TIN LIÊN QUAN | |
Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức gặp mặt báo chí cuối năm | |
Long trọng kỷ 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam tại Brazil |
Tác giả (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp ASEAN trong một sự kiện văn hoá tại Brazil. |
Có lẽ trên thế giới không có nhóm nước nào có sự gắn bó với nhau chặt chẽ và hết mình như các nước ASEAN, và khi được cử đi công tác nhiệm kỳ cũng là lúc tôi cảm nhận điều này sâu sắc hơn bao giờ hết.
Ngoại giao đa phương – tận dụng nguồn lực từ nhóm ASEAN
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ cách đây gần năm năm, những người đầu tiên tôi tiếp xúc chính là đồng nghiệp đến từ Đại sứ quán các nước ASEAN tại Brasilia, gồm Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tất cả đều rất nhiệt tình hướng dẫn tôi hòa nhập với công việc và môi trường sống nơi đây. Không chỉ giới thiệu tôi với cán bộ và cơ quan sở tại, các bạn còn chỉ cho tôi nhiều điều trong cuộc sống cá nhân, như học tiếng Bồ Đào Nha (quốc ngữ của Brazil) ở đâu thì tốt, muốn mua đồ châu Á thì đến siêu thị nào, vui chơi, giải trí ở đâu...
Đặc biệt, trong công việc, tôi đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn từ các bạn ASEAN. Trong nhiệm kỳ của tôi, Đại sứ quán Việt Nam có hai lần đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên Ủy ban ASEAN tại Brasilia, đồng nghĩa với việc tôi được giao làm Chủ tịch Nhóm làm việc của Ủy ban. Nhiệm vụ của Nhóm là tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường quảng bá hình ảnh của ASEAN và mỗi nước thành viên như Lễ kỷ niệm thành lập ASEAN, Hội chợ văn hóa, ẩm thực ASEAN, các chuyến thăm chính thức của các Đại sứ và Trưởng Cơ quan đại diện ASEAN đến các bang của Brazil, các buổi hội đàm với quan chức, nghị sỹ quốc hội Brazil.
Những nhiệm vụ khó khăn đó sẽ không thể nào hoàn thành trọn vẹn nếu thiếu đi sự hợp tác, hỗ trợ của các đồng nghiệp. May mắn cho tôi, mỗi thành viên của Ủy ban ASEAN đều có thế mạnh riêng mà tôi đều có thể tận dụng, huy động mỗi khi cần cho các sự kiện cần thiết.
Ví dụ như Sứ quán Indonesia có mối quan hệ vô cùng tốt với Bộ Ngoại giao và các cơ quan Quốc hội Brazil, Sứ quán Myanmar lại có lợi thế trong quan hệ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan tùy viên quân sự, khi cần tổ chức hội đàm thì Indonesia hay Myanmar thường đảm nhận nhiệm vụ kết nối ban đầu.
Ở cấp độ quan hệ với địa phương, Sứ quán Singapore, Thái Lan và Việt Nam có lợi thế do nhu cầu thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư của mình, nên thường đề xuất địa điểm, nội dung, xây dựng chương trình của các chuyến thăm chính thức của Ủy ban ASEAN tới các bang.
Tại Thủ đô Brasilia, các thành viên ASEAN thường xuyên tổ chức và tham gia các hội chợ văn hóa, ẩm thực ở nhiều cấp độ, từ hội chợ do chính các nước ASEAN tổ chức, đến hội chợ của các nước châu Á – châu Đại Dương và hội chợ quốc tế gồm toàn bộ Ngoại giao Đoàn. Tại các sự kiện này, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, âm nhạc của các nước ASEAN được phát huy tối đa, tạo nên sức hút mạnh mẽ đối với công chúng sở tại. Đặc biệt, hội chợ ASEAN luôn được công chúng Brasilia đánh giá là một trong những sự kiện văn hóa hấp dẫn và được mong chờ nhất trong năm, mỗi lần tổ chức đều thu hút sự tham gia của hàng nghìn người dân sở tại.
Một điều thuận lợi khi tận dụng kênh ASEAN và sức mạnh tập thể của nhóm đó là nếu đứng riêng lẻ, hầu hết các Đại sứ quán đều gặp khó khăn trong việc sắp xếp chương trình làm việc với đối tác, đặc biệt nếu muốn thăm chính thức các bang lớn, nhưng khi liên hệ với tư cách Ủy ban ASEAN thì luôn nhận được sự hoan nghênh và đón tiếp vô cùng nhiệt tình và trọng thị. Nhờ đó, Đại sứ quán các nước ASEAN đã tổ chức thành công nhiều chuyến công tác đến nhiều bang lớn của Brazil, qua đó vừa tăng cường được hình ảnh về ASEAN, vừa giúp mỗi nước thúc đẩy quan hệ với các địa phương tùy theo lĩnh vực quan tâm.
Ca sỹ Brazil mặc áo dài hát Hello Viet Nam trong một chương trình của ASEAN. |
Ngoại giao văn hóa – cách ngắn nhất để quảng bá về đất nước
Có một điều khiến tôi ngạc nhiên khi mới đến Brazil, đó là không ít lần tôi nhận được câu hỏi “Việt Nam hết chiến tranh chưa?” Quả thật, nhiều bạn bè quốc tế, đặc biệt ở khu vực Nam Mỹ chỉ biết đến Việt Nam qua những cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ mà thôi.
Trước thực tế đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đại sứ quán Việt Nam quyết tâm thực hiện là quảng bá thật nhiều về hình ảnh đất nước, văn hóa, ẩm thực, du lịch của Việt Nam.
Để làm được điều đó, Đại sứ lúc đó là chú Nguyễn Văn Kiền (nay là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Brazil) đã xác định việc then chốt là phải xây dựng mối quan hệ và tận dụng thật tốt kênh báo chí địa phương. Bởi nếu chỉ tổ chức một vài sự kiện đơn thuần thì số lượng người đến dự có thể chỉ là một vài nghìn, nhưng nếu sự kiện đó được đưa tin trên tivi, báo đài thì hàng triệu người biết đến Việt Nam.
Do đó, ngay từ khi tôi đến Brazil, Đại sứ đã giao nhiệm vụ “phải cố gắng làm sao xây dựng được mối quan hệ với báo chí để họ quảng bá cho mình, chứ ở đây giới báo chí rất khó tiếp cận, mình làm sự kiện mà mời họ hầu như không đến, có đến cũng hiếm khi đưa bài về mình”.
Lúc này, các đồng nghiệp nhóm ASEAN lại phát huy vai trò khi đã giới thiệu tôi với một số phóng viên báo chí có uy tín và nhiệt tình với các hoạt động đối ngoại của ngoại giao đoàn. Sau khoảng 1 năm kết nối và tạo mối quan hệ, tôi đã tập hợp được một nhóm nhà báo văn hóa rất yêu mến và luôn sẵn sàng đưa tin về Việt Nam. Nhờ đó, mỗi năm có hơn 20 tác phẩm báo các thể loại giới thiệu về Việt Nam tới bạn bè Brazil. Đặc biệt, một đài truyền hình của Brazil đã thực hiện hoàn toàn miễn phí hai chương trình giới thiệu về Việt Nam với tổng thời lượng 60 phút, phát sóng trên hệ thống truyền hình cáp quốc gia.
Không chỉ được bạn bè sở tại đón nhận nồng nhiệt, minh chứng qua việc số lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng vọt sau khi phát sóng, mà chất lượng của chương trình còn được các cơ quan trong nước ghi nhận với việc một trong hai chương trình đã nhận được giải Ba Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại 2016.
Bên cạnh đó, Đại sứ thường xuyên tổ chức các buổi chiêu đãi ẩm thực Việt kèm theo giới thiệu về tiềm năng du lịch nước ta dành riêng cho các nhà báo, đồng thời gửi tài liệu quảng bá bằng tiếng Tây Ban Nha dùng làm quà tặng cho báo chí bởi ngôn ngữ này có sự tương đồng với tiếng Bồ Đào Nha. Sau này, tôi được Đại sứ giao chủ trì soạn thảo riêng một bộ tài liệu công phu bằng tiếng Bồ Đào Nha, kèm theo hình ảnh sinh động về Việt Nam để làm tư liệu quảng bá trong các sự kiện.
Giờ đây, những người bạn Brazil không chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh, mà còn yêu Việt Nam ở vẻ đẹp hiện đại, cuốn hút, ở những thắng cảnh kì vĩ, ở nền ẩm thực độc đáo, nền văn hóa giàu có, đậm đà bản sắc dân tộc.
***
Nhiệm kỳ ba năm tại địa bàn khó khăn tưởng dài nhưng hóa ra trôi qua rất nhanh, bởi liên tục được lấp đầy bằng vô số hoạt động ngoại giao đa phương và ngoại giao văn hóa sôi nổi, đáng nhớ. Các hoạt động này không chỉ giúp tôi trưởng thành trong công việc mà còn có được những người đồng nghiệp thân thiết như anh em tại rất nhiều nước ASEAN, chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ bền chặt, thường xuyên hỏi thăm, động viên nhau.
Hơn hết, điều tự hào nhất khi nhắc đến nhiệm kỳ của mình là giờ đây, rất nhiều người bạn Brazil khi trò chuyện với tôi không còn nhắc đến chiến tranh nữa, thay vào đó là những lời khen: “Việt Nam quả là tươi đẹp và có nhiều điều hấp dẫn. Nhất định một ngày tôi sẽ đến thăm đất nước của bạn…”
| Brazil và những ấn tượng khó quên Quan hệ ngoại giao Việt Nam – Brazil vừa trải qua dấu mốc 29 năm và đang bước sang năm thứ 30 (8/5/1989-8/5/2018). Nhân dịp ... |
| “Mất và được” ở Brazil Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi nhận được phân công đi nhiệm kỳ tại Brazil là: “Xa thật!". Nhưng, khi đến đây, tôi lại ... |
| Rio - khi lá Quốc kỳ Việt Nam bay lên! Để sẵn sàng đón Đoàn Thể thao Việt Nam tới Rio de Janeiro tham dự Olympic 2016, công tác chuẩn bị hỗ trợ Đoàn đã ... |