Logo Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu do Mỹ tổ chức ngày 22/4. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Mỹ) |
Sự trở lại của Mỹ
Ngày 22-23/4, Mỹ sẽ chủ trì Thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu giữa các lãnh đạo nhân Ngày Trái đất và 5 năm ký Hiệp định Paris. Mỹ đã gửi lời mời tham dự tới 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai quốc gia Mỹ coi là “đối thủ”.
Nhiều người kỳ vọng Thượng đỉnh trên sẽ giúp các nước tìm kiếm đồng thuận về thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu này. Tuy nhiên, mong muốn này sẽ phụ thuộc không nhỏ vào vai trò của quốc gia chủ trì là Mỹ.
Washington, dưới thời của ông Joe Biden, đang có bước chuyển mạnh mẽ trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Ngay sau khi nhậm thức, Tổng thống Joe Biden đã bổ nhiệm cựu Ngoại trưởng John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu và đưa Mỹ quay lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã bổ nhiệm ông John Morton làm Giám đốc trung tâm khí hậu mới nhằm thúc đẩy tài chính “xanh” và sử dụng chính sách thuế để giúp giảm thiểu phát thải CO2.
Đầu tháng 4, ông Kerry đã thăm Ấn Độ và sau đó là Trung Quốc, tiếp xúc với Bộ trưởng Môi trường Trung Quốc Giải Chấn Hoa. Ngay cả khi chuyến thăm Ấn Độ không đạt được kết quả mong muốn, song các nỗ lực này cho thấy cam kết của Washington không chỉ là nói suông.
Tại Thượng đỉnh biến đổi khí hậu sắp tới, Tổng thống Joe Biden được cho là sẽ giới thiệu chính sách khí hậu và mục tiêu khí thải năm 2030 giảm 30% so với năm 2005, kêu gọi thế giới hành động tương tự và đồng thời hỗ trợ nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia đang phát triển.
Ngay cả khi chuyến thăm Ấn Độ không đạt được kết quả mong muốn, song các nỗ lực này cho thấy cam kết của Washington không chỉ là nói suông. |
Đáng chú ý, Washington không che giấu ý định đằng sau nỗ lực trở lại và dẫn dắt tiến trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Phát biểu tại một sự kiện ở Annapolis, bang Maryland (Mỹ) ngày 19/4, Ngoại trưởng Antony Blinken thừa nhận Mỹ đang hụt hơi so với Trung Quốc trên cương vị đầu tàu thế giới về chống biến đổi khí hậu và điều này tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp năng lượng tái tạo của Mỹ.
Chỗ đứng của xứ cờ hoa tại thị trường này đang bị đe dọa khi Trung Quốc hiện là nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất, từ pin năng lượng mặt trời, turbine quạt gió tới ô tô điện tử. Trung Quốc cũng đang nắm giữ 1/3 số giấy đăng ký bản quyền về năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh đó, Mỹ cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, đồng thời dẫn dắt quá trình chống biến đổi khí hậu toàn cầu vì lợi ích thế giới nói chung và lợi ích quốc gia của Mỹ nói riêng.
Trung Quốc muốn đề cao thảo luận trực tuyến vừa qua giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Đức, Pháp ngày 16/4 như một “thượng đỉnh về biến đổi khí hậu” thu nhỏ. (Nguồn: China Daily) |
Vươn lên dẫn đầu
Nhận định của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken về thực trạng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu hiện nay là có cơ sở, nếu nhìn vào những gì mà Trung Quốc đang thực hiện, đặc biệt là trong cuộc họp trực tuyến mới đây giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và lãnh đạo Pháp, Đức ngày 16/4.
Tại sự kiện này, trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Tập đã tái khẳng định cam kết “sử dụng thời gian ngắn nhất trong lịch sử thế giới” để đưa Trung Quốc, từ nước phát thải carbon nhiều nhất thành nước trung hòa carbon.
Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ chấp thuận thỏa thuận năm 2016 nhằm loại bỏ dần Hydrofluorocarbon, loại chất làm mát hóa học sử dụng trong tủ lạnh và máy điều hòa không khí, đồng thời gây hiệu ứng nhà kính. Tuyên bố này đã được bà Merkel và ông Macron hưởng ứng.
Tuy nhiên, điểm thú vị lại nằm ở việc quan chức và giới truyền thông Trung Quốc mong muốn thúc đẩy cuộc thảo luận ba bên này như một “hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu” dù trong mắt các đối tác châu Âu, đây đơn thuần chỉ là một phần của đối thoại ngoại giao thông thường.
Thêm vào đó, Bắc Kinh dường như không đề cao các nỗ lực mới đây của Mỹ trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Truyền thông Trung Quốc không tỏ ra quá quan tâm về chuyến thăm của Đặc phái viên Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry ngày 14/4 vừa qua, dù đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao của Mỹ tới Trung Quốc kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền, trong bối cảnh quan hệ song phương đang đặc biệt căng thẳng sau Đối thoại Alaska hồi tháng 3 vừa qua.
Việc Trung Quốc đề cao cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu với lãnh đạo châu Âu là cách nhắn gửi rằng Thượng đỉnh của Mỹ không phải cuộc chơi duy nhất. |
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lại mô tả Mỹ như “học sinh trốn học trở lại trường”, chứ không phải là “một vị vua trở lại” trong các đàm phán về biến đổi khí hậu, nhất là sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.
Theo ông Li Shuo, nhà vận động của Greenpeace khu vực Đông Á có trụ sở ở Bắc Kinh, việc Trung Quốc đề cao cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu với lãnh đạo châu Âu là cách nhắn gửi rằng Thượng đỉnh của Mỹ không phải cuộc chơi duy nhất.
Ngay cả khi góp mặt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ không có đóng góp chính sách nào lớn tại Thượng đỉnh do Mỹ chủ trì.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà những tháng gần đây, trước sự trở lại của Mỹ, Trung Quốc đã đóng vai trò tích cực hơn trong thảo luận quốc tế về biến đổi khí hậu.
Dường như với cả Bắc Kinh và Washington, câu chuyện về chống biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức an ninh phi truyền thống toàn cầu, mà đang trở thành một vấn đề địa chính trị với cân nhắc nhất định về mặt lợi ích.