📞

Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 10]

HỮU NGỌC 09:00 | 10/12/2023
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tiêu biểu, nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu và hiểu biết về nền văn học Đan Mạch.

HOA ĐẸP VƯỜN VĂN (4)

OLSEN Ernst Bruun (1923-2011) là nhà viết kịch Đan Mạch. Ông học nghề diễn viên và đạo diễn.

Ông viết kịch phê phán những vấn đề chủ yếu của xã hội tư sản, như kỹ nghệ giải trí trong vở kịch Tình yêu lứa tuổi đôi mươi (1962); sự nhào nặn dư luận và sự phát triển của các lực lượng quân phiệt và chủ nghĩa phát xít mới trong Những người bán sách phải thức tỉnh chứ? (Men Boghandleren kan Ikke Sove, 1963) và Cơn ác mộng vô tuyến (Et Fjernsynsmareridt, 1964). Olsen phân tích tính chất cải lương của chủ nghĩa xã hội trong Khiêu vũ trong giai cấp tư sản.

PONTOPPIDAN Henrik (1857-1948) là nhà văn Đan Mạch. Giải thưởng Nobel năm 1917.

Ông là con một mục sư, học kỹ sư nhưng bỏ dở, dạy học, ít lâu sau sống bằng ngòi bút. Ông là đại diện xuất sắc của nền văn học hiện thực phê phán Đan Mạch, đi sâu vào tâm lý xã hội.

Những truyện đầu có tính chất tự nhiên chủ nghĩa, thể hiện sự phẫn nộ đối với bất công xã hội và lòng ưu ái đối với vô sản nông thôn.

Pontoppidan tố cáo một cách châm biếm tính chất giả nhân giả nghĩa của khuynh hướng tư sản tự do trong tập truyện ngắn Mây (Skyer, 1890), đồng thời vẫn trung thành với truyền thống lãng mạn và tượng trưng trong một số tiểu thuyết khác.

Bộ tiểu thuyết ba tập Đất hứa (Det Forjiaettede Land, 1891-1895) và cuốn tiểu thuyết Per’ số đỏ (Lykke Per, 1898-1904) đưa ra những hình ảnh buồn tẻ của đời sống nông thôn và thủ đô vào cuối thế kỷ XIX.

Cuốn Per’ số đỏ (thường được coi là tác phẩm lớn nhất của ông) chứng minh là trong xã hội tư bản, cần cù và tài năng không đi đến đâu. Muốn thành công phải dựa vào tiền tài, thế lực và sự nhẫn tâm; các nhân vật chính tìm lối thoát bằng cách xa lánh xã hội, hoặc đem tài sản ra làm điều thiện.

Cuốn tiểu thuyết Thế giới những người chết (De Dodes Rige, 1912-1916) viết trong hoàn cảnh Thế chiến I, đưa ra hình ảnh một xã hội suy tàn và nói lên sự thất bại của những cá nhân, sự mâu thuẫn không thể giải quyết nổi giữa lý tưởng nhân đạo tư sản và thực tế xã hội tư bản - sự bất lực của tác giả.

Nói chung, những tác phẩm của Pontoppidan lạc quan, nhưng vẫn mang màu sắc xam xám, tiêu biểu cho truyền thống tiểu thuyết Đan Mạch (chủ yếu miêu tả những tầng lớp dưới, con người sống ngột ngạt).

RIJBJERG Klaus (1931-2015) là nhà văn đi tiên phong trong hiện đại hóa văn học Đan Mạch sau chiến tranh, từ những năm 60. Trẻ hóa thơ trữ tình, sáng tạo ngôn ngữ.

Tiểu thuyết và truyện ngắn của ông mang tính khiêu khích, hay miêu tả tuổi dậy thì, tình dục. Những năm 70, 80, hư cấu và hiện thực phũ phàng trà trộn với nhau.

Ông cũng là nhà phê bình và xuất bản cự phách.

SAXO Grammaticus (1150-1220) là nhà viết sử Đan Mạch thời Trung cổ. Xuất thân quý tộc. Được tổng giám mục ở Roskilde là Absalon ủy nhiệm viết bằng tiếng Latinh tác phẩm sử học Sự nghiệp người Đan Mạch (Gesta Danorum): cuốn sách này (xuất bản ở Paris vào đầu thế kỷ XVI) tập hợp những áng văn học truyền khẩu và truyện cổ tích, có giá trị về ngôn ngữ, và là một tư liệu văn học cổ Bắc Âu.

SKOU-HANSEN Tage (1925-2015) là nhà văn Đan Mạch, sinh tại Fredericia, xuất thân gia đình tư sản. Ông học văn, làm biên tập viên xuất bản, dạy học, viết tiểu thuyết.

Những tác phẩm đầu viết về thời kỳ kháng chiến chống phát xít Đức chiếm đóng Đan Mạch, như: Những vì sao ban ngày (Dagstjernen, 1962). Skou-Hansen vạch rõ những hiện tượng tha hóa và suy đồi của giai cấp tư sản trong cuốn tiểu thuyết Phía bên kia (Paa den Anden Side, 1965).

VOSS Tage (1918-2017) là nhà văn Đan Mạch, sinh tại Copenhagen. Bố ông làm nghề bán tác phẩm nghệ thuật. Ông học y, làm nghề y và hoạt động báo chí, đài phát thanh.

Voss chuyên viết truyện và tiểu luận. Tập tiểu luận đầu tiên Tối hậu thư của thời đại (Tidens Ultimatum, 1954) vạch rõ tính chất phản nhân đạo của xã hội tư bản và tính chất tất yếu về mặt lịch sử của chủ nghĩa xã hội.

Tập truyện ngắn Những người nước ngoài (De Fremmede, 1966) tố cáo những hành động dã man của phát xít Đức. Voss còn viết về đời sống ở hải đảo và quan hệ giữa người và sức mạnh thiên nhiên.