📞

Một thoáng văn học Đan Mạch [Kỳ 8]

HỮU NGỌC 09:00 | 26/11/2023
Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu một số tác giả tiêu biểu, nhằm giúp độc giả có thêm tư liệu và hiểu biết về nền văn học Đan Mạch.

HOA ĐẸP VƯỜN VĂN (2)

Nhà văn Đan Mạch Becker Knuth.

BECKER Knuth (1892-1974) là nhà văn Đan Mạch. Ông xuất thân từ một gia đình tiểu tư sản. Cho đến năm 32 tuổi, làm thợ rèn, thợ máy. Tập Thơ (Digte, 1916) ra trong Thế chiến I. Thơ Becker chống chiến tranh. Ông có cảm tình với các tầng lớp dưới, phê phán đạo lý tư sản hẹp hòi. Ông viết một bộ tiểu thuyết 9 tập, có nhiều nét tự truyện: Miếng bánh mỳ hàng ngày (Det Daglige Brod, 1932), Thế giới đợi chờ (Verden Venter, 1934, hai tập), Mùa xuân bứt rứt (Uroligt Foraar, 1938-1939, 3 tập), Khi chuyến tàu đi (Naar Toget Koerer, 1944, hai tập), Marianne (1956).

BLICHER Steen Steensen (1782-1848) là nhà văn và nhà thơ Đan Mạch. Ông là con một mục sư, bản thân cũng làm mục sư. Truyện ngắn của ông miêu tả lịch sử và hiện tại quê hương Jutland. Blisher có tư tưởng cải cách theo quan điểm ánh sáng của tư tưởng tư sản. Báo hiệu trào lưu hiện thực phê phán.

BLIXEN-FJNECKE Karen (1885-1962), nhà văn nữ Đan Mạch, còn có bút danh là Isak Dinesen và Pierre Andresel. Bà viết tiếng Đan Mạch và tiếng Anh. Xuất thân địa chủ quý tộc. Chủ nhân một đồn điền cà phê ở Kenya (châu Phi) và ở đó từ 1914 đến 1931. Blixen-Fjnecke theo một quan điểm nhân đạo chung chung thường đối lập thiện và ác. Tập truyện ngắn đầu tiên của bà ra năm 1934 ở Mỹ (bằng tiếng Anh): Bảy truyện Gothic (Seven Gothic Tales). Bà sử dụng hồi ức châu Phi trong cuốn Trang trại ở châu Phi (1937) và Những bóng đen trên đồng cỏ (1960).

BRANDES Georg (1842-1927) là nhà phê bình văn học Đan Mạch. Ông bênh vực chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, đòi hỏi văn học phải phục vụ tiến bộ, chống lại phản động. Ông có ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa ở các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy. Về sau Brandes cũng chịu ảnh hưởng của Nietzche, có cảm tình với cách mạng Tháng Mười Nga.

BRANNER Hans Christian (1903-1966) là nhà văn và nhà viết kịch Đan Mạch. Tác phẩm của ông đề cập những xung đột tâm lý và xã hội trong thời kỳ Đức chiếm đóng. Quan điểm nhân đạo của Branner: gìn giữ đạo đức cá nhân quan trọng hơn cải tạo xã hội. Branner miêu tả sự tha hóa và cô đơn của con người trong xã hội tư bản. Tiểu thuyết: Kỵ mã (1949), Không ai biết được đêm tối (1955).

DRACHMANN Holger (1846-1908) là nhà văn và nhà thơ Đan Mạch, là con một thày thuốc. Mới đầu, ông theo đuổi nghề họa. Sau làm báo và viết văn. Thái độ ngả nghiêng giữa hai khuynh hướng cấp tiến tư sản và bảo thủ. Mới đầu ông chịu ảnh hưởng của nhà phê bình cấp tiến Đan Mạch G. Brandes, ra tập Thơ (Digte, 1872) nói lên cảm tình đối với Công xã Paris và sự đấu tranh của giai cấp vô sản.

Sau cắt đứt với nhóm Brandes. Diễn tả những tình cảm lãng mạn bồng bột trong kịch, tiểu thuyết và thơ. Tập du ký Bằng than và phấn (Med Kul og Kridt, 1872) và tập truyện Trong bão táp và khi trời yên (I Storm og Stille,1875)… viết về dân miền biển, có khuynh hướng hiện thực. Cuốn tiểu thuyết tự truyện Forskrevet (1890) chịu ảnh hưởng của Nietzsche, phê phán gia cấp tư sản đương thời.

GELSTED Otto (1888-1968) là nhà thơ và phê bình Đan Mạch, ông học rộng, làm báo. Năm 1943, trong thời kỳ Đức chiếm đóng Đan Mạch, ông chạy sang Thụy Điển. Những năm 20, thơ ông có khuynh hướng vô chính phủ và thần bí. Gelsted nói lên lòng tin vào sự phát triển của con người, tinh thần lạc quan, trong những tập thơ triết lý và ca ngợi thiên nhiên: Cô gái đồng trinh Gloriant (Jomfru Gloriant, 1923), Hướng về trong sáng (Henimod Klarhed, 1931).

Hình thức đơn giản, trong sáng, đối lập với khuynh hướng tiêu cực và bi quan của thơ tư sản Đan Mạch. Ngay từ những năm 30, thơ Gelsted đã có khuynh hướng chính trị khá rõ nét, tỏ cảm tình với chủ nghĩa Marx: tập Giông tố (Under Uvejret, 1934) vạch rõ sự đe dọa của chủ nghĩa phát xít. Bài thơ Những con chim tối tăm (De Morke Fugle, 1940) lên án sâu sắc bọn quốc xã Đức xâm lược Đan Mạch. Tập Thơ lưu vong (Emigrantdigte, 1945) thể hiện tình yêu nước nồng nàn. Về cuối đời Gelsted dịch thơ cổ điển Hy Lạp.

HANSEN Martin Alfred (1909-1955) là nhà văn Đan Mạch. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân. Làm nông nghiệp trước khi đi dạy học. Qua hoạt động báo chí, ông liên lạc với phong trào kháng chiến chống phát xít trong Thế chiến II. Hansen viết tiểu thuyết và truyện ngắn, miêu tả ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đối với nông thôn. Cuộc sống trong chiến tranh khiến Hasen có thái độ hiện sinh, xa lý tính, gần những tín ngưỡng thơ ngây của dân chúng; Hansen phê phán nền văn minh tư sản. Khuynh hướng chống Cộng ngày càng rõ rệt. Có ảnh hưởng đối với những thế hệ nhà văn Đan Mạch trẻ theo thuyết hiện sinh.

Tác phẩm: Chuyến đi của Janathan (Jonathan Rejse, 1941), tiểu thuyết lịch sử Người dối trá (Logneren, 1950), tiểu thuyết viết dưới hình thức nhật ký của một người ”hoài nghi hiện đại”; phương pháp biểu tượng.