Đại biểu Lê Văn Cuông, người "nói nhiều" tại Quốc hội. |
Luôn xuất hiện trước diễn đàn với những phát biểu “đụng chạm”, quyết liệt đeo bám vấn đề khi chất vấn…, “ông nghị” Lê Văn Cuông vẫn tiếp tục nằm trong số ít các vị đại biểu “nói nhiều” tại kỳ họp vừa qua.
Tham gia hai khóa Quốc hội, vị Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, Ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội này nhận xét: vẫn còn nhiều đại biểu chỉ “đến họp cho đủ mặt”. Và vẫn còn cơ quan Nhà nước lực bất tòng tâm nhưng cứ cố “giữ bóng” nên chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Lực bất tòng tâm thì đừng “giữ bóng”
Theo ông, ý chí, nguyện vọng của cử tri đã được thể hiện ở kỳ họp này như thế nào?
Có thể thấy những vấn đề giải quyết được tại kỳ họp này tuy không đáp ứng trọn vẹn nhưng đã đáp ứng được nhiều nguyện vọng của cử tri.
Trong những vấn đề bức xúc lớn như giáo dục mầm non, sân golf, xuất khẩu lúa gạo… ý nguyện của dân thông qua đại biểu thể hiện rất rõ. Điều này đã giúp cho các bộ trưởng và Chính phủ nhìn rõ hơn hạn chế, yếu kém của những vấn đề đang thực thi và kịp thời điều chỉnh.
Người điều hành đã phải lưu ý, nếu đại biểu nêu vấn đề có căn cứ và có tính thuyết phục. Sân golf đã giảm 50 cái, hay các dự án khai thác bauxite bây giờ phải thay đổi nhiều chứ không thể cứ làm ào ào được, xuất khẩu gạo thì phải tổ chức lại Hiệp hội Lương thực.
Tuy nhiên, nói tiếng nói của dân nhưng cũng phải theo nghị quyết của Đảng, nên Quốc hội là dung hòa. Vì vậy nhiều vấn đề chưa đi đến tận cùng. Song như kết luận của Chủ tịch Quốc hội thì những phản biện là chân thành, xây dựng và có tác dụng cảnh báo, chắc chắn các bộ sẽ có điều chỉnh để làm cho tốt hơn.
Bên cạnh các vấn đề nói trên thì giáo dục mầm non cũng phải nghiên cứu chứ không thể thiếu quan tâm như trước đâu. Như vậy, cũng là đáp ứng một phần nguyện vọng của cử tri.
Kỳ trước ông đã chất vấn về vấn đề giáo dục mầm non, “phê” ngành giáo dục “chăm ngọn bỏ gốc”, vậy sự chuyển biến, theo ông đánh giá?
Từ kỳ họp trước đến kỳ họp này có chuyển biến nhưng chậm. Tôi biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo về chiến lược giáo dục mầm non và quan tâm đến chế độ với giáo viên mầm non hơn, nhưng vẫn đang mờ nhạt, chưa có đột phá. Quan điểm của ngành chưa rõ ràng, vẫn còn lẩn tránh, bao biện, bảo thủ, còn lấy lý do kinh phí để trì hoãn những việc cần làm.
Tuy nhiên, tôi sẽ còn đeo bám cho đến hết nhiệm kỳ xem như thế nào. Chứ không thể nói đúng nói trúng mà cứ ngểnh ngảng, không tập trung xem xét xử lý. Nếu ngành giáo dục không đáp ứng được thì đưa ra Chính phủ, Quốc hội, đằng này lực bất tòng tâm mà cứ giữ quả bóng ở chân mình nên mới chậm trễ như vậy.
Việc “giữ bóng” hiện nay phổ biến hay chỉ là cá biệt, thưa ông?
Còn nhiều bộ do lợi ích cục bộ nên khi xây dựng luật hoặc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội thì cứ lấn cấn. Như việc thống nhất một giấy chứng nhận nhà và đất thì Quốc hội có nghị quyết rồi nhưng các bộ liên quan cứ ý kiến đi ý kiến lại, Chính phủ không thể hiện chính kiến rõ ràng nên bây giờ lại đưa ra Quốc hội.
Vậy còn vai trò giám sát của đại biểu, của Quốc hội?
Trước đây chưa có nghị quyết về chất vấn, kỳ họp trước lần đầu tiên có nghị quyết về vấn đề này. Mặc dù nghị quyết đang còn chung chung, chưa có địa chỉ làm căn cứ giám sát nhưng chừng mực nào đó cũng có tác dụng.
Các kỳ trước cử tri gửi kiến nghị nhưng đại biểu chả biết việc trả lời thế nào. Kỳ này lần đầu tiên có báo cáo về việc giải quyết kiến nghị của cử tri, dù sao có cũng còn hơn không.
Chất lượng trả lời còn phải bàn tiếp nhưng dù sao cũng tạo ra nề nếp là ý kiến cử tri là các bộ phải trả lời. Có một số vụ việc ban dân nguyện đã nhận xét, đánh giá được.
Với khối lượng kiến nghị của cử tri đồ sộ như thế, lâu nay chưa có tiền lệ, chưa có quy định bắt buộc, bộ nào trả lời hay không cũng không rõ, giờ làm được như vậy cũng là tăng tính công khai minh bạch để đại biểu xem việc trả lời có đúng không, có chất lượng không, để làm căn cứ đóng góp., chứ trước đây cứ tù mù. Trong khi trách nhiệm của đại biểu là nói phải đi đôi với làm.
Khi đại biểu “bình chân như vại”
Nhân nói về trách nhiệm của đại biểu, ông có nhận xét gì khi có rất nhiều đoàn đại biểu Quốc hội không có bất kỳ chất vấn nào tại kỳ họp này?
Thực tế có những đại biểu khi đi họp đến cho đủ mặt, không đem hành trang vốn liếng gì qua tiếp xúc cử tri, qua giám sát. Kỳ họp diễn biến thế nào cũng thờ ơ, nước chảy bèo trôi, bình chân như vại.
Theo tôi, là đại biểu thì phải có tinh thần trách nhiệm cao, phải gần dân. Đây là kỳ họp thứ 5 rồi chứ không phải là thứ nhất thứ hai mà còn bảo chưa có kinh nghiệm. Chỉ có thể nói là tinh thần trách nhiệm của đại biểu còn chưa tốt. Nhiều đại biểu trông mong đến kỳ họp để thực hiện trách nhiệm trước cử tri, nhưng cũng có người họp cũng được, không cũng được. Trong khi áp lực của cử tri với đại biểu là rất lớn.
Vậy “áp lực” này với riêng cá nhân ông thì sao?
Với tôi thì áp lực từ cử tri rất lớn. Từ những phát biểu, chất vấn của tôi trên diễn đàn, nhiều cử tri không chỉ ở Thanh Hóa mà còn ở nhiều tỉnh viết thư, gửi đơn. Bởi họ rất tin nếu đại biểu tác động thì có thể các cơ quan có trách nhiệm sẽ giải quyết vụ việc của họ, chứ họ tự gửi bao nhiêu năm nay chả có ý kiến gì.
Nhưng mình đâu có thẩm quyền giải quyết, chỉ có thể chuyển đơn thôi. Song không ít trường hợp mình gửi đi người ta không thèm trả lời, đôn đốc nhắc nhở cũng không trả lời, cuối cùng là phải ra Quốc hội chất vấn thì bắt buộc phải trả lời, phải giải quyết.
Nhưng thưa ông, như nhiều đại biểu đã nhận xét, có nhiều đại biểu chất vấn còn lơ mơ về luật nên mới chỉ dừng lại ở việc phản ánh lại ý kiến của cử tri?
Tôi cũng thấy như vậy khi nghe nhiều đại biểu chất vấn chưa phải là chất vấn. Đại biểu chưa phân biệt được thế nào là hỏi, góp ý, kiến nghị, là tham gia ý kiến. Đây là yếu kém của đại biểu trên diễn đàn lớn.
Có đại biểu chất vấn chỉ do muốn xuất hiện trên màn hình để thể hiện trách nhiệm với cử tri. Điều đó cũng đúng nhưng phải đi đôi với chất lượng chất vấn. Đừng làm cử tri hụt hẫng, băn khoăn về vấn đề cử tri chất vấn nhưng đại biểu lại đi giải thích hộ cho người bị chất vấn.
Như vậy, còn có khoảng cách lớn giữa áp lực của cử tri và bản lĩnh của đại biểu?
Hiện nay, cơ chế để đại biểu hoạt động thì có, nhưng chế tài để xử lý các vấn đề liên quan ít khả thi, nên chỉ còn mỗi công cụ dùng chất vấn và lời lẽ trên diễn đàn thôi. Nhưng việc này lại đụng chạm đến các bộ ngành và chính quyền các cấp. Vì nếu có trách nhiệm với dân thì họ đã làm rồi, chứ không né tránh - thậm chí vô cảm - trước oan sai của dân, để dân lâm vào cảnh “con kiến mà kiện của khoai”, phải gửi đơn thư đến đại biểu.
Nhưng nếu như đại biểu thiếu trách nhiệm, vì mối quan hệ cá nhân hoặc không am hiểu pháp luật thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. Còn đeo bám và quyết tâm giải tỏa bức xúc của dân thì có thể nói khá vất vả và mệt mỏi để đi đến kết quả.
Bởi vì, tâm lý nhiều nơi chả thích cho mình giám sát, vào việc cụ thể mới thấy khó. Mà như tôi đã nói, đụng đâu cũng có vấn đề.
Vừa rồi Thủ tướng Chính phủ có nói báo chí phải tạo nên đồng thuận xã hội. Nhưng muốn có đồng thuận thì phải công khai, dân chủ chứ nếu cứ úp úp mở thì làm sao mà đồng thuận được.
Việc giám sát và giải quyết kiến nghị của cử tri là rất khó, nếu suy từ bản thân tôi, vì quyết liệt nên đụng chạm. Và tôi cũng đã bị một số vị lãnh đạo nhắc nhở, có đơn vị còn có văn bản lên cấp trên cho rằng mình chưa làm đúng vai trò của đại biểu, hoặc cho là quá đáng. Nhưng tôi không sợ vì luôn làm đúng luật.
Hành trang quan trọng nhất của đại biểu là nắm vững pháp luật, có bản lĩnh, trí tuệ và quyết liệt, đeo bám đến cùng. Tôi đã đi theo con đường đó và đã ít nhiều thành công.
Theo VnEconomy