nhẹ.
Một nguyên nhân khác là lạm phát. Yếu tố này đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Czech.Trong hai năm qua, Czech ghi nhận mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1993. Lạm phát cao đã làm giảm sức mua của đồng lương trong nước, từ đó làm giảm đáng kể chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình, đồng thời khiến nợ công phình to và gây khó khăn cho CNB trong việc thay đổi chính sách tiền tệ.
Hơn nữa, nền kinh tế Czech cũng bị ảnh hưởng bởi những diễn biến bất lợi từ nền kinh tế Đức, đối tác thương mại chính của nước này. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, quy mô kinh tế Đức đã bị thu hẹp 0,3% trong năm ngoái và vẫn chưa rõ liệu xu hướng này có thể đảo ngược trong thời gian tới hay không.
Czech đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Để phục hồi tăng trưởng, các nhà hoạch định chính sách kinh tế cần tập trung vào khía cạnh định tính của chính sách thúc đẩy tăng trưởng hơn là khía cạnh định lượng.
Các chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, cần phải giảm bớt tình trạng quan liêu và cản trở về hành chính, nới lỏng các quy định trong ngành xây dựng và xây dựng cơ sở hạ tầng, hoặc nới lỏng cơ chế tiếp nhận lao động nước ngoài từ các nước ngoài EU. Trong dài hạn, Chính phủ Czech cần áp dụng những cải cách tham vọng hơn nhiều, những cải cách mà có thể sẽ không được đa số cử tri Czech ủng hộ.
(theo TTXVN)