📞

"Mục tiêu cao nhất của phát triển văn hóa là nuôi dưỡng hệ giá trị con người"

Nguyệt Hà 19:56 | 29/11/2022
"Phải xác định được mục tiêu cao nhất, trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ hệ giá trị con người thì mới có thể tạo ra thay đổi trong xã hội”.
Mục tiêu cao nhất của phát triển văn hóa là nuôi dưỡng hệ giá trị con người. (Ảnh: Nguyệt Anh)

Đó là quan điểm của GS. TS. Đinh Xuân Dũng (nguyên Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương) tại Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ VHTT&DL, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khai mạc sáng nay (29/11) tại Hà Nội.

Chuyên gia lo lắng về tình trạng “lệch chuẩn” đạo đức

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia băn khoăn về tình trạng “lệch chuẩn” đạo đức bởi các khái niệm, quy chuẩn hành xử của con người trong xã hội hiện đại còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

GS. TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng, khi nói đến văn hóa, người ta thường nghĩ đến những hoạt động như biểu diễn, lễ hội…

Tuy nhiên, theo ông Dũng, quan điểm đó là chưa đầy đủ bởi nói về văn hóa cũng là nói về con người, vì văn hóa là của con người, do con người, vì con người, cốt lõi của xây dựng văn hóa là xây dựng con người.

Ông Đinh Xuân Dũng nói: “Phải xác định được tầm quan trọng của vấn đề, xác định được mục tiêu cao nhất, trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa là xây dựng, nuôi dưỡng, gìn giữ và phát triển các hệ giá trị con người thì mới có thể tạo ra thay đổi trong xã hội”.

Ông Dũng cho biết, theo kinh nghiệm của một số quốc gia ở châu Á, châu Âu, các kết quả nghiên cứu về giá trị quốc gia, giá trị con người ở các mức độ khác nhau đều được cơ quan có thẩm quyền thảo luận và thông qua, trở thành một văn bản có tính định hướng, giúp mọi người và toàn xã hội tự nguyện, tự giác thực hiện. Đó là một nhân tố quan trọng tạo nên một xã hội dân chủ, kỷ cương và văn hóa cao.

Khẳng định tầm quan trọng của hệ giá trị con người trong đời sống ngày nay, chuyên gia cho rằng Đảng cần có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người, để có thể xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

PGS. TSKH. Lương Đình Hải (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho hay: “Đảng đã xác định con người là mục tiêu, là động lực, là trung tâm của sự phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đều phải do con người, vì con người. Nhưng trong thực tế chúng ta chưa có nghị quyết riêng về xây dựng và phát triển con người".

Từ đó, ông Lương Đình Hải đề xuất cần có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển con người với đầy đủ các nội dung phong phú về con người đối với phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người Việt Nam nói riêng, là những nội dung cơ bản không thể thiếu.

Các chuyên gia tại Hội thảo. (Ảnh: Nguyệt Anh)

Đưa ra quan điểm của mình, PGS. TS. Đặng Thị Lan, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, bà đồng thuận với 7 tiêu chí mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng đề xuất về hệ giá trị con người, đó là: Yêu nước, trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực, đoàn kết, nhân ái.

Bà Đặng Thị Lan nêu quan điểm: “Các giá trị yêu nước, đoàn kết, nhân ái thuộc về những giá trị truyền thống. Đây cũng là 3 giá trị điển hình tạo nên sức mạnh Việt Nam từ trong lịch sử đến hiện tại và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Còn 4 giá trị tiếp theo: Trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, trung thực là những giá trị hiện đại, cũng là những điểm còn yếu trong phẩm chất con người Việt Nam hiện nay”.

Cần cách tiếp cận đa chiều trong xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam

Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam cần được thực hiện nhanh chóng, cụ thể, rõ ràng sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.

“Những vấn đề không được đưa vào luật thì để dưới dạng quy ước cộng đồng gắn với các chuẩn mực về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, khu dân cư, đơn vị công tác. Cán bộ, Đảng viên phải là những người nêu gương, thực hiện hệ chuẩn mực con người Việt Nam cụ thể ở nơi sinh sống, công tác, học tập, lao động sản xuất. Thêm vào đó, chúng ta cần quy định đánh giá hàng năm và xem xét những nội dung cần bổ sung chỉnh lý và tổ chức rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai", ông Hồ Bá Thâm đề xuất.

GS.TSKH Lương Đình Hải (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ, trong giai đoạn hiện nay, yêu cầu, mục tiêu, bối cảnh, điều kiện và các phương tiện, tiền đề cho việc khai thác, sử dụng, phát huy và phát triển các hệ giá trị Việt Nam đã rõ ràng. Hơn lúc nào hết trong lịch sử, lúc này là lúc có thể khai thác tốt nhất nguồn lực nội sinh đặc biệt của quốc gia, của mỗi gia đình, cộng đồng và mỗi cá nhân.

Ông Hải cho rằng chất lượng của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam "đang có vấn đề" nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, gây nên rất nhiều hệ lụy không mong muốn cho chính con người và xã hội, cản trở công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

“Hệ giá trị con người là yếu tố cốt lõi với nhiều giá trị xuyên suốt các hệ giá trị khác. Hệ giá trị con người ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác,” ông Lương Đình Hải khẳng định.

Bên lề Hội thảo, ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, để xây dựng thành công hệ giá trị văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn mới đòi hỏi phải xác định được đúng đắn hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, hô hào suông.

Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được nhân dân ủng hộ và thực hiện.

"Chính vì vậy, cần phải tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo học hỏi kinh nghiệm quốc tế, vừa kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại", ông Bùi Hoài Sơn nói.

Ngoài ra, theo ông Sơn, cần bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, vừa tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa, lắng nghe ý kiến nhân dân và đảm bảo tính khả thi trong triển khai thực hiện. Đặc biệt, việc triển khai hệ giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học rất cần cụ thể hóa bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại. Cụ thể: coi trọng tài năng cá nhân, đề cao học thức, chuyên môn, khoa học và công nghệ, đề cao sự sáng tạo và nhân văn, hướng tới tự do, dân chủ và hạnh phúc của con người.