📞

"Mù mờ" về giải pháp cho con đường đàm phán thương mại Mỹ - Trung

16:09 | 17/05/2018
Ngày 17/5, Mỹ và Trung Quốc bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán về thương mại với nỗ lực tránh một cuộc chiến tranh về thuế có nguy cơ gây nhiều tổn hại cho cả hai bên.

Hai quan chức Mỹ cho biết, Cố vấn Nhà Trắng về thương mại và sản xuất Peter Navarro sẽ không phải là nhân vật chủ chốt bên phía Mỹ dẫn dắt các cuộc đàm phán này. Thay vào đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ dẫn đầu phái đoàn tham gia các cuộc thảo luận với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bất đồng từ nội bộ Chính quyền Mỹ

Ông Navarro, tác giả cuốn sách "Death by China" (tạm dịch: “Chết bởi Trung Quốc”) là một trong những người có tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa” nhất trong chính quyền Mỹ về vấn đề chính sách thương mại, và là người ủng hộ mạnh mẽ việc áp đặt các khoản thuế mang tính trừng phạt đối với hàng hóa của Trung Quốc nhằm buộc quốc gia này phải thay đổi cách hành xử trong hoạt động thương mại.

Ông Navarro đã tham gia vòng đàm phán sơ bộ 2 tuần trước tại Bắc Kinh, sự kiện mà hai bên đều đưa ra hàng loạt yêu cầu về thương mại. Ông Navarro thôi giữ vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán trong bối cảnh ông và Bộ trưởng Mnuchin có những mâu thuẫn ngày càng lớn về chính sách thương mại. Bộ trưởng Mnuchin là người ủng hộ việc xúc tiến các thỏa thuận khả thi nhằm mở rộng thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Mỹ và giảm bớt các tuyên bố đe dọa về thuế.

Trong chuyến công du Bắc Kinh, ông Navarro và Bộ trưởng Mnuchin đã có những tranh cãi gay gắt, và mối quan hệ giữa hai quan chức này căng thẳng tới mức một số người có mặt còn không dám chắc họ sẽ xoay xở thế nào khi ngồi trên cùng 1 chuyến bay kéo dài từ Mỹ tới Trung Quốc và ngược lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: Reuters)

Các cuộc gặp tại Washington bắt đầu sau khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer kết thúc phiên điều trần công khai về các khoản thuế mới đánh vào hàng hóa Trung Quốc, với tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD - được xem như đòn trừng phạt việc Trung Quốc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ. Các khoản thuế này, nhằm vào các mặt hàng như linh kiện, phụ tùng máy móc điện tử, ô tô, màn hình tivi,… có thể có hiệu lực ngay từ đầu tháng Sáu. Sau đó, Mỹ dự kiến cũng sẽ áp đặt thêm một gói thuế mới trị giá 100 tỷ USD với một số mặt hàng chưa được xác định cụ thể. Trung Quốc tuyên bố sẽ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, đánh thuế các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ như đậu nành, máy bay, ô tô và nhiều mặt hàng khác - động thái khiến giá các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ sụt giảm.

Tích cực phối hợp nhưng vẫn lắm "chông gai"

Ngày 16/5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, quan chức phụ trách kinh tế hàng đầu Trung Quốc, nói với các nhà lập pháp Mỹ rằng ông sẽ tìm mọi cách để giải quyết bất công và khúc mắc trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Các thành viên của Ủy ban Chính sách và Tài chính Hạ viện Mỹ cũng đã nói với quan chức Trung Quốc này rằng, Trung Quốc cần giải tỏa các quan ngại của Mỹ về tình trạng đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ, hay hành vi cưỡng ép chuyển giao công nghệ, cũng như những rào cản đầu tư tại Trung Quốc và hạn chế đối với ngành xuất khẩu nông nghiệp của Mỹ.

Hạ nghị sỹ đảng Cộng hòa Kevin Brady, Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Tài chính Hạ viện cho biết đã hối thúc Phó Thủ tướng Lưu Hạc tích cực phối hợp với Washington để cùng tìm giải pháp. Chia sẻ sau cuộc gặp với đại diện Trung Quốc, ông nói: “Ông ấy (Lưu Hạc) hiểu rõ những khúc mắc trong mối quan hệ thương mại này. Ông ấy hy vọng rằng chuyến đi lần này sẽ là cơ hội để bắt đầu giải quyết những bất công, thu hút nhu cầu tiêu dùng của người dân Trung Quốc đối với các sản phẩm của Mỹ, cũng như bắt đầu xúc tiến các cải cách cơ cấu”.

Trong khi đó, sau cuộc gặp với ông Lưu Hạc, Thượng nghị sỹ Orrin Hatch - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, một thành viên của đảng Cộng hòa - nhấn mạnh ông hoài nghi khả năng Trung Quốc sẽ chấp nhận các yêu cầu của Mỹ để đổi lại việc xóa bỏ những đe dọa về thuế. Về quyết định đánh thuế Trung Quốc của Tổng thống Trump, ông nói: “Tôi nghĩ là chúng tôi sẽ phải làm (áp thuế đối với Trung Quốc). Chúng tôi không thể làm ngơ để họ qua mặt luật pháp quốc tế”.

Các nhà lập pháp cho biết tại cuộc gặp với phái đoàn Trung Quốc, hai bên không đề cập tới tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/5 vừa qua về việc “cứu” Tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, sau khi Bộ Thương mại ra lệnh cấm Mỹ xuất khẩu linh kiện cho tập đoàn này.

(theo Reuters)