📞

Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ 3]

HỮU NGỌC 09:00 | 06/08/2023
Thời Minh Trị đánh dấu việc Nhật Bản mở rộng cửa, văn hóa phương Tây ào ạt tràn vào, mở ra kỷ nguyên Nhật Bản hiện đại hóa văn học.

Văn học thời Minh Trị

Thời Minh Trị (bắt đầu từ 1868) đánh dấu việc Nhật Bản mở rộng cửa, văn hóa phương Tây ào ạt tràn vào, mở ra kỷ nguyên Nhật Bản hiện đại hóa văn học; tuy không đơn giản, vì quá trình hiện đại hóa văn học đòi hỏi một thời gian dài hơn là làm kinh tế.

Để đưa khoa học kỹ thuật và văn học vào, việc đầu tiên chính quyền Minh Trị làm là xóa bỏ trật tự phong kiến cát cứ với các dòng họ quý tộc, nâng cao dân trí. Ngay từ năm 1872 đã phát triển đại học, tăng cường dịch thuật (những sách chính trị, khoa học, triết học, văn học được dịch ào ào, một số phóng tác theo các nhà văn Pháp V.Hugo, Jules Verne kích thích óc tưởng tượng của độc giả; những bậc thầy lớn như Shakespeare, Goethe, Tolstoy… đều được dịch).

Văn học đã tiếp thu nhiều trào lưu tư tưởng và văn học phương Tây: chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tượng trưng, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tự nhiên… Thời gian “Tây hóa” ban đầu này tương đối hình thức và tràn lan nên có trào lưu phản ứng, đề cao văn hóa truyền thống.

Cuối thế kỷ XIX và khoảng đầu thế kỷ XX, đã xuất hiện những nhà văn đàn anh của thời Minh Trị, họ chịu ảnh hưởng rõ rệt của bốn nền văn học Nga, Đức, Anh và Pháp, gồm: Futabatei Shimei; Mori Ōgai; Natsume Sōseki; Tōson Shimazaki.

* * *

Nhà văn, dịch giả và nhà phê bình Futabatei Shimei.

Futabatei Shimei (1864-1909) là nhà văn, dịch giả và nhà phê bình. Ông học tiếng Nga, dịch tiểu thuyết Nga rồi bản thân viết tiểu thuyết ít nhiều tự truyện, miêu tả những nhân vật bất mãn, hoang mang trước thời cuộc.

Tác phẩm Mây trôi (Ukigumo, 1887-1889) là cuốn tiểu thuyết hiện đại đầu tiên, phê phán xã hội Nhật đầy tham vọng thời đó: một thanh niên công chức không may mất việc, nhất là vì không biết xu nịnh; bà cô liền gả con gái cho anh; ả này theo Tây học, về sau kết hôn với một viên chức cơ hội chủ nghĩa.

Một số tác phẩm chính khác của ông: Chồng nuôi (Sono Omokage, 1906, tiểu thuyết); Hắc Bôn (Heibon, 1907, tiểu thuyết); Lịch sử nghệ thuật (Bijutsu no Hongi, 1885, tiểu luận)...

* * *

Mori Ōgai (1862-1922) là bác sĩ, dịch giả, nhà viết tiểu thuyết, nhà thơ. Ông xuất thân từ một gia đình làm nghề y, trở thành thày thuốc quân đội.

Ông có công đưa vào văn học Nhật Bản loại tiểu thuyết vừa, bắt đầu bằng truyện Vũ nữ (Maihime, 1890), miêu tả sự tan vỡ của mối tình giữa một thanh niên Nhật và một cô gái Đức.

Tác phẩm mở đầu cho giai đoạn lãng mạn chủ nghĩa ngắn ngủi và thể loại tự truyện tiểu thuyết hóa (tiểu thuyết về cái Tôi) rất phát triển trong văn học Nhật. Khuynh hướng đấu tranh cho tự do cá nhân, chống gông cùm phong kiến, được thể hiện trong cuốn tiểu thuyết Ngỗng trời (Gan, 1913 – được dịch ra tiếng Việt với tên là Nhạn), sau được chuyển thể thành phim với tên là Bà chủ nhà (Mistress, 1953).

Tác phẩm chính khác của ông gồm: Truyện người ca sĩ (Utakata no Ki, 1890), Người đưa thư (Fumizukai, 1891), Tình dục muôn năm (Wita Sekusuarisu, 1909), Tuổi trẻ (Seinen, 1910), Pháo đài tĩnh lặng (Chinmoku noTo, 1910), Mộng tưởng (Mōsō, 1911), Thư trối trăng của Okitsu và Goemon (Okitsu Ya Goemon no Isho, 1912)…

* * *

Natsume Sōseki (1867-1916) là nhà văn. Ông học văn học và ngôn ngữ ở Anh. Ông hiểu biết văn hóa châu Âu rất rộng, đồng thời tinh thông Thiền học và văn hóa cổ điển Trung Quốc.

Ông dạy văn học Anh trước khi viết văn chuyên nghiệp. Với văn phong ý nhị, súc tích, ông viết tiểu thuyết ngược với khuynh hướng tự nhiên chủ nghĩa thịnh hành thời đó.

Tôi là con mèo (Wagahai wa Nekodearu, 1905-1906) được coi là tiểu thuyết châm biếm xã hội sâu sắc, đả kích sự lố lăng của thời đại; Cậu ấm (Botchan, 1908) đả kích một cách hóm hỉnh đạo đức giả của giới dạy học; nhân vật chính là một thanh niên nóng nảy, thẳng tuồn tuột, lớn lên trong cô đơn; anh đi dạy học, vấp ngã đủ thứ; đây là cuốn sách có nhiều độc giả nhất mọi thời đại và hiện nay vẫn còn bán rất chạy.

Trong một số tác phẩm khác, Natsume phân tích một cái tôi, nói lên nỗi cô đơn của người trí thức trong xã hội tư bản, sự bế tắc của cá nhân, tư tưởng hoài nghi.

* * *

Tōson Shimazaki (1872-1943) là nhà văn, ông làm thơ lãng mạn trước khi viết tiểu thuyết. Ông theo Công giáo, ở Pháp từ 1913 đến 1916.

Ông đề xướng ra trong tiểu thuyết Nhật một khuynh hướng hiện thực phê phán, bắt nguồn từ chủ nghĩa tự nhiên và những nhà viết truyện đại chúng.

Tiểu thuyết Thất ước (Hakai, 1906), tác phẩm đầu tiên theo chủ nghĩa tự nhiên của ông là một sự kiện văn học. Về sau, ông viết những tiểu thuyết tự truyện bi quan, ít đề cập những vấn đề xã hội. Chịu ảnh hưởng phong trào văn học cách mạng vô sản Nhật cuối những năm 20 của thế kỷ XX, ông tiến gần quan điểm duy vật lịch sử.

Trong tác phẩm xuất sắc Trước bình minh (Yoake Mae, 1929-1935), ông viết về những thay đổi xã hội trong và sau cuộc canh tân Minh Trị qua câu chuyện gia đình mình. Tác phẩm chính khác của ông gồm: Bộ sưu tập các loại thảo mộc non (Wakana-shū, 1897), Mùa Xuân (Haru, 1908), Cuộc sống mới (Shinsei, 1919), Cuộc đời của một người phụ nữ nào đó (Aru Onna no shōgai, 1921), Cơn bão (Arashi, 1926), Cánh cổng phía Đông (Tōhō no Mon, 1943)...

Ngoài ra, phải kể đến nhà thơ Ishikawa Takuboku (1886-1912), làm thơ theo thể Tanka với nội dung hiện đại, thể hiện những nỗi đau khổ của mình với thái độ của người đối lập với cả vũ trụ, biết là thua nhưng không van xin. Về hình thức, thơ thời Minh Trị, mặc dù ảnh hưởng phương Tây, nhiều nhà thơ vẫn sử dụng thể Tanka và thể Haiku.