📞

Mười hai thế kỷ văn học Nhật Bản [Kỳ cuối]

HỮU NGỌC 09:00 | 24/09/2023
Trong số đại diện tài ba của thời kỳ này phải kể đến Nakagami Kenji và Matsumoto Seicho - một nhà văn sinh ra sau chiến tranh, và người kia thì sau chiến tranh mới bắt đầu viết văn.

Văn học từ 1945

Cho đến những năm 1970, lĩnh vực “văn chương thuần túy”, các nhà văn nam, nữ đều có những băn khoăn tôn giáo, chính trị, xã hội, hoặc tìm kiếm văn minh Âu-Mỹ, để giải đáp câu hỏi: “Sống thế nào đây?”; điều này nằm trong truyền thống tìm cách “xử thế” của Khổng học.

Trước những đảo lộn của đời sống hiện đại, thế hệ nhà văn trẻ (khoảng 30 - 40 tuổi) từ nhiều năm không có những tìm kiếm “nghiêm túc” và tỏ ra phóng túng về mọi mặt. Trong số đại diện tài ba của thời kỳ này phải kể đến Nakagami Kenji và Matsumoto Seicho - một nhà văn sinh ra sau chiến tranh, và người kia thì sau chiến tranh mới bắt đầu viết văn.

Nakagami Kenji (1946 - 1992) nổi tiếng là nhà văn Nhật Bản thời hậu chiến đầu tiên và duy nhất cho đến nay công khai nhận mình là một người Burakumin (là một nhóm người bị ruồng bỏ ở dưới đáy xã hội Nhật Bản, trong suốt quá trình lịch sử của Nhật Bản).

Ông không tốt nghiệp đại học và đã viết những cuốn tiểu thuyết khác biệt sâu sắc với những cuốn tiểu thuyết của cả những nhà văn lớn tuổi và thế hệ của ông. Các tác phẩm của ông mô tả những trải nghiệm cuộc sống căng thẳng của những người đàn ông và phụ nữ đang đấu tranh để tồn tại trong một cộng đồng Burakumin ở miền Tây Nhật Bản. Trong tiểu thuyết của mình, Nakagami thường trở lại cộng đồng Burakumin nơi ông lớn lên.

Những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông bao gồm: Mũi đất, (Misaki, 1976) đoạt giải Akutagawa năm 1976, Biển cây khô héo (Karekinada, 1977) giành được cả hai giải thưởng văn học Mainichi và Geijutsu năm 1977, Thời khắc tối cao nơi tận cùng trái đất (Chi no Hate Shijo no Toki), Khoảnh khắc ngàn năm (Sennen no Yuraku, 1982), Đôi cánh mặt trời (Nichirin no Tsubasa, 1984), Khinh miệt (Keibetsu, 1992). Ngoài ra, Nakagami còn sáng tác bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Đang ở đỉnh cao danh vọng thì ông qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 46.

* * *

Nhà văn Matsumoto Seicho.

Matsumoto Seicho (1909-1992) là một nhà văn được cho là đã phổ biến tiểu thuyết trinh thám, hư cấu lịch sử cổ đại.

Các tác phẩm của ông thường phản ánh bối cảnh xã hội rộng lớn hơn và chủ nghĩa hư vô thời hậu chiến, ông miêu tả các yếu tố tâm lý con người và đời sống bình thường hàng ngày, văn phong giản dị.

Năm 40 tuổi, ông mới có tác phẩm đầu tiên, tuy nhiên, trong 40 năm tiếp sau, ông đã xuất bản hơn 450 tác phẩm, bao gồm tiểu thuyết lịch sử và các truyện trinh thám.

Các tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng nhất của ông bao gồm: Thanh tra Imanishi điều tra (Suna no Utsuwa, 1961), và Cờ sương mù (Kiri no Hata, 1961) đã được dịch sang một số ngữ, bao gồm cả tiếng Anh. Matsumoto đã đánh vào tâm trạng chống Mỹ với tác phẩm nổi tiếng "phi hư cấu" Sương mù đen ở Nhật Bản (Nihon no Kuroi Kiri, 1960), trong đó một thám tử dám nghĩ dám làm, khám phá một âm mưu lớn của các mật vụ Mỹ liên kết với nhau, nhiều sự cố nổi tiếng và những tội ác chưa được giải quyết trong thời kỳ hậu chiến. Matsumoto Seicho quan tâm đến khảo cổ học và lịch sử cổ đại.

Một số tiểu thuyết và truyện ngắn khác của ông: Tiểu thuyết: Bức tường đôi mắt (Me no Kabe, 1958); Biển đen của rừng cây (Kuroi Jukai, 1960); Cách cư xử và phong tục đương thời (Jikan no Shūzoku, 1962); Lâu Đài Thủy Tinh (Garasu no Shiro, 1976); Dòng xoáy (Uzu, 1977); Con đường dục vọng (Irodorigawa, 1983); Bầu trời đen (Kuroi Sora, 1988); Sự điên rồ của các vị thần (Kamigami no Ranshin, 1997). Truyện ngắn: Đồng tiền của Saigō (Saigō Satsu, 1951); Lịch sử cổ đại Nhật Bản của Seichō (Seichō Tsūshi, 1976 - 1983).

* * *

Ba cuốn sách bán chạy nhất Nhật Bản những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước là: Khổng Tử (của Inoue Yasushi), Totto Chan (của bà Kuroyanagi Testsuko - Truyện giáo dục trẻ em, đã dịch ra tiếng Việt và hơn hai chục thứ tiếng). Về khoa học, cuốn Sách về phối sắc (của Sibukawa và Y. Takashasi). Các tác phẩm chưa chắc đã là sách chân giá trị, tuy nhiên, ba cuốn sách bán chạy (best-seller) ở Nhật phản ánh sự quan tâm lành mạnh của một xã hội ổn định trong khung cảnh phát triển chung.

Bước vào thế kỷ XXI, dù thuộc ý thức hệ nào, dù yêu hay ghét Nhật Bản, không một quốc gia hay một dân tộc nào có thể dửng dưng trước sự tiến triển của Nhật Bản.

Địa lý và lịch sử đã đặt cho Việt Nam và Nhật Bản một số vấn đề tương tự, có thể khác nhau về hoàn cảnh và thời điểm. Cả hai nước đều nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực trung tâm thế kỷ XXI; cả hai đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Trung Quốc (đặc biệt tư tưởng Khổng - Phật) tuy đều giữ được bản sắc và tạo được nền văn hóa dân tộc độc đáo; đến thế kỷ XVI-XIX, cả hai đều tiếp xúc với phương Tây, đạo Kito; cả hai đều phải hiện đại hóa qua công nghiệp hóa.

Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, cả hai dân tộc đều phải giải quyết một loạt vấn đề tương tự: quan hệ giữa hiện đại và truyền thống, giữa Đông và Tây, giữa sáng tạo và cải biên, giữa quốc gia và quốc tế, giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần… Nhật Bản theo chế độ chính trị - xã hội và có một dĩ vãng khác Việt Nam. Nhưng không phải vì thế mà sự nghiên cứu văn hóa Nhật Bản một cách nghiêm túc và khách quan không giúp ích cho ta trong công cuộc xây dựng một nền văn hóa dân tộc và xã hội chủ nghĩa.