Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc năm 2024 (sau đây gọi tắt là mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024) được quy định cụ thể như sau:
1. Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 đối với của người lao động và doanh nghiệp
1.1. Đối với người lao động Việt Nam
Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 cho người lao động Việt Nam làm việc tại doanh nghiệp như sau:
Loại bảo hiểm | Người lao động Việt Nam | Doanh nghiệp | |
Bảo hiểm xã hội | Hưu trí, tử tuất | 8% | 14% |
Ốm đau, thai sản | - | 3% | |
Bảo hiểm y tế | 1,5% | 3% | |
Bảo hiểm thất nghiệp | 1% | 1% | |
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp | - | 0,5% (*) | |
Tổng mức đóng | 10,5% | 21,5% |
Lưu ý: Mức đóng bảo hiểm xã hội này được tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Căn cứ pháp lý:
- Khoản 1, Điều 85 khoản 1 Điều 86 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
- Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13).
- Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013.
- Khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
1.2. Đối với người lao động nước ngoài
Mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2024 cho người lao động nước ngoài làm việc tại doanh nghiệp:
Loại bảo hiểm | Người lao động nước ngoài | Doanh nghiệp | |
Bảo hiểm xã hội | Hưu trí, tử tuất | 8% | 14% |
Ốm đau, thai sản | - | 3% | |
Bảo hiểm y tế | 1,5% | 3% | |
Bảo hiểm thất nghiệp | - | - | |
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp | - | 0,5% (*) | |
Tổng mức đóng | 9,5% | 20,5% |
Lưu ý: Mức đóng bảo hiểm xã hội này được tính trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (xem chi tiết tại đây).
Căn cứ pháp lý:
- Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP.
- Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật số 46/2014/QH13).
- Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
- Điều 2, khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013 (người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
- Khoản 1 Điều 4 Nghị định 58/2020/NĐ-CP.
Chú giải:
(*) Riêng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng mức đóng 0,3% nếu bảo đảm các điều kiện sau đây:
- Trong vòng 03 năm tính đến thời điểm đề xuất không bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội.
- Thực hiện việc báo cáo định kỳ tai nạn lao động và báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn trong 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
- Tần suất tai nạn lao động của năm liền kề trước năm đề xuất phải giảm từ 15% trở lên so với tần suất tai nạn lao động trung bình của 03 năm liền kề trước năm đề xuất hoặc không để xảy ra tai nạn lao động tính từ 03 năm liền kề trước năm đề xuất.
2. Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong quan hệ lao động
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động.
- Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
- Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động.
- Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.