📞

Mua sắm online thúc đẩy thị trường logistics thương mại điện tử

13:00 | 17/08/2022
Lượng người mua sắm trực tuyến (online) khổng lồ, cùng số lượng người dùng internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng đang góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Theo đó, lĩnh vực logistics thương mại điện tử cũng không ngừng chuyển mình, tạo bước đột phát trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới.

Theo báo cáo "Thị trường logistics thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025" của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu toàn cầu Technavio vừa công bố, dự kiến quy mô thị trường logistics thương mại điện tử tăng ở mức 355,79 tỷ USD trong năm 2025.

Báo cáo của Technavio cũng phân tích toàn diện về những phát triển gần đây, gồm các đợt ra mắt sản phẩm mới, phân khúc tạo ra doanh thu chính, hành vi thị trường logistics thương mại điện tử...

Báo cáo của Technavio cho biết, thị trường logistics thương mại điện tử đang bị phân mảnh. Nhiều nhà cung cấp lớn trên thị trường cạnh tranh dựa trên những thông số khác nhau như cung cấp phong phú giải pháp sáng tạo.

Hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại xã hội cũng đang gia tăng và sự ra đời của đa dạng công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, chi phí logistics cao, vấn đề cơ sở hạ tầng, quy định nghiêm ngặt đối với logistics thương mại điện tử sẽ thách thức sự phát triển của các bên tham gia thị trường.

Lĩnh vực logistics thương mại điện tử cũng không ngừng chuyển mình, tạo bước đột phát trong thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. (Nguồn: Báo Công Thương)

Thị trường logistics thương mại điện tử được chia thành phân khúc dịch vụ vận chuyển, kho bãi... Do đó, việc tích hợp logistics thương mại điện tử với phần mềm quản lý vận tải (TMS) đang thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này. Một số nhà cung cấp lớn cũng đang tập trung vào mua bán và sáp nhập (M&A) để tăng lợi thế cạnh tranh và cải thiện vị thế trên thị trường.

Bên cạnh những tiềm năng phát triển, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đối mặt với những thách thức như làm sao thiết lập được mạng lưới vận chuyển và thời gian giao hàng chặt chẽ. Đồng thời, thị trường này cũng đòi hỏi doanh nghiệp chuyển phát nhanh phải có nền tảng tiềm lực lớn để thực hiện.

Những hạn chế trong mạng lưới, khả năng giao nhận của doanh nghiệp cũng có thể để lại ảnh hưởng nghiêm trọng như tình trạng chậm trễ, thất lạc hàng hóa, giá cước giao vận cao… Hay việc đảm bảo thời gian giao hàng, tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng... là yêu cầu cấp thiết. Đơn vị vận chuyển muốn tham gia vào xu thế này cần tối ưu hóa từng mắt xích trong quy trình giao nhận.

Ông Phan Bình, Giám đốc Thương hiệu J&T Express Việt Nam chia sẻ, đứng trước “miếng bánh” hấp dẫn mang tên thương mại điện tử xuyên biên giới, chắc chắn không ít doanh nghiệp chuyển phát nhanh, vận chuyển đều mong muốn sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường tiềm năng này. Tuy vậy, tham vọng lớn đòi hỏi năng lực cạnh tranh cũng phải đủ mạnh.

Đó chính là lý do J&T Express đã chủ động xây dựng hệ thống, đầu tư công nghệ cũng như nguồn nhân lực và trau dồi kinh nghiệm vận chuyển quốc tế trong nhiều năm. Với nền tảng này, J&T Express tự tin sẽ đón đầu được làn sóng tăng trưởng.

Ngoài ra, J&T Express xây dựng được uy tín vững chắc trên thị trường bằng việc rút ngắn tối đa thời gian xử lý đơn, giảm thiểu nhầm lẫn trong quá trình giao hàng thông qua hệ thống trung tâm trung chuyển sử dụng công nghệ hiện đại.

Điển hình, J&T Express có hệ thống phân loại thông minh DWS, hệ thống chuyển hướng băng tải cắt ngang (cross-belt); không ngừng mở rộng hệ thống bưu cục và điểm nhận hàng trên khắp 63 tỉnh thành để đảm bảo luồng giao nhận hàng hóa của thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, ngành thương mại điện tử xuyên biên giới tại Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn vàng với những bước phát triển nhảy vọt, ước tính sẽ đạt doanh số gần 90 tỷ USD trong năm 2022 và gấp 1,2 lần so với năm trước đó.

Đặc biệt, theo báo cáo của Công ty Tư vấn và phân tích thị trường Mordor Intelligence, ước tính đến năm 2023, tổng giá trị thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới của Đông Nam Á sẽ đạt 12 tỷ USD, đóng góp tới hơn 40% tổng giá trị thị trường khu vực.

Những năm gần đây, Đông Nam Á nổi lên như một thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng của dân số, lượng người dùng internet cũng như mặt bằng chung mức thu nhập khả dụng…; trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong số những thị trường nhiều tiềm năng của khu vực, có khả năng vượt lên nhờ cung cấp sản phẩm ngách, tập trung vào thị hiếu người tiêu dùng của từng thị trường trong khi giữ vững chất lượng hàng hóa cùng chi phí phải chăng.

Phân tích sâu hơn của một số chuyên gia về tiềm năng thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng cho thấy, không khó nhận ra xu hướng thương mại điện tử xuyên biên giới đang ngày càng trở thành từ khóa nổi bật. Bên cạnh đó, phân khúc vận chuyển dự kiến có thị phần lớn nhất trên thị trường trong giai đoạn dự báo.

Để tận dụng tối đa cơ hội, nhà cung cấp dịch vụ đã và đang tập trung nhiều hơn vào triển vọng tăng trưởng trong những phân khúc đang phát triển nhanh. Đồng thời, nhà cung cấp dịch vụ cũng duy trì vị trí của họ trong nhưng phân khúc phát triển chậm.

Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và bán hàng trực tuyến, thị trường chuyển phát nhanh, vận chuyển tại Việt Nam đang cho thấy tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Một trong những yếu tố góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của thị trường chuyển phát nhanh là sự phát triển của mạng lưới dịch vụ giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Cụ thể, dịch vụ gia tăng tiêu biểu được khách hàng đánh giá cao trong thời gian qua, gồm phân loại sản phẩm đóng gói, dán nhãn, theo dõi bưu kiện trực tuyến, ứng dụng di động, e-mail và cảnh báo SMS, gắn thẻ bảo mật, hỗ trợ khách hàng qua tổng đài 24/7…

Nhằm triển khai những dịch vụ này, doanh nghiệp chuyển phát nhanh không thể thiếu nền tảng cơ sở hạ tầng - các trung tâm trung chuyển trải dài trên khắp Việt Nam.

Trong bối cảnh thị trường chuyển phát nhanh ngày càng phát triển mạnh mẽ, việc cung cấp thêm dịch vụ giá trị gia tăng là chìa khóa giúp doanh nghiệp trở thành lựa chọn hàng đầu của khách hàng và đối tác. Khi khách hàng nhận được thêm nhiều giá trị, những người thực hiện công việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa thuận tiện hơn khi giao hàng và đối tác có thêm nhiều cơ hội mới thì các bên đều có động lực để đi xa cùng nhau, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian dài.

(theo TTXVN)