Nhỏ Bình thường Lớn

Muốn lấy vợ phải có... toilet

Đó là lời thách cưới khá phổ biến ở ngôi làng Nilokheri, bang Haryana (Nam Ấn Độ) hiện nay. Theo phụ nữ ở làng này, một chú rể lý tưởng phải là người ăn chay, không uống rượu, có nghề nghiệp ổn định và trong nhà phải có nhà vệ sinh.

Đây là nguyện vọng chính đáng vì ở các vùng nông thôn Ấn Độ hiện nay, việc sử dụng nhà vệ sinh công cộng hay các địa điểm “thiên nhiên” vẫn là chuyện bình thường. Theo thống kê, khoảng 665 triệu người dân - tương đương một nửa dân số Ấn Độ,  không được sử dụng nhà vệ sinh.

Bởi vậy, chiến dịch “Không nhà vệ sinh thì không có cô dâu” đã được gọi là một cuộc cách mạng. Theo Sở Y tế Haryana, tính đến đầu tháng 10 năm nay, khoảng 1,4 triệu nhà xí đã được xây dựng tại bang này với một phần ngân quỹ của Chính phủ. Trước đây, các nỗ lực đưa nhà vệ sinh về các vùng quê nghèo của Ấn Độ hầu hết đều thất bại. Điển hình, dự án năm 2001 do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã không thành hiện thực vì nhiều người dùng nhà vệ sinh làm nhà kho hoặc dỡ chúng ra làm nhà tạm. Nhưng với việc gắn nhà vệ sinh với hôn nhân, chiến dịch đã tỏ ra thành công hơn. Để tuyên truyền có hiệu quả, những nhà hoạt động vì quyền lợi phụ nữ đã vận động sơn lên các bức tường ở địa phương dòng chữ bằng tiếng Hindi: “Không cho con gái đến nơi không có nhà vệ sinh”. Thậm chí chiến dịch nhà vệ sinh và hôn nhân còn được đưa vào một vở kịch opera khá nổi tiếng.

“Tôi sẽ không để con gái tôi đến gần chàng trai nào mà gia đình không có nhà vệ sinh”, Usha Pagdi, một người mẹ của cô con gái Vimlas Sasva, 18 tuổi, đã học xong trung học và đang theo học tiếp nghề điện tử tại một trường kỹ thuật, nói. “Trước đây bố tôi chưa bao giờ cho tôi đi học. Mỗi khi lau nhà, tôi lại nghĩ rằng tôi chả biết gì cả. Nhưng giờ, phụ nữ có nhiều quyền lực hơn. Và đàn ông không thể từ chối họ”.

Theo truyền thống, phụ nữ Ấn Độ thường được xem là một nguồn tài chính trong gia đình vì khoản tiền hồi môn mà gia đình họ trả cho nhà trai, dù quan niệm này dần thay đổi do độ tuổi kết hôn của phụ nữ hiện muộn hơn và họ cũng có sự tự lập về kinh tế nhiều hơn. Ngoài ra, việc trọng nam khinh nữ cũng khiến con số nam thanh niên chưa vợ nhiều hơn số cô dâu tương lai. Do đó, các phụ nữ trẻ ngày càng được lựa chọn nhiều hơn, có quyền đòi hỏi hơn. Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng ở Ấn Độ, truyền hình vệ tinh và Internet cũng đang góp phần phổ biến những hình ảnh về sự thịnh vượng của đời sống đô thị với những căn hộ rộng rãi có đầy đủ phòng ngủ và nhà vệ sinh khiến phụ nữ nông thôn không khỏi đau đáu “giấc mơ” về một chỗ vệ sinh an toàn.

Việc thiếu nhà vệ sinh không chỉ là sự bất tiện mà còn là nguyên nhân khiến bùng phát các bệnh dịch như tiêu chảy, thương hàn và sốt rét. Theo Ashok Gera, một bác sĩ làm việc trong phòng khám nhỏ ở địa phương nói: “Phụ nữ phải gánh chịu nhiều nhất vì họ có mặt khắp mọi nơi. Tôi đã chứng kiến nhiều phụ nữ trẻ bị nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài và các vấn đề về gan và thận vì họ không được đi vệ sinh ở những nơi an toàn cho sức khỏe”.

Bindeshwar Pathak, người sáng lập tổ chức Xã hội Sulabh International từng giành giải thưởng cho sáng kiến xây dựng nhà vệ sinh rẻ và thân thiện môi trường nhận xét chiến dịch “Không nhà vệ sinh, không cô dâu” thực sự là một cuộc “đảo chính không đổ máu”. “Trước đây, vẫn có sự kiêng kỵ khi nói về nhà vệ sinh. Nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi”. Hiện Pathak đang quản lý một trường học và một trung tâm huấn luyện nghề nghiệp cho những phụ nữ từng làm nghề thu dọn chất thải bằng tay. Họ được xem là tầng lớp thấp kém nhất trong trật tự xã hội Ấn Độ. Pathak cho rằng, một khi Ấn Độ có đủ nhà vệ sinh, những phụ nữ kém may mắn này sẽ không phải làm công việc đó nữa. “Tôi luôn nói với Chính phủ rằng: nếu Ấn Độ muốn trở thành siêu cường, điều đầu tiên chúng tôi cần là nhà vệ sinh. Và có thể chính những người phụ nữ sẽ đem đến sự thay đổi đó”.

Lâm An