TIN LIÊN QUAN | |
Biên đạo múa Trần Tiến Huy: Đam mê luôn đồng hành với hy sinh! | |
Trao đổi nghệ thuật múa đương đại giữa Việt Nam và CHLB Đức |
Dường như, trong loại hình nghệ thuật múa, chỉ có múa đương đại mới đủ sức phản ánh được sự đa dạng, phong phú và mới mẻ của xã hội đương đại. Đối với nhiều khán giả Việt khi xem múa hiện nay, hầu như ai cũng có thể nhận biết và gọi tên được khá chuẩn xác về hình thức, thể loại của một tác phẩm múa đương đại (múa dân gian đương đại, múa ballet đương đại, múa dân tộc đương đại…); Thế nhưng cho đến giờ phút này dường như chưa có một định nghĩa nào về “múa đương đại” (kể cả ở Việt Nam và thế giới) có thể thỏa mãn được giới chuyên môn.
Khán giả - người đồng hành tạo ý tưởng tác phẩm
Thế nhưng không chỉ đối với giới nghệ sỹ múa chuyên nghiệp, mà ngay cả khán giả Việt Nam , khi thưởng thức múa đương đại hầu như luôn có một câu hỏi, tác phẩm nói gì, phản ánh ý tưởng gì, thông điệp gì nhỉ?
Một cảnh trong tác phẩm múa đương đại “Nón”. (Ảnh: BTC múa đương đại Nón) |
Đã qua rồi cái thời mà người ta vẫn mặc định rằng, nghệ sỹ mới sáng tạo, biên đạo mới là tác giả duy nhất của tác phẩm múa, là người dẫn dắt, định hướng khán giả thưởng thức tác phẩm theo một tư tưởng, nội dung nhất định. Nhưng đối với múa đương đại, biên đạo có lẽ chỉ là một tác nhân đưa ra vấn đề và khán giả sẽ là người đồng hành trong việc tạo ra ý nghĩa và nội dung, tư tưởng của tác phẩm.
Song cũng chính bởi sự mở rộng không giới hạn đó đã thách thức lại tư duy truyền thống mà bất tuân một định nghĩa hay quan điểm dễ dãi nào về nó. Chính bởi sự vô hạn, đa dạng trong phương pháp tiếp cận và sáng tạo mà múa đương đại thường bị coi là thiếu nguyên tắc, thiếu thống nhất đến nỗi nhiều lúc công chúng cảm thấy hụt hẫng như bị bỏ rơi vậy.
Với cơ chế “mở” trong sáng tạo và thưởng thức như vậy, nên múa đương đại đã dung nạp sự kết hợp năng động của bất cứ các chất liệu, ngôn ngữ, phương pháp, ý niệm nào… thậm chí là bất cứ thứ gì người ta cũng có thể đưa được vào một tác phẩm múa đương đại…
"Vàng” hay là “rác”, đâu là thước đo?
Đa phần biên đạo – những nhà sáng tạo ra tác phẩm múa đương đại khi được hỏi: Tác phẩm của họ muốn nói gì thì người ta sẽ nhận được câu trả lời “tùy vào cảm nhận của bạn – bạn cảm nhận nó như thế nào thì nó sẽ là thế ấy”.
Nếu là khán giả của múa đương đại, bạn có chấp nhận câu trả lời đó không? Tôi chắc chắn rằng, sẽ có không ít khán giả sẽ cảm thấy bực bội với cách trả lời nước đôi như vậy.
Vở múa Con thiêu thân của vũ đoàn Arabesque Việt Nam. (Nguồn: Thế giới Văn hóa) |
Vâng! múa đương đại thường đa nghĩa, nên xin mọi người đừng chăm chăm, đừng mải miết đi tìm cho được chủ đề hay nội dung tư tưởng xuyên suốt của tác phẩm mà hãy cứ bình thản mà thưởng thức nó, xem nó mang lại cảm xúc gì cho bạn! Vậy thôi!
Rất nhiều tác phẩm múa đương đại do các biên đạo Việt Nam dàn dựng gần đây, có nội dung, ý tưởng xuyên suốt mạch lạc có vẻ dễ tiếp nhận hơn đối với gu thưởng thức của người Á Đông chúng ta, ví như: “Ta đã ở đó” (Biên đạo Thùy Chi – Ngọc Anh), “Tâm” (Biên đạo Tuấn Anh), “Thiền” (Biên đạo Trần Ly Ly), “Nón” (Biên đạo Ngọc Khải), “Sương sớm” (Biên đạo Tấn Lộc)…
Cũng không hiếm tác phẩm múa đương đại mà người xem chẳng cần biết chủ đề, nội dung của nó là gì, người ta vẫn cảm nhận được cái hay, cái thú vị của nó… thì đó cũng là cái sự “hiểu”, sự “hay” trong múa đương đại. Ví dụ tác phẩm “Con bọ hung” - một tác phẩm múa do hai nghệ sỹ Thụy Điển thể hiện tại Liên hoan “Múa đương đại – châu Âu gặp châu Á" 2014, khán giả có cảm giác như bị mê hoặc bởi những chuyển động cơ thể điêu luyện, thuần thục, nhuần nhuyễn trong tác phẩm này.
Song, cũng rất nhiều tác phẩm múa đương đại khiến người xem cảm thấy hoang mang, khó chịu.
Đồng ý! Cứ cho là múa đương đại đa chiều, phong phú, đa dạng trong cách tiếp cận và vô hạn về biên độ thưởng thức cũng như thành phần sáng tạo, nhưng là một khán giả tôi vẫn tha thiết cần một lời giải đáp rằng, tiêu chí nào để tôi có thể xác định được nó là một tác phẩm nghệ thuật múa đương đại chân chính hướng tới sự hoàn mỹ, hướng tới cái đẹp, tiêu chí nào để tôi có thể nhận biết được nó là “vàng” hay là “rác”; hoặc nói khác đi nó là một tác phẩm “nghệ thuật” hay chỉ là một sản phẩm hỗn mang “phi nghệ thuật”, “phản nghệ thuật”.
Có tác phẩm là sự hòa trộn của nhiều ngôn ngữ múa từ ballet, múa dân tộc, múa truyền thống, kết hợp với sự vận động của ngôn ngữ đương đại để tạo ra một sản phẩm múa đương đại. Chẳng hạn như trong múa “Yes yes no no” (Sắc sắc không không) (Biên đạo Trần Ly Ly) biểu diễn trong Liên hoan “Múa đương đại – châu Âu gặp châu Á" 2016, người xem sẽ thấy được sự tổng hòa của các ngôn ngữ múa ở tác phẩm này, cảm nhận được các cung bậc, trạng huống cảm xúc: chậm chạp – trì trệ, căng thẳng cho đến suy tư, hoang mang, đau khổ, điên loạn… Dù cho ý tưởng ban đầu của tác giả là phản ánh sự mâu thuẫn nội tại của người đồng giới, nhưng người xem lại thấy ở đó một biên độ thưởng thức rộng hơn, vượt ra ngoài ý tưởng của chính tác giả… Từ đó, khán giả cũng cảm nhận được một chiều sâu triết lý nhân sinh, mà quên đi cái tư tưởng “lạc giới” của người đã sáng tạo ra nó.
Song, bên cạnh đó, vẫn có những biên đạo múa đương đại vin vào sự tự do của múa đương đại mà thiếu cân nhắc trong sáng tác, đã lạm dụng sự đa nghĩa của múa đương đại mà biện hộ cho sự non nớt, thiếu chín chắn. Với những tác phẩm như vậy, khán giả sẽ có quyền quay lưng đi nếu cảm thấy chán chường, tẻ nhạt...
Đừng thách thức khán giả, mà hãy tìm ra phương cách thể hiện sao cho tác phẩm của mình chạm được vào cảm xúc của họ, để công chúng nghệ thuật cảm nhận được cái hay, cái đẹp của múa đương đại.
Hanoi Dance Fest 2019: Hội tụ tài năng múa đương đại trong và ngoài nước TGVN. Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019 sẽ diễn ra tại Hà Nội từngày 28 - 30/6 do Viện Goethe, Trung tâm Văn hóa ... |
Vở múa hip-hop gây tiếng vang của Pháp sắp được trình diễn tại Việt Nam The Roots (Cội rễ) của biên đạo múa người Pháp Kader Attou sẽ được Trung tâm văn hóa Pháp - L’Espace giới thiệu tại Nhà hát ... |
“Sự uốn éo của đô thị”: Cuộc gặp gỡ mê hoặc của các vùng không gian Vở múa đương đại Sự uốn éo của đô thị cho thấy sự kết hợp uyển chuyển giữa múa, âm nhạc và nghệ thuật thị giác. |