Back to E-magazine
e magazine
17:04 | 29/04/2021
Muôn nẻo Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

17:04 | 29/04/2021

Vai trò của ngành Ngoại giao, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế trong kết nối, hỗ trợ địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã được nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố nhấn mạnh tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương - Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” ngày 26/4 tại Hà Nội.
Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Vai trò của ngành Ngoại giao, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế trong kết nối, hỗ trợ địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đã được nhiều lãnh đạo tỉnh, thành phố nhấn mạnh tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” ngày 26/4 tại Hà Nội.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Là một trong những đại diện địa phương tham dự phiên Thảo luận của Diễn đàn, Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng mang theo nhiều kỳ vọng mở rộng thêm những kênh thu hút FDI, đặc biệt là nguồn vốn FDI chất lượng cao vào tỉnh.

Bên cạnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương đang nổi lên là một trong bốn địa phương đi đầu trong thu hút FDI tại khu vực phía Bắc với 485 doanh nghiệp FDI, tổng số vốn 9,1 tỷ USD. Giai đoạn 2016 -2020, tổng giá trị xuất khẩu của Hải Dương đạt 32 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 7,7 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần so với 2019.

Góp phần vào thành công thu hút FDI của tỉnh, theo ông Thăng, đến từ việc vận dụng hiệu quả kênh ngoại giao nhân dân. Kể lại câu chuyện về quá trình kết nối tỉnh Hải Dương và tỉnh Kagoshima (Nhật Bản), ông Thăng vẫn ấn tượng đặc biệt với sự hỗ trợ nhiệt tình của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam dành cho tỉnh.

Ông Thăng kể lại: “Chính Đại sứ đã kết nối hai địa phương với nhau, nhờ đó chúng tôi đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn tại Hải Dương. Từ Hội nghị này, rất nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản đã biết đến Hải Dương”.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chụp ảnh chung cùng các đại biểu dự Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, chiều 26/4.

Và tại Diễn đàn lần này, ông Thăng đã không quên gửi gắm những kỳ vọng tới ngành Ngoại giao sẽ đồng hành cùng tỉnh trong quá trình xúc tiến đầu tư, thu hút FDI trong thời gian tới.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã dùng cụm từ “cầm tay chỉ việc” khi nói về sự phối hợp và hỗ trợ sát sao của ngành Ngoại giao trong việc hỗ trợ địa phương kết nối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như thu hút nguồn FDI chất lượng cao.

Ông Thành chia sẻ: “Trong thời gian dài, chúng tôi đã thực hiện tốt đường lối kinh tế đối ngoại và có sự hỗ trợ của các ban, ngành, nhất là Bộ Ngoại giao”.

Cùng với sự phát triển của đất nước và sự thành công của chiến lược thu hút FDI, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm công nghiệp hàng đầu phía Bắc.

Tính đến hết năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 1.215 dự án đầu tư, trong đó 803 dự án FDI với tổng số vốn trên 98 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 4,2 tỷ USD) và 414 dự án FDI đến từ 19 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký trên 6,165 tỷ USD.Trong đó Hàn Quốc có số lượng dự án với tổng vốn đầu tư lớn nhất (213 dự án với tổng vốn đầu tư 2,37 tỷ USD), sau đó là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Italy ...

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn.

Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, nhiều năm qua, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế- xã hội là một trụ cột của ngành Ngoại giao, trong đó hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên.

Phát huy mạng lưới gần 100 cơ quan đại diện trên khắp các châu lục, ngành Ngoại giao đã chủ động, tích cực thúc đẩy kết nối các địa phương và doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp, đối tác quốc tế thông qua tổ chức nhiều hoạt động thực chất và hiệu quả.

“Thời gian tới, ngành Ngoại giao cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, đóng góp tích cực và hiệu quả vào thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn đất nước hội nhập sâu rộng, ngành Ngoại giao sẽ phát huy vai trò tiên phong trong kết nối các địa phương và doanh nghiệp với các xu thế phát triển lớn của thế giới, cùng quý vị nắm bắt các thời cơ và vận hội để thực hiện khát vọng vươn lên của đất nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thông qua Diễn đàn lần này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn hy vọng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài cùng trao đổi cởi mở về nhu cầu, tiềm năng, lợi thế của nhau, trên cơ sở đó nhận diện những cơ hội đầu tư mới, có kế hoạch, biện pháp thúc đẩy hợp tác vì lợi ích của chính các địa phương, doanh nghiệp và cũng vì sự phát triển chung của đất nước.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Đánh giá về hiệu quả của chính sách thu hút FDI thời gian qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, từ năm 1987, song hành cùng với quá trình Đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật đầu tư nước ngoài đã được ban hành.

Trải qua 3 lần đón sóng đầu tư FDI, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Làn sóng thứ nhất trong những năm 1990-1992; làn sóng thứ hai vào những năm 2000 với Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Mỹ được ký kết và làn sóng thứ 3 với số lượng FDI thực sự bùng nổ sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 và hội nhập sâu với khu vực và quốc tế.

Tính đến tháng 12/2020, trải qua 33 năm phát triển và thu hút FDI, đã có 33.070 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 384 tỷ USD; vốn thực hiện khoảng 231,86 tỷ USD, bằng 60,4% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Khu vực FDI chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp và tổng giá trị xuất khẩu của cả nước; và số thu nộp ngân sách nhà nước cũng tăng đều qua các năm. Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với mức đóng góp vào GDP tăng đáng kể.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, vốn đăng ký và vốn thực hiện tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, năm 2020, mặc dù, tình hình rất khó khăn nhưng các nhà đầu tư vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường và môi trường đầu tư của Việt Nam, triển khai mở rộng các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định: “Đây chính là 'lá phiếu' ủng hộ Chính phủ, Bộ ngành và địa phương tiếp tục nỗ lực cải cách, xây dựng hệ thống hành chính hiện đại, phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng khu vực đầu tư nước ngoài cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, một số hạn chế phải kể đến là mức độ kết nối và lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp. Thu hút và chuyển giao công nghệ từ FDI đến khu vực đầu tư trong nước vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Bên cạnh đó, thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế. Cùng với đó là vẫn còn hiện tượng một số doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về đầu tư hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...

“Những tồn tại, hạn chế này đã được nhận diện. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm khắc phục các tồn tại này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho rằng việc thu hút vốn FDI thời gian tới phải chọn lọc hơn, hướng tới việc lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, theo chủ chương của Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị. Dù vậy, Việt Nam phải thích ứng, chủ động, sáng tạo và đón kịp dòng chảy của làn sóng FDI thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, trong bối cảnh cạnh tranh FDI khốc liệt và những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao đổi với một số lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp bên lề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, chiều 26/4.

Phó Thủ tướng cho biết, để thu hút thành công nguồn vốn FDI trong bối cảnh mới, Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 4 vấn đề.

Thứ nhất, quyết tâm giữ vững môi trường vĩ mô, chính trị xã hội ổn định. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và đại dịch Covid-19 vẫn còn là “ẩn số” khó đoán định.

Thứ hai, tập trung cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật theo hướng tăng cường tính minh bạch, lành mạnh, an toàn và hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước và quản lý kinh tế vĩ mô nhằm thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ.

Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ... để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Tạo cơ chế kết nối các hoạt động xúc tiến về đầu tư, thương mại, du lịch nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài giữa các cơ quan trung ương và địa phương.

Thứ ba, ưu tiên đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giúp tạo ra các kết nối thông minh, hiệu quả, giảm chi phí giao dịch, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế, nhất là tính minh bạch.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, lấy nền tảng con người và năng lực khoa học công nghệ làm động lực của tăng trưởng trong những thập niên tới.

Thứ tư, song song với việc thu hút đầu tư, các địa phương sẽ tổ chức, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các nhà đầu tư triển khai xây dựng các dự án với tốc độ nhanh nhất, thời gian ngắn nhất, hiệu quả nhất thông qua cải cách môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính và đặc biệt là những thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng.

Từ đó, giảm chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để liên kết tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị sản xuất, phân phối toàn cầu.

“Chính phủ Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam làm ăn lâu dài, tôn trọng pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thời gian tới, khu vực FDI sẽ vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa khát vọng, phồn vinh của Việt Nam, trong đó Chính phủ đóng vai trò nhà kiến tạo, phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới, với công tác phòng, chống dịch hiệu quả, Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế.

Chia sẻ bên lề Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Hong Sun đánh giá cao Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Ngoại giao nói riêng đã hỗ trợ và tạo điều kiện rất thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Cụ thể, KOCHAM và Bộ Ngoại giao đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác vào năm 2016 và đã gia hạn Biên bản ghi nhớ này trong sự kiện Meet Korea năm 2020. Theo đó, Bộ đã thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi, giúp nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp cận địa phương, đồng thời ủng hộ hoạt động kết nối do doanh nghiệp Hàn Quốc tổ chức.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) Hong Sun (thứ hai, từ trái) trao đổi cùng đại diện một số doanh nghiệp bên lề Diễn đàn.

Trưởng đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO), ông Takeo Nakajima cũng dẫn khảo sát mới nhất của JETRO cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những “cứ điểm an toàn” và nằm trong top đầu điểm đến đầu tư trong khu vực ASEAN của các doanh nghiệp Nhật Bản.

“Những cụm từ như ‘thoái vốn’, ‘thu hẹp sản xuất’ không thấy xuất hiện ở các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam đã cho thấy sức hút của Việt Nam là rất lớn”, ông Takeo Nakajima dẫn chứng.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn FDI quốc tế và trong khu vực diễn ra linh hoạt hơn theo xu hướng hội nhập, Việt Nam cần đổi mới tư duy mạnh mẽ để khai thác hiệu quả nguồn vốn này phục vụ cho mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Đặc biệt, xu hướng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ nhanh càng đòi hỏi Việt Nam phải có sự chọn lọc hơn trong thu hút FDI.

Vấn đề này một lần nữa trở thành trọng tâm trong Phiên thảo luận của Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với sự tham gia thảo luận sôi nổi từ phía các nhà làm chính sách, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các lãnh đạo địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, thành tựu về thu hút FDI trong hơn 35 năm qua là những bài học quý báu, cho thấy cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội và phát huy lợi thế của riêng mình là chìa khóa để Việt Nam tiếp tục vươn lên. Do đó, chính sách thu hút FDI thời gian tới phải đổi mới mạnh mẽ sang tư duy chủ động, thu hút có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio dể trao đổi về tình hình hợp tác trong thời gian tới.

Nhìn ở góc độ của cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Việt Nam đang có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

“Làn sóng này không chạy theo số lượng dự án, chạy theo những dự án đầu tư hàng chục tỷ USD nếu những dự án đó không nâng cấp chất lượng tăng trưởng, không cộng sinh với doanh nghiệp nội địa, không lan toả quản trị với doanh nghiệp Việt Nam. Đây là định hướng rõ ràng trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn tới. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng”.

Cùng quan điểm với ông Lộc, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tại thời điểm hiện tại, cách tiếp cận FDI phải thay đổi, việc lựa chọn FDI không còn theo kiểu cũ.

Ông Thiên đã chỉ ra ba điểm lớn đóng vai trò định hình chiến lược thu hút FDI trong tương lai.

Thứ nhất, cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 với nhân lõi là sự phát triển của nền kinh tế số đang đặt ra xu thế dịch chuyển của dòng vốn FDI về mặt công nghệ, tác động đến lựa chọn của Việt Nam.

Thứ hai, trong 3-4 năm qua có sự dịch chuyển đầu tư các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc khá mạnh mẽ. Yếu tố này đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra, tác động đến tư duy và chiến lược FDI của các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam.

Thứ ba, đại dịch Covid-19 cũng là yếu tố buộc Việt Nam phải nhìn nhận lại các dòng đầu tư.

Ngoài ra, ông Thiên cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò chịu trách nhiệm của địa phương, trong đó có trách nhiệm về FDI.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương

Không chỉ mang theo những kỳ vọng về việc mở rộng và thu hút FDI, kinh nghiệm “dọn ổ” đón đại bàng cũng được nhiều địa phương chia sẻ tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021.

Với Vĩnh Phúc, ông Lê Duy Thành cho biết, chìa khóa nằm ở ba yếu tố: nguồn lực, đất đai và khoa học công nghệ.

Ông Thành nói: “Chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt các điều kiện để thu hút FDI như: về nguồn đất sạch, chủ động quy hoạch các khu công nghiệp để tạo môi trường thu trường thu hút đầu tư. Cùng với đó, chúng tôi cũng chuẩn bị cả hệ sinh thái công nghệ. Chúng tôi ý thức rất rõ rằng bên cạnh đất đai có tính đến hạ tầng phục vụ cho các nhà đầu tư, nhằm tạo ra cuộc sống tốt cho các nhà đầu tư đến”.

Trong bối cảnh Covid-19, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư trực tuyến, cung cấp thông tin nhanh chóng và kịp thời tới đông đảo nhà đầu tư nước ngoài. Ông Thành nhận định Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác tại Việt Nam rất tích cực trong việc tìm kiếm doanh nghiệp đầu tư, thậm chí còn mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tìm đến địa phương.

Ngoại giao đồng hành cùng địa phương
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành (ngoài cùng bên trái) trao đổi với doanh nghiệp FDI bên lề Diễn đàn.

Thời gian tới, bên cạnh việc kiên trì thu hút các dòng vốn FDI để phát triển, Vĩnh Phúc sẽ cân nhắc và lựa chọn dự án có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao để có thể tạo ra giá trị và thân thiện với môi trường. Tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, kết nối với doanh nghiệp FDI.

Theo ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương, trước tình hình mới, cần một cách tiếp cận mới trong thu hút FDI theo hướng tăng tỷ suất đầu tư trên một đơn vị diện tích, tăng hàm lượng khoa học công nghệ vào dòng vốn đầu tư, yếu tố bảo vệ môi trường quan trọng.

“Chúng ta cần tiếp cận phù hợp với thế của địa phương, tiếp nhận một cách có điều kiện và tiếp nhận với điều kiện hạ tầng tốt. Nên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp sinh thái tạo ra chuỗi giá trị để doanh nghiệp FDI tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn”.

Nhận thức rõ những lợi thế về thiên nhiên cùng hệ thống cảng biển là đầu mối giao thông quan trọng của miền Bắc với thế giới, Hải Phòng đã xây dựng chiến lược cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong 5 năm, quyết liệt cải cách hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư.

Bên cạnh đó, địa phương cũng luôn dành một quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh. Nguồn vốn FDI vào Hải Phòng nhờ thế đã lên tới 20 tỷ USD.

Chia sẻ kinh nghiệm của Hải Phòng, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Chúng tôi còn chăm sóc nhà đầu tư đến tận chân hàng rào, thành phố đầu tư về điện, nước, hệ thống cây xanh. Đây là những thứ nhà đầu tư quan tâm. Ngoài ra, hàng tháng, chính Chủ tịch UBND thành phố đều có một buổi gặp mặt các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, kiến nghị của các doanh nghiệp đã giảm dần theo thời gian. Mặt khác, thị trường nhân lực của chúng tôi được đào tạo bài bản, bên cạnh ba trường đại học thì chúng tôi cũng có hàng chục trường đào tạo nghề".

Thực hiện: Kim Giang

Đồ họa: Minh Hồng

Ảnh: Nguyễn Hồng, TTXVN, báo Hải Phòng, Zing.vn...

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.