Bất chấp điều chỉnh về mặt chính sách giữa các đời Tổng thống Mỹ, quan hệ Mỹ-Ấn Độ kể từ sau nhiệm kỳ cựu Tổng thống Bill Clinton tới nay vẫn giữ được xung lực tích cực. Liệu xung lực đó có được giữ gìn và phát triển dưới thời ông Joe Biden?
Những ngày đầu trong nhiệm kỳ của ông Joe Biden đã để lại một số dấu ấn về mặt chiến lược đáng chú ý, trong đó có Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến giữa Bộ tứ và khơi dậy cái gọi là “tinh thần Bộ tứ”.
Tuy nhiên, 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Biden cũng diễn ra hai sự kiện khiến New Delhi “nhướng mày” về triển vọng Mỹ-Ấn thời gian tới.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Bộ tứ gồm Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 12/3. (Nguồn: AP) |
Hai câu chuyện
Đầu tiên, ngày 10/4, Hải quân Mỹ đã tiến hành một chiến dịch tự do hàng hải gần khu vực Lakshadweep, thuộc Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Ấn Độ mà chưa được New Delhi cho phép. Hạm đội 7 cho rằng việc xin phép Ấn Độ là không phù hợp với luật pháp quốc tế và các chiến dịch quyền tự do hàng hải là nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền thái quá.
Hành động này đã buộc chính quyền Thủ tướng Narendra Modi phản ứng, khẳng định các tàu chiến của Mỹ đang được “theo dõi sát sao” và nhấn mạnh đã chuyển lời tới Washington.
Câu chuyện thứ hai đến từ ý kiến cho rằng chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã chậm trễ trong trợ giúp Ấn Độ đối đầu với dịch Covid-19 lan rộng cuối tháng 4 vừa qua.
Tuy nhiên, Washington đã nhanh chóng dập dắt chỉ trích và chứng minh rằng quan hệ Mỹ-Ấn vẫn bền chặt hơn bao giờ hết. Ngày 30/4, máy bay vận tải C-5M Super Galaxy của Không quân Mỹ đã hạ cánh ở New Delhi, mang theo nhiều bình oxy, trang thiết bị y tế và bộ xét nghiệm Covid-19.
Trước áp lực lớn từ đồng minh và đối tác, ông Joe Biden đã ủng hộ tạm hoãn bản quyền với vaccine Covid-19. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định đang làm việc chặt chẽ với Đại sứ quán Mỹ tại New Delhi và Bộ Y tế Ấn Độ.
Tuy nhiên, đối với một số khác, chừng đó là chưa đủ.
Một số nhân vật có tiếng nói trong cộng đồng người Mỹ gốc Ấn, trong đó có các tỷ phú và chính trị gia đã đăng đàn kêu gọi chính quyền của Tổng thống Joe Biden có biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Lãnh đạo người Mỹ gốc Ấn của các tập đoàn công nghệ lớn đã phối hợp với nhóm nghị sỹ để giải quyết tình hình, với mong muốn đảm bảo rằng các hỗ trợ tới được tay của tất cả người Ấn.
Phòng Thương mại Mỹ cũng đã xây dựng một tiểu ban chuyên trách tập trung cung cấp các nguồn oxy và dụng cụ y tế cho Ấn Độ.
Một góc nhìn
Tin liên quan |
Quan hệ Mỹ-Ấn: Tưởng vậy, không phải vậy! |
Quan trọng hơn, hai sự kiện này cho thấy những tiềm năng, giới hạn của mối quan hệ Mỹ-Ấn.
Thứ nhất, chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn xây dựng một chính sách đối ngoại dành cho tầng lớp trung lưu, hứa hẹn khôi phục sức mạnh của nền kinh tế Mỹ.
Điều này khác gì so với phương châm “Nước Mỹ trên hết” của ông Donald Trump?
Dường như, chưa bao giờ động lực cho chính sách đối ngoại của Mỹ lại gắn kết chặt chẽ với ưu tiên đối nội tới vậy.
Thấu hiểu yếu tố đằng sau sự dịch chuyển từ phương châm “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump sang “Hồi sinh nước Mỹ” của ông Joe Biden, và tác động từ cách tiếp cận của Mỹ với thế giới sẽ là thử thách không nhỏ với các quốc gia, trong đó có Ấn Độ.
Ấn Độ tiếp tục có ưu tiên cao trong tầm nhìn chiến lược về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ. Các chuyến thăm cấp cao, đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo và quan chức hai nước đã xây dựng bầu không khí phù hợp để phát triển quan hệ đối tác chiến lược Washington-New Delhi.
Đối thoại 2+2 giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng, lễ ký kết thỏa thuận căn bản và triển khai các nhóm làm việc trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng là thành quả dễ thấy của mối quan hệ này.
Thứ hai, dưới thời của Tổng thống Joe Biden, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn có thể sẽ phát triển đa dạng hơn. Hợp tác song phương sẽ trải dài trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đòi hỏi New Delhi phải thích nghi để bảo đảm, tăng cường lợi ích trong hợp tác với Washington.
Đơn cử như chống biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh Mỹ quan tâm đặc biệt tới kinh tế xanh, liệu Ấn Độ có thể đáp ứng ưu tiên này mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế?
Với hiệp định Đối tác Mỹ-Ấn Độ về Khí hậu và Năng lượng sạch nghị trình năm 2030, hai bên đã đặt ra nhiều mục tiêu lớn. Tuy nhiên, triển khai ra sao, sắp xếp lợi ích của từng bên để phối hợp thế nào, vẫn là câu hỏi khó.
Chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi cần thấu hiểu những thay đổi trong lòng nước Mỹ để có điều chỉnh hợp lý trong quan hệ Mỹ-Ấn. (Nguồn: PTI) |
Còn đó câu hỏi về hợp tác thương mại. Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump cho thấy cam kết mạnh mẽ về hợp tác an ninh và quốc phòng Mỹ-Ấn tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song kết nối kinh tế thì không.
Với cách tiếp cận tập trung vào thuế quan và cán cân thương mại, người tiền nhiệm của ông Joe Biden đã không thể xây dựng được một thỏa thuận thương mại đột phá để đưa hợp tác kinh tế Mỹ-Ấn tiến về phía trước. Liệu ông Joe Biden có thể mang đến thay đổi cần thiết?
Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn xây dựng chính sách đối nội và đối ngoại phục vụ tầng lớp trung lưu. Đó là khôi phục và nâng cấp cơ sở hạ tầng, rút khỏi Afghanistan, đẩy lui các động thái gây tổn hại lợi ích Mỹ của Trung Quốc và Nga, tạo việc làm trong khi phát triển kinh tế xanh.
Do đó, đã đến lúc giới hoạch định chính sách tại New Delhi cần đặc biệt quan tâm tới điều chỉnh về ưu tiên trong và ngoài nước đang định hình chính sách đối ngoại của Washington.
Thấu hiểu sự thay đổi trong lòng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ là chìa khóa để Ấn Độ điều chỉnh, duy trì trạng thái phù hợp trong quan hệ Mỹ-Ấn, bảo đảm và thúc đẩy lợi ích quốc gia trong khoảng thời gian đầy biến động của thế giới.