📞

Một nửa sự thật về cuốn sách từng gây sốt ‘Nhân tố Enzyme’

Lê An 09:40 | 24/02/2022
Cuốn sách vừa phát hành của chuyên gia Việt Nam sẽ giải đáp cho độc giả nhiều thắc mắc về ‘Nhân tố Enzyme’ của BS Hiromi Shinya.

Được xuất bản lần đầu năm 2005 tại Nhật Bản, Nhân tố Enzyme sau đó trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại xứ sở hoa anh đào với khoảng 2 triệu bản được bán ra. Sau đó, cuốn sách cũng trở thành hiện tượng xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Enzyme diệu kỳ của BS Hiromi Shinya

Trong cuốn sách Nhân tố Enzyme, BS Hiromi Shinya cho biết từ việc quan sát những bệnh nhân ông chữa trị, ông thấy có rất nhiều quan điểm phổ biến về dinh dưỡng như uống sữa, uống trà xanh… mỗi ngày là những quan điểm sai lầm.

Bìa cuốn sách vừa phát hành 'Một nửa sự thật'. (Nguồn: MedInsights)

Từ đó, ông đưa ra nhiều hướng dẫn về ăn uống chữa bệnh theo quan điểm mới của mình, nhưng những quan điểm này lại không có kiểm chứng khoa học xác đáng, thậm chí trái ngược hẳn với nhiều kiến thức y khoa đã được công nhận.

Chẳng hạn BS Hiromi Shinya cổ vũ người bệnh dùng chế độ ăn kích thích phát triển enzyme diệu kỳ để điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là không có chứng cứ khoa học và không hợp lý.

Thực tế, để điều trị hiệu quả căn bệnh này, chế độ ăn chỉ là phương pháp bổ trợ bên cạnh các thuốc bổ trợ chính thống, đứng đầu là nhóm thuốc kháng tiết.

Khi quá tin tưởng và thực hành theo phương pháp ăn uống để chữa bệnh của BS Hiromi Shinya trong thời gian dài, độc giả nhẹ thì gặp một số rối loạn về sức khỏe, nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cũng như đánh mất cơ hội chữa trị bệnh tốt nhất của bản thân hoặc người thân.

Đây cũng chính là lý do khiến chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, TS.BS Trần Phạm Chí và TS.BS Phạm Nguyên Quý quyết định hợp tác để viết nên cuốn sách Một nửa sự thật với những nhận định về cuốn sách từng gây sốt này.

... và nửa sự thật đằng sau

Vào ngày 22/2 vừa qua, tại tọa đàm trực tuyến Một nửa sự thật - Nhận định về nhân tố enzyme của BS Hiromi Shinya do Thương hiệu Sách và Tri thức Y học MedInsights kết hợp cùng Dự án Y học cộng đồng tổ chức, các tác giả cho biết thông điệp chính mà họ muốn truyền tải đến độc giả là không phản đối giả thuyết cũng như phương pháp ăn uống của Nhân tố Enzyme của BS Hiromi Shinya.

Tuy nhiên, theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành: “BS Hiromi Shinya đã đề cao những thực phẩm trong phương pháp ăn uống mang tên mình bằng cách hạ thấp các thực phẩm khác như: sữa, sữa chua, trà, dầu ăn tinh luyện, muối, đường tinh luyện…

Ông dùng bằng chứng là 300.000 trường hợp lâm sàng mà ông quan sát được trong vài chục năm hành nghề để chứng minh quan điểm đó… Thế nhưng, không ai biết công trình nghiên cứu của ông ra sao, phương pháp nghiên cứu, chọn mẫu, thống kê kết quả thế nào. Độ tin cậy phải hiểu là… zero, nhưng cuối cùng ông vẫn đi đến kết luận, đó là minh chứng tuyệt vời cho giả thuyết".

Với Một nửa sự thật, ông Vũ Thế Thành muốn đáp trả dưới góc nhìn sự thật về những loại thực phẩm mà BS Hiromi Shinya phê phán là có hại, cần loại bỏ.

Cuốn sách phản biện nhằm làm rõ lập luận của BS Hiromi Shinya khi dùng 50% cái đúng để biến 50% cái sai thành đúng gây ra nhiều hoang mang, thậm chí ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của độc giả.

Các tác giả chia sẻ tại tọa đàm về cuốn sách. (Nguồn: MedInsights)

TS.BS Trần Phạm Chí - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Huế, cũng cho biết: “Trong cuốn sách của mình, BS Hiromi Shinya đã lồng ghép những kiến thức khoa học thật giả lẫn lộn, rồi đưa ra những kết luận không có căn cứ. Nếu bạn đọc không có kiến thức vững vàng, sẽ dễ bị cuốn và thực hành theo, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe.

Với tư cách là một bác sĩ chuyên ngành ung thư nội khoa, TS.BS Phạm Nguyên Quý - Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren (Nhật Bản), chia sẻ ông cũng “té ngửa” về các quan điểm của BS Hiromi Shinya trong việc coi các loại thuốc chống ung thư không khác gì thuốc độc giết người và khuyên người bệnh “tốt nhất là không dùng”.

Ông nói: “Thực tế, BS Hiromi Shinya không phải là bác sĩ chuyên khoa hóa trị nên không hiểu lợi ích của hóa trị trong nhiều tình huống thực tế. Ông cũng không được cập nhật những tiến bộ hóa trị so với 20 năm trước; đồng thời quá cực đoan về tác dụng phụ của hóa trị vì xem enzyme là yếu tố độc tôn và cho rằng mọi loại hóa trị đều phá hủy enzyme…

Quan điểm này sẽ làm nhiều người bệnh tự động từ chối hóa trị sau mổ, trong khi nó lại là phương thức có thể giúp ngăn ngừa tái phát tốt nhất và cải thiện thời gian sống đối với nhiều tình huống ung thư".