Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham quan triển lãm ảnh về các hoạt động đối ngoại trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, tháng 12/2023. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Những chuyến thăm lịch sử
Trên bình diện song phương, Việt Nam đã tổ chức thành công 22 chuyến thăm của lãnh đạo chủ chốt tới các nước láng giềng, các đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước đến Việt Nam cùng với hàng trăm cuộc gặp cấp cao tại các diễn đàn, hội nghị đa phương.
Trong đó, có những chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử như chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bìnhvà Tổng thống Mỹ Joe Biden... Ngoài ra, Việt Nam cũng tổ chức thành công các hoạt động đón Chủ tịch Đảng nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam tháng 5/2023. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Phu nhân thăm Việt Nam tháng 6/2023. Thủ tướng Campuchia Hun Manet thăm Việt Nam tháng 12/2023…
Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ với nhiều đối tác quan trọng được nâng lên tầm cao mới như Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Về đa phương, vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, tiểu vùng Mekong, APEC, AIPA, IPU, UNESCO, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường…Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh giữ gìn hoà bình của Liên hợp quốc, cứu hộ khắc phục động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ...
Thực tế là minh chứng
Những năm qua, các thế lực thù địch không ngừng thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” với tính chất ngày càng gay gắt, quyết liệt. Mục đích là kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội trong nước; đồng thời, hạn chế và bó hẹp quan hệ đối ngoại của Việt Nam với các đối tác trên thế giới. Điều này tác động không nhỏ tới chủ trương “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa” và “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện” của Việt Nam.
Trong năm 2023, việc Việt Nam đồng thời triển khai hoạt động đối ngoại quan trọng với hai đối tác lớn là Mỹ và Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm chú ý của các thế lực thù địch. Sau chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden tới Việt Nam, các đối tượng đã có các chiêu trò như tung tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, gây hoang mang dư luận nhằm chống phá sự kiện nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
Các đối tượng dựng lên việc “Việt Nam cần phải dựa vào Mỹ mới thoát khỏi ảnh hưởng nước khác, mới phát triển được đất nước, bảo vệ được lãnh thổ”,... Trong khi đó, lợi dụng chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch nước Tập Cận Bình và việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba (10/2023) tại Trung Quốc, trang mạng xã hội của các thành phần chống phá đã đưa ra bài viết với luận điệu xuyên tạc như “sợ Trung”, “lệ thuộc Trung”… Những luận điệu này mang tính suy diễn, không khách quan về đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đi ngược lại lợi ích quốc gia - dân tộc.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các lãnh đạo chủ chốt trong năm 2023 đã góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. (Nguồn: TTXVN) |
Phải nhìn nhận đúng đắn rằng, chuyến thăm cấp cao của Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tới Việt Nam phù hợp về cả thời điểm và nội dung, thể hiện bước phát triển vượt bậc của quan hệ Việt - Trung và Việt - Mỹ. Đối với Trung Quốc, năm 2023 là dấu mốc kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt-Trung. Trung Quốc là nước đầu tiên Việt Nam thiết lập mối quan hệ hợp tác này, Việt Nam cũng là nước đầu tiên trong ASEAN mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ mối quan hệ ngoại giao này. Hai bên coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống và đặt nhau vào vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình.
Đối với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không phải là sự chuyển hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam. Ngược lại, điều này phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ Việt - Mỹ, đáp ứng sự mong mỏi và tình cảm của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Việc nâng cấp quan hệ nhằm tạo dựng lòng tin chiến lược giữa hai nước.
Nhìn chung, những hoạt động đối ngoại của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc không nhằm “chọn bên” hay “cân bằng”, bởi Việt Nam luôn giữ lập trường khách quan, trung lập với các đối tác lớn. Chính sách đối ngoại Việt Nam phù hợp với mục tiêu bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc cơ bản của Luật pháp Quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Thực tiễn cho thấy, chính sách Quốc phòng “4 không” và phương châm ngoại giao “không chọn bên, mà chọn lợi ích, chọn nguyên tắc, chọn lẽ phải” đã thể hiện sự độc lập về đường lối của Đảng và Nhà nước.
Các hoạt động đối ngoại cấp cao là nền tảng thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Đồng thời, sự quan tâm của các nước đối với Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách các nước lớn cũng như vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này góp phần khẳng định chủ trương “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ”, “đưa quan hệ đối tác vào chiều sâu”, “hội nhập quốc tế sâu rộng” và “ngoại giao toàn diện, hiện đại mang bản sắc cây tre” mà Việt Nam không ngừng thúc đẩy những năm qua.
Đối thoại và hợp tác
Công tác đối ngoại đa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm lợi ích an ninh, phát triển và vị thế của đất nước. Những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế giúp vị thế và uy tín đất nước gia tăng, từ đó, tranh thủ các nước ủng hộ Việt Nam nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, trong đó có vấn đề về quyền con người và bình đẳng giới.
Việc Việt Nam trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 là thành công lớn của công tác đối ngoại đa phương, góp phần cụ thể hóa đường lối đối ngoại, chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Việt Nam đã thúc đẩy thông điệp ứng cử “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người” và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của các quốc gia. Ngày 3/4/2023, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Vienna (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Đây là dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong Khóa họp đầu tiên trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Nghị quyết truyền tải các thông điệp lớn và tích cực về hợp tác và đoàn kết quốc tế, tôn trọng tính đa dạng, hòa hợp trong quan hệ quốc tế nói chung và công việc của Hội đồng Nhân quyền nói riêng. Đây là đề xuất kịp thời của Việt Nam, đáp ứng sự quan tâm, ưu tiên chung của cộng đồng quốc tế và góp phần nâng cao nhận thức, quyết tâm và hành động của các nước trong hiện thực hóa các mục tiêu, tôn chỉ về quyền con người. Sự kiện này là bước đi mở đầu để Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt Đề án “Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc” trong nhiệm kỳ 2023-2025.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các lực lượng lên đường thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Nguồn: TTXVN) |
Bên cạnh đó, trên nhiều cương vị như Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện ASEAN lần thứ 41, thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam luôn nỗ lực triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và hiện đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự về phát triển bền vững 2030, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
Có thể nói rằng, sự tham gia hiệu quả, thiết thực, có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ của mình đã góp phần nâng cao vị thế đất nước, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc và thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người.
Hòa vào dòng chảy chung của thế giới
Có thể nói rằng, đối ngoại đã và đang góp phần đưa đất nước vào vị trí có lợi nhất trong các dòng chảy của thế giới, bảo vệ và phát huy lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, khó lường, nhiều nhân tố nổi lên có thể ảnh hưởng xấu đến môi trường chính trị an ninh, đối ngoại và kinh tế đối ngoại của đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, “cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”.
Để làm được điều đó, nhiệm vụ đối ngoại là nâng tầm đối ngoại đa phương; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác trên thế giới, các đối tác quan trọng. Cần đưa các quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, theo định hướng phân biệt “đối tác - đối tượng” đã đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX. Đồng thời, phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm qua, triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được.
Đối ngoại cần đóng vai trò tiên phong, đi tắt đón đầu các xu hướng nhằm điều chỉnh chính sách để thích nghi với điều kiện mới. Đồng thời, tiếp tục duy trì chủ trương “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa”, “hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện”, phát huy vai trò của ngoại giao toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam.
Tựu trung, những thành công trong công tác đối ngoại thời gian qua khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế đất nước, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, Việt Nam cần nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đề cao tự cường, tự tin nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại.
-----------
* Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao