Hai trong số nhiều bản tiếng Anh của Kojiki. |
Cũng như trong những lĩnh vực khác, văn học Nhật Bản có vay mượn của nước ngoài (ảnh hưởng của Trung Quốc ngay từ lúc đầu, kể cả chữ viết; ảnh hưởng tư tưởng và thể loại phương Tây); nhưng sau khi tiếp thụ, nó đã sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo mang dấu ấn dân tộc.
Văn học Nhật Bản là một bức tranh đa dạng, bao gồm những tiểu thuyết vào loại dài nhất thế giới, những thể thơ ngắn nhất thế giới, những vở kịch âm thầm gợi ý cạnh những vở hết sức dông dài.
Về nội dung, có thể phân biệt bốn khuynh hướng phản ánh quá trình biến diễn chính trị và xã hội Nhật Bản: Một là, văn học có tính chất quý tộc, cung đình ở thế kỷ XII; Hai là, văn học hùng tráng trong những thế kỷ chiến tranh phong kiến (cho đến cuối thế kỷ XVI); Ba là, văn học có tính chất thị dân và dân gian từ sau khi dòng họ tướng quân Tokugawa lập lại hòa bình; và Bốn là, Văn học hiện đại hóa thời Minh Trị.
Văn học có tính chất quý tộc, cung đình
Cho đến cuối thế kỷ thứ VIII, có rất ít trước tác còn lưu giữ lại được. Hai trước tác cổ Kojiki của Ō no Yasumaro (Cổ sự ký - tuyển tập văn xuôi ghi chép lại các chuyện cũ, tập hợp các thần thoại về nguồn gốc nước Nhật và các vị thần) và Manyoushu của Ōtomo no Yakamochi (Vạn diệp tập, tuyển tập thi ca) là hai tác phẩm nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Đến thời kỳ đế kinh chuyển sang đóng ở Heian (thế kỷ VIII-XII), văn học Nhật Bản phát triển rực rỡ, có thể coi là thời kỳ hoàng kim của văn học Nhật Bản. Điển hình thời kỳ này là quá trình sáng tạo ra một thứ chữ để phiên âm ngôn ngữ Nhật từ chữ Hán (theo kiểu chữ Nôm của Việt Nam, nhưng xuất phát từ nguyên tắc khác). Các nhà Nho và nhà sư đã dựa vào chữ Hán mà nghĩ ra những chữ viết đơn giản hơn gọi là Kana. Chữ Kana được dần hoàn thiện, phổ biến và đã mở đường cho văn học phong cách thuần dân tộc, khác phong cách Trung Quốc.
Thời Heian là thời thanh bình an lạc. Văn học phản ánh những thú vui ở cung đình của giai cấp quý tộc trong một xã hội duy mỹ và hưởng lạc, những mối tình say đắm, thú vui tiêu khiển tao nhã như cầm, kỳ, thi, họa, những cuộc du ngoạn… Những tác phẩm lớn, đa số tiểu thuyết, thơ, nhật ký đều do các nữ sĩ viết, vì vậy, thời kỳ này còn gọi là thời kỳ của các nữ sĩ, tuy không phong phú về đề tài và phong cách. Thể thơ Tanka thời kỳ này sau trở thành kinh điển, nhiều nhà thơ hiện đại vẫn dùng. Xuất hiện các tiểu thuyết văn xuôi như Truyện kể Genji (Genji Monogatari) của Murasaki Shikibu được xếp vào một trong bốn, năm tiểu thuyết hay nhất của văn học thế giới, mà theo nhà văn Giải thưởng văn học Nobel Kawabata Yasunari (1899-1972): “Tác phẩm ấy là đỉnh cao nhất của văn chương Nhật Bản, cho đến nay, không một tác phẩm hư cấu nào sánh được”. Thể nhật ký và tùy bút (gần giống như Vũ trung tùy bút của Việt Nam) nổi tiếng là tập Makura No Soshi (Truyện gối đầu giường) của Sei Shōnagon cho đến nay là tác phẩm vẫn còn sức quyến rũ tươi mát.
Văn học thời nam nhi thượng võ
Đến thế kỷ XII-XIV, thời kỳ các Tướng quân át quyền Hoàng đế và đóng phủ chúa ở Kamamura (dài khoảng 150 năm, từ 1185 đến 1333) là thời kỳ mở đầu giai đoạn phong kiến bằng các cuộc chiến tranh liên miên giữa các dòng họ Tướng quân nắm quyền bính. Với sự xuất hiện của giai cấp võ sĩ, bậc thang giá trị tinh thần chuyển từ nghệ thuật và hưởng lạc sang tinh thần nam nhi thượng võ, khắc khổ.
Thời kỳ “binh đao” đề cao những tiểu thuyết võ công mà các võ sĩ trở thành nhân vật chính thay cho vương tôn, công tử cung đình. Điển hình trong giai đoạn này là tập Heike Monogatari (Truyện kể về dòng họ Heike), kể về cuộc tranh giành quyền bính giữa hai dòng họ Heike (hay Taira) và Minamoto, và sự xuất hiện tầng lớp võ sĩ đạo; tuyển tập thơ Shin Kokinshu (hay Shin Kokin Wakashu, Shin Kokin - Tân cổ kim tập), là tuyển tập thơ cổ đại và hiện đại mới của nhiều tác giả, nói lên nỗi đau khổ về số phận bi đát của con người trong chinh chiến, sâu sắc hơn nỗi buồn chán cuộc thế của thời Heian.
Thời kỳ phủ Chúa của các Tướng quân đặt ở Muromachi (vào nửa sau thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI) vẫn tiếp tục là một thời kỳ binh đao loạn lạc. Đồng thời, buôn bán và thị thành phát triển, những tầng lớp thị dân hình thành, quan hệ với phương Tây mở dần, đặc biệt vào cuối thế kỷ XVI. Đề tài văn học phổ biến thời kỳ này và suốt thời Trung cổ là “biệt ly”. Một tác phẩm tùy bút bất hủ Tsurezuregusa (Nhàn tư hay còn gọi là Thu hoạch nhàn rỗi) của nhà sư Urabe Kenko, gồm 243 đoạn rời nhau, dài từ vài dòng đến 3-4 trang. Các chủ đề như cái chết và vô thường, vẻ đẹp của thiên nhiên cũng như một số câu chuyện hài hước đã ảnh hưởng lớn đến văn học thẩm mỹ và nếp sống Nhật Bản hơn 600 năm sau.
(Còn tiếp)