Tổng thống Phlippines M. Arroyo trao tặng Huân chương Hữu nghị Sikatuna hạng cao cho Đại sứ Vũ Xuân Trường. |
Đầu năm 2006, tôi được phân công làm Đại sứ nước ta tại Philippines. Một số bạn bè gặp tôi nói: ông lại sắp vất vả và có nhiều việc phải làm rồi. Phải làm nhiều việc thì Đại sứ nào chả vậy nhưng vất vả thì có lẽ ở Philippines có những điểm khác với nhiều nước....
Sang Philippines được ít ngày, chúng tôi tổ chức một số hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Philippines với trọng tâm là Lễ kỷ niệm. Nhưng đúng vào tối tổ chức buổi lễ, thủ đô Manila mưa to, gió lớn, nhiều xe ô tô bị nước làm chết máy. May thay, xe của Đại sứ quán gầm cao không bị chết máy song cũng bị từng đợt sóng từ Vịnh Manila đánh vào thành xe. Chúng tôi cảm thấy buồn vì cho rằng mưa to, gió lớn thế này chắc khách sẽ đến rất ít.
Nhưng chỉ ít phút sau, khách đến rất đông đủ. Tôi và anh, chị em trong sứ quán vui ra mặt. Nói chuyện ngoài lề trong buổi lễ, mọi người cho rằng mưa to, gió lớn thử thách quan hệ hai nước, nhưng đó là quan hệ lúc nào cũng vững chắc và trong sáng, không gì phá vỡ được, kể cả thiên nhiên. Một đồng nghiệp còn ngâm một câu trong truyện Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Quần đảo muôn màu
Gần bốn năm sống và làm việc ở Philippines làm cho tôi ngày càng yêu mến đất nước và con người nơi đây. Nhiều người nói: người Philippines là người Mã Lai trong gia đình luôn nồng ấm, người Tây Ban Nha trong tình yêu với nhiều nét quyến rũ, người Trung Hoa trong kinh doanh và người Hoa Kỳ với tính thực dụng. Chính điều này đã làm nên nét riêng mà người Philippines tự gọi mình là “Pinoy”.
Người Philippines vui nhộn và nhìn cuộc đời một cách lạc quan. Chính điều này đã giúp họ vượt qua những trận bão và những trận lụt khủng khiếp. Người Philippines yêu thích nhiều loại hình văn nghệ, hát hay và hay hát.
Một đặc điểm khác của người Philippines là không muốn làm phật lòng bạn bè nên nếu bạn có bình luận hoặc yêu cầu gì thì họ thường nói “vâng”, trong khi thực tế họ muốn nói là “không”.
Nếu bạn đến Philippines, hãy thử một lần trải nghiệm cảm giác trên chuyến xe jeepney để nếm trải một chút lối sống bình dân. Loại xe này là hậu duệ của những chiếc xe jeep của Mỹ thời Thế chiến II nhưng được kéo dài hơn để chở được nhiều người hơn và trang trí theo kiểu Pinoy.
Đi một chặng đường dù ngắn hay dài, chỉ mất khoảng 7-8 Peso (khoảng 3 nghìn đồng). Cái hay và vui vẻ là tần suất xe lớn, chỉ chờ khoảng 3-4 phút là có xe. Các xe này sơn đủ màu sắc, có thể nói là rất sặc sỡ và cộng thêm tiếng nhạc trên xe làm người ta lầm tưởng là xe lễ hội.
Philippines là quốc gia quần đảo với hơn 7 nghìn hòn đảo to nhỏ, có nhiều phong cảnh đẹp, rất phù hợp với việc phát triển du lịch với nhiều loại hình khác nhau như du lịch cộng đánh golf chẳng hạn.
Giáo dục của Philippines cũng có nhiều lợi thế như tiếng Anh là ngôn ngữ học tập và giảng dạy trong trường phổ thông cũng như đại học. Philippines kế thừa nhiều tinh hoa của nền giáo dục Hoa Kỳ để lại. Thêm vào đó, học phí cũng như sinh hoạt phí khác của học sinh, sinh viên thấp.
Chính vì lẽ đó số học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam ở Philippines tăng lên không ngừng, cao điểm có lúc trên 2.000 em (hiện nay do dịch Covid-19 nên giảm nhiều). Ngoài vấn đề Covid-19 hiện nay, tâm lý lo ngại về an ninh cũng ảnh hưởng đến du lịch và du học ở Philippines. Đúng là có một số ít khu vực nhỏ ở Philippines có vấn đề về an ninh nhưng hầu hết đất nước này đều an toàn.
Tại sao chúng ta lại bỏ lỡ cơ hội học tốt, giá rẻ; tại sao chúng ta không đi du lịch thưởng thức nhiều cảnh đẹp và có thể kết hợp với đánh golf với chi phí cũng rất thấp (vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Manila hoặc TP. Hồ Chí Minh – Manila chỉ khoảng 200 USD).
Đại sứ Vũ Xuân Trường thăm thành phố cổ Ilocose Sur, tháng 6/2008. |
Song trùng lợi ích
Việt Nam và Philippines có rất nhiều điểm đồng và song trùng lợi ích trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Đơn cử như hai nước đều là những nước bị đế quốc, thực dân đô hộ, đều đứng lên chiến đấu và giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Hai nước trở thành bạn bè, đối tác, rồi đối tác chiến lược không những vì lợi ích của cả hai nước mà còn vì hòa bình, phát triển và phồn vinh của khu vực và thế giới.
Tuy chúng ta trong lịch sử và hiện tại có một số bất đồng, khác biệt nhưng những điểm này là nhỏ và sẽ ngày càng nhỏ so với lợi ích chung của cả hai nước. Từ chỗ hai nước không có quan hệ gì đáng kể, ngày 12/7/1976, hai nước đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc phát triển quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa.
Từ chỗ Philippines cùng Mỹ và nhiều nước khác bao vây, cấm vận Việt Nam, năm 1985, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã mở những chuyến bay đầu tiên nối Việt Nam và Philippines.
Từ chỗ hai nước không có hiệp định, thỏa thuận nào, đến nay đã có hơn 30 hiệp định, thỏa thuận, bản ghi nhớ giữa chính phủ, các bộ, ngành hai nước, đặc biệt văn bản Đối tác chiến lược, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển quan hệ nhiều mặt giữa hai nước.
Từ chỗ kim ngạch thương mại hai chiều năm 1989 chỉ chưa đầy 30 triệu USD đến nay đã lên hơn 5 tỷ USD, trong đó Việt Nam luôn thặng dư thương mại (trong tổng kim ngạch, Việt Nam xuất khoảng 70-80%, Philippines xuất 20-30%).
Từ lúc không có đầu tư trực tiếp lẫn nhau, hiện nay Philippines đã đầu tư hơn 300 triệu USD vào Việt Nam. Một số công ty Philippines và Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư khá lớn vào thị trường của nhau.
Từ lúc Việt Nam hầu như không có lao động người Philippines và ngược lại, ngày nay khoảng 7.000 người Philippines làm việc tại Việt Nam với nhiều loại hình lao động khác nhau và số lao động kỹ thuật viên Việt Nam làm việc ở Philippines cũng tăng lên đáng kể....
Ngày 12/7/1976, Việt Nam và Philippines chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 17/11/2015, hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược. Thời gian qua, quan hệ hai nước có nhiều bước phát triển mới, vững chắc, đưa hợp tác song phương đi vào chiều sâu theo tinh thần Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. |
Buổi họp báo đáng nhớ
Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, 12 Đại sứ Việt Nam đã luân phiên sang Manila thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Philippines. Tôi vinh dự được là một trong số 12 đại sứ này. Gần bốn năm công tác ở Manila, tôi tham gia rất nhiều sự kiện nhưng tôi nhớ mãi sự kiện tham dự buổi họp báo về Bản ghi nhớ Việt Nam bán gạo cho Philippines.
Đầu năm 2008, thị trường gạo thế giới chao đảo, khan hiếm, một số nước ngừng xuất khẩu gạo, giá gạo tăng đột biến, từ khoảng 500 USD/tấn lên 1.200 USD/tấn. Philippines là nước nhập khẩu gạo lớn, rất lo lắng làm sao nhập được gạo, đảm bảo dân không bị đói. Một số cuộc biểu tình về việc cung cấp gạo đã bắt đầu. Nếu vấn đề này không được giải quyết thỏa đáng có thể dẫn đến bất ổn lớn về chính trị. Chính phủ bạn đề nghị ta cam kết bán gạo cho bạn (tất nhiên theo giá thị trường).
Với tinh thần hợp tác, hữu nghị, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nước, đoàn kết giữa các nước ASEAN và khu vực và đồng thời giúp bạn cũng chính là giúp mình, chúng ta đã ký Bản ghi nhớ bán cho bạn 1,5 triệu tấn gạo/năm.
Có Bản ghi nhớ, bạn tổ chức họp báo, với Tổng thống tham dự và phía ta trong nước cử tôi dự. Bạn cảm ơn Việt Nam rất nhiều. Vấn đề gạo được giải quyết; biểu tình về vấn đề này cũng không còn lý do để tiến hành, ổn định chính trị được giữ vững. Tôi và anh, chị em trong Đại sứ quán cũng được thơm lây.
Có lẽ sự kiện này cũng là một trong những lý do tôi được trao tặng Huân chương Hữu nghị Sikatuna hạng cao.
Cuộc đời đi sứ nhiều lúc rất vất vả, lo âu nhưng nhiều khi cũng vui và thú vị.
Kim ngạch thương mại song phương tăng đều theo hàng năm từ 2,9 tỷ USD năm 2012 lên 5,32 tỷ USD vào năm 2020 bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong năm qua. Hiện Việt Nam là một trong những đối tác cung cấp gạo lớn nhất cho Philippines. Xuất khẩu gạo sang Philippines trong năm 2020 lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD, lượng gạo xuất khẩu đạt 2,22 triệu tấn - cao nhất từ trước đến nay. |