📞

Mùa lễ hội năm 2023: Cục Văn hóa cơ sở đưa ra nhiều cảnh báo và các biện pháp quản lý nhà nước

P.V 15:09 | 01/02/2023
Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị các Sở tập trung tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023 trên địa bàn.
Lễ hội cướp phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) được tổ chức hàng năm vào ngày 12 và ngày 13 tháng Giêng Âm lịch. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương vừa ký ban hành công văn số 46/VHCS-NSVH gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thể thao; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội năm 2023.

Công văn nêu rõ thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023.

Các địa phương tổ chức hoạt động lễ hội năm 2023 bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của địa phương.

Đồng thời, các địa phương chấp hành nghiêm quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; ngăn chặn kịp thời các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, xóc thẻ, xin quẻ.

Mặt khác, các đơn vị chức năng cần di dời “hiện vật lạ” không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra khỏi khuôn viên di tích; không đốt đồ mã; quản lý việc đặt hòm công đức theo quy định, phân công lực lượng thu gom tránh để xảy ra tình trạng rải (đặt, cài) tiền lẻ, tiền công đức không đúng nơi quy định.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương triển khai phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, không để xảy ra các hành vi chen lấn, tranh cướp; có phương án xử lý kịp thời những tình huống phát sinh trong lễ hội, trường hợp xảy ra mất an ninh trật tự phải yêu cầu tạm ngừng việc tổ chức theo quy định hiện hành.

Các địa phương tổ chức phương án về an toàn giao thông đường bộ, đường thủy; an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng, chống cháy nổ; giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu vực di tích và nơi thờ tự; có nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu của du khách tham gia lễ hội.

Các địa phương tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong hoạt động lễ hội, đẩy mạnh giám sát để đánh giá nguy cơ và kịp thời ứng phó dịch bệnh trong mọi tình huống.

Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và tổ chức lễ hội.

Qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Các đơn vị chức năng thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; phát hiện xử lý kịp thời và có biện pháp chấn chỉnh những trường hợp vi phạm.

Ban Tổ chức các lễ hội thực hiện quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/1/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.