Thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã có động lực mới trong hợp tác và ứng phó chung đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Ví dụ, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đã trở lại Hiệp định về biến đổi khí hậu được ký kết tại Paris cách đây 5 năm. Ông chủ Nhà Trắng đã mời 40 nhà lãnh đạo trên thế giới tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu từ ngày 22-23/4 tới.
Mới đây, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu John Kerry đã thăm Trung Quốc, gặp Phó Thủ tướng Han Zheng và người đồng cấp Xie Zhenhua, nhấn mạnh sẵn sàng trao đổi thông tin và hợp tác trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong ngày 16/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên về khí hậu diễn ra theo hình thức trực tuyến cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trung Quốc thể hiện thiện chí thúc đẩy hợp tác với Đức và Pháp nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Một dẫn chứng khác là các nước EU, trong tháng 12/2020 đã nhất trí tiến tới cắt giảm 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so với các mức ghi nhận năm 1990.
Các quốc gia, trong đó có Ấn Độ ngày càng phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu. (Nguồn: Reuters) |
Lĩnh vực cốt lõi trong chính sách đối ngoại
Nói cách khác, ở cấp độ toàn cầu đã có sự khởi động lạc quan về các phản ứng hợp tác chung trong bối cảnh các nhà khoa học cảnh báo rằng bằng chứng về biến đổi khí hậu đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Các quốc gia ngày càng phải đối mặt với nguy cơ biến đổi khí hậu.
Đối với Ấn Độ, tần suất các hiện tượng khí hậu cực đoan và mức độ thiệt hại đã tăng lên trong thập niên qua. Theo Chỉ số Rủi ro khí hậu toàn cầu 2020 của Germanwatch, Ấn Độ là quốc gia xếp thứ 5 về chịu tác động nặng của biến đổi khí hậu trong năm 2018.
Nhận thức được tính cấp bách của tình hình, Ấn Độ đã gia tăng tỷ trọng năng lượng từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nỗ lực riêng biệt của từng quốc gia trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu sẽ chỉ mang lại thành công hạn chế. Cần có một sáng kiến hợp tác mạnh mẽ và biến đổi khí hậu đang nổi lên như một lĩnh vực quan trọng của chủ nghĩa đa phương.
Xét về tầm quan trọng của các vấn đề phát sinh do biến đổi khí hậu, ngoại giao khí hậu phải trở thành một trong những lĩnh vực cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong tương lai.
Ấn Độ và Pháp đồng sáng lập một tổ chức liên chính phủ dựa trên hiệp định - Liên minh Năng lượng mặt trời quốc tế (ISA) là một bước đi theo hướng này. Đến nay, hơn 90 nước đã ký hiệp định khung, trong đó 70 nước phê chuẩn ISA.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đặc biệt là ngoại giao khí hậu, có thể dựa vào ISA để củng cố các thỏa thuận đa phương.
Ấn Độ và Pháp đồng sáng lập Liên minh năng lượng mặt trời quốc tế, hiện có hơn 90 nước ký hiệp định khung. (Nguồn: PTI) |
Nhịp cầu đa tầng nấc với châu Phi
Với tầm quan trọng địa kinh tế và địa chính trị của khu vực châu Phi, việc phát triển ngoại giao khí hậu hoàn toàn hợp lý trong chiến lược thúc đẩy quan hệ của Ấn Độ với châu Phi.
34 nước trong tổng số hơn 50 nước châu Phi đã trở thành một phần của ISA và điều này phù hợp với cam kết của Ấn Độ với châu Phi ở các cấp độ - lục địa (với Liên minh châu Phi - AU), khu vực (với các tổ chức như Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương) và song phương (các nước như Congo, Rwanda và Mali).
ISA đang thu hút sự quan tâm lớn của các nước châu Phi, vốn được thiên nhiên ưu đãi với nguồn năng lượng mặt trời dồi dào. Khai thác năng lượng mặt trời là cơ hội cung cấp điện cho khoảng 600 triệu người trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ có thể thành công lớn bằng cách kết hợp các sáng kiến ngoại giao và chuyên môn kỹ thuật của mình, thậm chí đạt được các mục tiêu đã cam kết theo Hiệp định Paris.
Với mức giá cho mỗi MW đã giảm xuống còn 1,80 Rupee (hơn 500 VNĐ), năng lượng mặt trời có tính cạnh tranh và ngày càng rẻ hơn so với điện năng từ than.
Ấn Độ đã làm sâu sắc hơn quan hệ với AU, các nhóm kinh tế khu vực (với sự tham gia của cả Ấn Độ và châu Phi) thông qua nỗ lực đa phương, bên cạnh việc tăng cường hợp tác song phương với các quốc gia.
Cuộc họp đánh giá giữa kỳ của Thượng đỉnh Diễn đàn Ấn Độ-châu Phi (IASF) lần thứ 4 vào tháng 9/2020 đã đưa ra một loạt chính sách và chương trình nhằm tăng cường sự tham gia thông qua ISA.
Tương tự như vậy, cuộc họp của Bộ trưởng Năng lượng tái tạo ở Ấn Độ Dương (IORM) và sự hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Phi là những biểu hiện của ngoại giao khí hậu với lộ trình đa phương.
Cam kết của Ấn Độ đối với các nước châu Phi được chứng minh về mặt tài chính - ban đầu là khoản 26 triệu USD để lập nên một quỹ chung.
Ngoài ra, New Delhi đã đầu tư khoản tín dụng (LoC) trị giá 1,39 tỷ USD để thực hiện 27 dự án tại 15 quốc gia, trong đó có 13 quốc gia châu Phi. Các dự án ở Niger, Senegal và Somalia đều đã hoặc sắp hoàn thành.
Ấn Độ thực hiện sáng kiến năng lượng mặt trời ở châu Phi. (Nguồn: Mint) |
Phát huy các sáng kiến đa phương
Ấn Độ thông qua ISA và các sáng kiến khác đã định vị đúng hướng trong chính sách đối ngoại của mình. Tuy nhiên, điều cần thiết là sự cân bằng các ưu tiên bằng cách phát triển các nền tảng hoặc khuôn khổ đặc biệt cho sự tham gia của Ấn Độ và các nước ở châu Phi nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương.
Một khuôn khổ như vậy có thể cho phép sự tương thích giữa chủ nghĩa khu vực (kết hợp các nhóm kinh tế khu vực về các vấn đề khí hậu) và chủ nghĩa đa phương vốn đòi hỏi thể chế hóa sâu sắc hơn.
New Delhi có thể khởi xướng chính sách ngoại giao khí hậu mũi nhọn trong quan hệ với các nhóm khu vực châu Phi như Cộng đồng Phát triển Nam Phi (SADC), Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS)...
Ngoài ra, đất nước sông Hằng có thể hợp tác với các sáng kiến đa phương khác về năng lượng tái tạo ở châu Phi như Sáng kiến Năng lượng Tái tạo châu Phi (AREI) của AU, Hội nghị các nguyên thủ/người đứng đầu chính phủ châu Phi về biến đổi khí hậu (CAHOSCC). Mục tiêu rộng lớn của sáng kiến này là tạo ra 300 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030.
Các sáng kiến khác của AU như Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi (AUDA-NEPAD) có thể được coi là một nền tảng mới mà ISA có thể liên kết trong tương lai.
Ấn Độ có thể tiên phong trong việc xác định các cơ hội để thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng mặt trời, đặc biệt là ở châu Phi.
Thiên hướng của Ấn Độ đối với quan hệ đối tác, các mối quan tâm về phát triển châu Phi là sự bổ sung hứa hẹn cho chính sách ngoại giao khí hậu ở châu Phi.
Kinh nghiệm tham gia sâu rộng với các nước châu Phi trong ISA cho thấy rằng các vấn đề an ninh phi truyền thống - như biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và di cư - có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ của Ấn Độ với châu Phi.
ISA, “chính sách ngoại giao hợp tác và mềm mỏng hơn” của Ấn Độ là một bước tiến nhằm xây dựng mối quan hệ lâu dài thông qua ngoại giao khí hậu. |
***
Con đường đa phương hóa của Ấn Độ hoàn toàn khả thi trong lĩnh vực biến đổi khí hậu. Cách đây vài thập kỷ, Ấn Độ cùng với Trung Quốc đã bị nhiều quốc gia coi là một phần nguyên nhân của vấn đề biến đổi khí hậu.
Giờ đây, điều này đã thay đổi.
Ấn Độ chủ động tăng tỷ trọng năng lượng mặt trời và gió trong danh mục năng lượng của mình cũng như nỗ lực thiết lập các cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy các mục tiêu đặt ra theo ISA.
Chính sách ngoại giao khí hậu của Ấn Độ thông qua một lộ trình đa phương có thể mang lại lợi ích lớn, đặc biệt là bằng cách đặt trọng tâm vào châu Phi.