📞

Một thoáng Thái Tây Bắc

10:00 | 12/03/2016
Bỏ cà phê, bánh mì ốp-lết quen thuộc trong bữa sáng, chúng tôi xuất phát sớm đến Mường Lò (Tây Bắc) để thưởng thức xôi đặc sản. Chúng tôi rất nhớ câu khẩu ngữ dân gian Tây Bắc ca ngợi vẻ đẹp của những cánh đồng: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”.
Món xôi ngũ sắc từ lâu đã được biết đến là đặc sản ẩm thực của vùng Tây Bắc. (Nguồn: Báo Ảnh/Vietnam+)

Đến xã Tú Lệ, ghé quán bên đường, thưởng thức xôi nóng thơm, chấm muối vừng và ruốc, thêm ít cua suối chiên. Có anh trong đoàn lấy đũa đơm xôi ra bát. Chị Hương, cán bộ văn hóa đối ngoại lâu năm đã đi nhiều nước ngăn lại, cười bảo: “Nhập gia tùy tục! Vào đất Tây Bắc, cơm nếp phải ăn bằng tay chứ!”. Rồi chị kể một kỷ niệm hồi trẻ. Có lần, một cô giáo Nga đãi sinh viên Việt ăn gà quay. Mấy cô cậu loay hoay dùng dĩa và dao, cô bảo hãy dùng tay cầm gà mà ăn mới ngon. Rồi cô nhớ lại hồi ở Ấn Độ được dự một bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chủ trì. Thủ tướng nói đùa: “Ăn gà bằng dĩa như tỏ tình với người yêu qua phiên dịch”. Nghe chuyện đó, mọi người trong đoàn chúng tôi cười ồ lên và đều dùng tay ăn cơm nếp Thái. Thật đúng là: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy đều là... dùng tay”.

Thung lũng Mường Lò như một chiếc chảo lớn, quanh năm mây trắng vắt ngang các ngọn núi bao quanh. Nhà văn Hà Lâm Kỳ, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch tỉnh giới thiệu cho chúng tôi đặc điểm của xứ Mường Lò, có nhiều dân tộc Tày, Khơ Mú, Dao, Mường, Cao Lan, Phú Lá, Thái, Mông...

Số người dân tộc Thái đông nhất và đến Mường Lò sớm nhất. Danh từ Mường chỉ một khu vực đất đai có thể to hay nhỏ, có thể là bản, xã, huyện hay vùng. Về từ “Lò”, có giai thoại nói đó là ông Lò Lạng Trượng, ông tổ đã dẫn một tộc nhỏ Thái đen đi từ phương Bắc xuống, dừng chân bên hồ Nậm Thìa và khai hoang cả một vùng (có thể vào thế kỷ X).

Phong tục Thái ở đây có nhiều nét độc đáo. Đầu năm có hội Hoa Ban, hội chơi xuân. Ở hang động Thẩm Lé có suối lộ thiên nước chảy trong vắt. Trai gái đến đây chơi vui hoặc tưởng nhớ một mối tình xưa trong sáng giữa khung cảnh cả một rừng hoa ban nở trắng xóa. Từ mấy chục năm nay, rừng hoa đã mất. Còn con suối được coi là bắt nguồn từ câu chuyện: Ở Phù Nham có đôi trai gái yêu nhau mà không lấy được nhau, cô gái khóc mà chết, nước mắt chảy thành suối, tóc thành rong rêu xanh quanh năm trong lòng suối.

Ngày Tết, người dân Mường Lò có tục mời rượu khách rất nhiệt tình: “Muốn biết lòng chủ nhân thế nào, hãy xem họ mời rượu!”. Người thân đến thì được chủ nhân dắt tay từ cầu thang nhà sàn. Cùng ngồi trên chiếu, sau dăm ba câu, bắt đầu mời rượu. Mâm đồ nhắm có thể đạm bạc, nhưng rượu thì chuốc suốt buổi, có khi cả đêm. Buổi liên hoan kéo dài nhờ những chuyện cổ tích, thổi khèn, múa xòe. Tan tiệc, gia đình chủ tiễn khách đến đầu cầu thang. Ở đó, hai cô gái đứng đợi sẵn, rót rượu nếp tiễn biệt, hẹn ngày gặp lại.

Anh Hà Lâm Kỳ cho biết, phụ nữ Thái chăm sóc sắc đẹp rất cầu kỳ. Từ nhỏ đến lớn, con gái được mẹ dạy ăn, mặc, đi, đứng mềm mại, e lệ để hợp với khuôn mặt đầy đặn và thân mình thon thả. Thành ngữ của dân tộc thái có câu: “Kinh cổm nỗn tẳng” (Người thon dong dỏng, thắt đáy lưng con tò vò)... Để đạt được các tiêu chuẩn ấy, các bé gái 11, 12 tuổi đã thắt lưng bằng khăn tơ. Chiếc áo cỏm trắng ngắn, có vòng cổ cườm và hàng khuy bạc chiết hai bên nách, bó sát người làm cho cánh tay, vòng ngực và eo nổi lên mịn màng, tròn trịa. Váy đen, gấu thêu chỉ trắng viền vải đỏ bên trong. Chiếc xà tích, khăn piêu, vòng cổ tay thêm đậm đà duyên dáng. Mái tóc đen mượt được gội với nước vo gạo đặc và bồ kết. Những cô chưa chồng thì tóc búi phía sau, có chồng thì tóc búi dựng đứng. Khăn piêu không buộc, không gấp nhiều nếp, chỉ vắt lên vừa đủ nổi bật khuôn mặt trắng mịn. Ngày nay, họ để răng trắng thay răng đen, đánh răng bằng cỏ thơm hoặc miếng cau tươi để vừa chắc chân răng mà không hại men. Họ cũng kiêng xỉa răng vì sợ răng hở kẽ. Phụ nữ Thái chăm sóc cái “góc con người” tỉ mỉ đến nỗi chẳng có người mẹ nào quên nhiệm vụ nắn chân răng cho con gái từ nhỏ để có hàm răng đều hạt bắp. Để giữ da trắng mịn, nữ thường ngâm mình trong nước, cởi quần áo dần theo mực nước, cuối cùng đội quần áo lên đầu. Nhờ biết giữ sắc đẹp mà phụ nữ Thái được ví là thân hình đúc khuôn.

Thật không ngờ, đất Mường Lò thanh bình duyên dáng ngày nay như vậy đã từng là nơi chiến trường ác liệt vào đầu những năm 1950. Hồi đó, Nghĩa Lộ (Mường Lò) là một chốt của quân viễn chinh Pháp giữ Tây Bắc. Năm 1952, ta mở được cửa ngõ ấy để giải phóng nhiều vùng rộng lớn, nối với Lào anh em, để tiến đánh trận cuối cùng: Điện Biên Phủ.