Năm 2020 đánh dấu tròn 20 năm Ấn Độ và Nga ký Tuyên bố về quan hệ Đối tác chiến lược và 10 năm kể từ khi được nâng cấp lên thành quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền.
Tuy nhiên, thể thức ngoại giao như vậy vẫn mang tính hình thức, khi mà Moscow và New Delhi đã không thể giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại, mà còn tích lũy thêm một loạt bất đồng mới trong những năm gần đây.
Mối quan hệ “đặc quyền” với Ấn Độ không cản trở Nga bán vũ khí sát thương cho Pakistan, xích lại gần với Trung Quốc, cũng như không thể ngăn cản Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ.
Trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng với đối tác lâu năm của mình, Moscow không nhận ra rằng Ấn Độ dưới thời Narendra Modi không phải là một quốc gia mà người ta có thể khuyên bảo nên hay không nên làm bạn với ai.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nga Putin tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Sochi, tháng 5/2018. (Nguồn: Getty) |
Cơn thịnh nộ của Ấn Độ
Tháng 12/2020 đã xảy ra một sự kiện khá hy hữu, gần như là một vụ bê bối ngoại giao, dẫn đến xích mích chưa từng có trong quan hệ giữa Nga và Ấn Độ.
Tại cuộc họp Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phát biểu: “Ấn Độ đang phải chịu tác động bởi chính sách rất tinh vi và hiếu chiến của phương Tây. Họ đang cố gắng lôi kéo nước này vào các trò chơi chống Trung Quốc, thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời nỗ lực làm suy yếu đáng kể mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền chặt chẽ nhất của chúng ta với Ấn Độ".
Ngoại trưởng Nga muốn ám chỉ nhóm Bộ Tứ (Quad) gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia. Năm 2020, lần đầu tiên 4 quốc gia này đã tiến hành cuộc tập trận quân sự sau 13 năm.
Tờ báo Ấn Độ The Print cho rằng những phát biểu không hài lòng của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về mối quan hệ hợp tác giữa Ấn Độ và Mỹ xuất phát từ việc cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa Vladimir Putin và Narendra Modi bị hoãn.
Bài báo này dẫn lời các cựu quan chức ngoại giao, các nguồn giấu tên và nhiều tờ báo khác ở Ấn Độ chỉ trích phát biểu của Ngoại trưởng Nga.
Đại sứ quán của cả hai nước đã phải lên tiếng bác bỏ giả thiết này, khẳng định rằng lý do chính thức cho việc hoãn hội nghị thượng đỉnh là đại dịch Covid-19, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastava vẫn ám chỉ rằng Ngoại trưởng Lavrov đã đánh giá không chính xác.
Ông nói: “Ấn Độ luôn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập dựa trên lợi ích quốc gia. Quan hệ của Ấn Độ với từng nước không phụ thuộc vào nước thứ ba. Chúng tôi hy vọng các đối tác của chúng tôi sẽ hiểu và đánh giá cao điều này”.
Vậy mối quan hệ đối tác đặc quyền không có nghĩa là sự chung thủy theo kiểu “một vợ một chồng”, và Ấn Độ đang coi Nga là “một người chồng ghen tuông”.
Việc mô tả Ấn Độ như một món đồ chơi trong tay Mỹ thể hiện sự thiếu hiểu biết về bối cảnh bên trong và bên ngoài nền chính trị đương đại của nước này. Đằng sau những căng thẳng gia tăng giữa New Delhi và Bắc Kinh là mối quan tâm thực sự của người Ấn Độ về an ninh của họ.
Trong năm vừa qua, tình hình ở khu vực biên giới Ladakh trở nên trầm trọng hơn, khi mà những cuộc đụng độ có thương vong xảy ra lần đầu tiên kể từ năm 1975. Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar mô tả tình trạng quan hệ hiện tại với Trung Quốc là "tồi tệ nhất trong 30 năm qua".
Đồng thời, New Delhi đưa ra lập trường cứng rắn trong chính sách đối ngoại nếu họ nhận thấy mối đe dọa nghiêm trọng đối với lợi ích quốc gia.
Ngược lại, về khía cạnh kinh tế và chính trị, Trung Quốc vẫn là đối tác hứa hẹn hơn cả đối với Nga trong chính sách "xoay trục sang phương Đông". Các cuộc tiếp xúc thường xuyên hơn giữa Moscow và Bắc Kinh không thể nằm ngoài sự chú ý của Ấn Độ.
Ngoài ra, Thủ tướng Narendra Modi đã bắt đầu triển khai đường lối chiến lược nhằm biến Ấn Độ thành một cường quốc toàn cầu. Và trong tâm trí của một bộ phận đáng kể người dân đất nước này, tiến trình biến đổi thành một cường quốc toàn cầu đã diễn ra.
Do đó, phát biểu của Lavrov gây phẫn nộ bởi nó bị coi là xem thường vị thế của Ấn Độ, cho rằng nước này chỉ là một lực lượng bình thường trong khu vực và sớm muộn cũng buộc phải nhượng bộ trước sức ép của phương Tây.
Nga không nhận ra rằng Ấn Độ dưới thời Narendra Modi không phải là một quốc gia mà người ta có thể khuyên bảo nên hay không nên làm bạn với ai. |
Hơn nữa, những nỗ lực của New Delhi nhằm tạo thế cân bằng giữa Moscow và Washington hoàn toàn không hề mới mẻ.
Quốc gia Nam Á này đã theo đuổi chính sách như vậy kể từ cuối những năm 1970. Khi đó, mối quan hệ của họ với Liên Xô chặt chẽ hơn nhiều so với Nga hiện nay, nhưng họ vẫn nhận được viện trợ kinh tế và chuyển giao các công nghệ quân sự tiên tiến từ Mỹ.
Quan hệ thương mại đình trệ
Các quan chức của cả Nga và Ấn Độ đều không ngừng lặp lại rằng hai quốc gia hoàn toàn hiểu nhau trong hầu hết các vấn đề toàn cầu. Thực tế đúng là như vậy, nếu gạt chủ đề Trung Quốc sang một bên.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm quan hệ đối tác chiến lược, sự hiểu biết về tình hình nội bộ của cả hai nước vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Giới lãnh đạo Nga vẫn ảo tưởng rằng Ấn Độ biết ơn sự hỗ trợ từ Liên Xô.
Trên thực tế, những tình cảm như vậy chỉ tồn tại ở một số nhóm thuộc giới tinh hoa và trong thế hệ cũ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Mỹ là quốc gia được những người dân thường ủng hộ nhất (49%), còn Nga chỉ xếp vị trí thứ hai (47%).
Mặt khác, các doanh nghiệp thường phàn nàn về tình trạng tham nhũng, quan liêu quá mức, luật chơi khó hiểu và sự can thiệp của tòa án từ cả phía Nga lẫn phía Ấn Độ. Trên thực tế, ở Nga không có ai đứng ra vận động hành lang cho các lợi ích kinh tế của Ấn Độ, và ngược lại.
Thương mại giữa hai nước đang giậm chân tại chỗ, và một trong những nguyên nhân là các biện pháp bảo hộ của cả hai nước. Năm 2018, Ấn Độ đứng thứ 16 trong số các điểm đến xuất khẩu của Nga, trong khi Nga chỉ đứng thứ 36 về nhập khẩu hàng hóa của Ấn Độ.
Nga thậm chí không nằm trong tốp 10 về đầu tư vào nền kinh tế Ấn Độ, tụt hậu nhiều sau Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Pháp và Đức.
Một thỏa thuận về khu vực thương mại tự do sẽ giúp đẩy mạnh giao thương, và gần đây đã có rất nhiều lời bàn tán về nó. Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn đang trong giai đoạn xây dựng suốt hơn một năm qua và các bên vẫn chưa nêu ra các điều khoản cụ thể.
Mặc dù vậy, tỷ trọng của Nga trên thực tế có thể sẽ cao hơn, do số liệu thống kê của các cơ quan Ấn Độ không tính đến các thỏa thuận liên chính phủ. Các thỏa thuận lớn giữa Nga và Ấn Độ được ký kết ở cấp cao nhất, bao gồm cả trong các cuộc gặp thượng đỉnh giữa Putin và Modi.
Một mặt, các hội nghị thượng đỉnh hằng năm chắc chắn chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược đặc quyền. Mặt khác, cơ chế này cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp từ cấp trên, các vấn đề quan trọng trong quan hệ song phương sẽ không tiến triển.
Bài toán hợp tác quân sự
Điểm nhấn hợp tác Nga-Ấn trong lĩnh vực quân sự là hai chuyến thăm Moscow của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh trong năm 2020.
Bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Ấn Độ vẫn tới thăm Nga vào tháng 6 và tháng 9/2020 nhằm thúc đẩy việc cung cấp phụ tùng cho các máy bay Su-30MKI và xe tăng T-90 do Nga sản xuất.
Vũ khí do Liên Xô trước kia và Nga cung cấp chiếm khoảng 60% kho vũ khí của Ấn Độ. Bài toán cung cấp phụ tùng cho các thiết bị quân sự này từ lâu đã khiến người Ấn Độ đau đầu. Theo quy định của Nga, việc cung cấp trang thiết bị và phụ tùng cho các doanh nghiệp quốc phòng đều được thực hiện thông qua Cơ quan xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport).
Điều này làm gia tăng chi phí và tiêu tốn thêm thời gian xét duyệt, khiến cho quá trình hoàn thành đơn hàng bị chậm trễ vài tháng, thậm chí đôi khi là 12-14 tháng.
Trong thời gian đó, các doanh nghiệp quốc phòng Nga phải tạm dừng sản xuất để chờ thiết bị và phụ tùng thay thế, khiến cho năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Nga cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho Ấn Độ đôi khi không cao hơn 50% tổng công suất.
Những năm gần đây, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để đẩy nhanh quá trình này. Năm 2019, một thỏa thuận đã được ký kết trong khuôn khổ cuộc gặp thượng đỉnh giữa Modi và Putin về việc sản xuất phụ tùng chung giữa doanh nghiệp Nga và Ấn Độ, cho phép doanh nghiệp hai nước tương tác trực tiếp với nhau.
Năm 2020, các công ty Nga và Ấn Độ đã có các giao dịch cụ thể, nhưng đây mới chỉ là những bước đầu tiên hướng tới giải quyết một vấn đề đã tồn tại nhiều thập kỷ.
Vấn đề hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, bởi nếu đã giải quyết thành công, Bộ trưởng Singh không phải tiến hành hai chuyến thăm Moscow để thảo luận riêng về vấn đề đẩy nhanh tiến độ giao hàng cho lực lượng vũ trang Ấn Độ.
Đáng chú ý, chính trong thời gian quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền được thiết lập, Nga lại quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí sát thương cho Pakistan, đối thủ chính của Ấn Độ trong khu vực. |
Nhiều người còn nhớ, năm 2010, chính ông Putin đã đảm bảo với Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Manmohan Singh rằng Nga, vì tính đến vấn đề này của các đối tác Ấn Độ, nên sẽ không thiết lập hợp tác kỹ thuật-quân sự với Islamabad.
Tuy nhiên, vào năm 2014, sự hợp tác như vậy đã bắt đầu hình thành. Năm 2015, Nga và Pakistan ký hợp đồng cung cấp 4 trực thăng vận tải và chiến đấu Mi-35M.
Kể từ năm 2016, các cuộc tập trận chung Druzhba (Hữu nghị) của lực lượng an ninh Pakistan và Nga đã được tổ chức thường xuyên ở cả hai nước. Năm 2020, Ấn Độ đã từ chối tham gia cuộc tập trận quốc tế Kavkaz-2020 do căng thẳng leo thang ở khu vực biên giới với Trung Quốc.
Ấn Độ hẳn không hài lòng trước việc Nga và Pakistan tiến hành tập trận chung Druzhba thường niên từ năm 2016. (Nguồn: TASS) |
Tất nhiên, yếu tố Ấn Độ vẫn áp đặt những hạn chế nhất định đối với quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự Nga-Pakistan. Một trong những lý do khiến Moscow chú ý tới một bên mua mới như vậy chính là việc Ấn Độ đa dạng hóa hoạt động mua sắm trang thiết bị quốc phòng.
Khi các đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ như Mỹ, Israel và Pháp kiếm được nhiều hợp đồng đáng chú ý ở Ấn Độ, Nga lại ngày càng bị gạt sang một bên và phải tìm kiếm các thị trường vũ khí mới, bao gồm cả Pakistan.
Thực tế này chỉ ra rằng quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và đặc quyền giữa Nga và Ấn Độ không mang tính thực chất, và càng không thực sự "độc quyền". Cả hai quốc gia đều không hài lòng với nhau, ngày càng hợp tác mật thiết hơn với các đối thủ địa chính trị của nhau.
Mối quan hệ hợp tác đặc quyền Nga-Ấn cũng không dẫn đến sự gia tăng tương tác kinh tế song phương và không giải quyết triệt để các vấn đề tồn đọng lâu nay trong lĩnh vực kỹ thuật-quân sự.
***
Sự trùng hợp về lập trường trong chính sách đối ngoại của Nga và Ấn Độ không chỉ giúp hai nước trở nên gần gũi trên trường quốc tế, mà còn loại bỏ các vấn đề gây xung đột.
Trong nhiều thập niên gần đây, hai quốc gia xa cách về địa lý, kết nối yếu kém về kinh tế và không mâu thuẫn về hệ tư tưởng quả thực có thể dễ dàng tìm được một ngôn ngữ chung.
Tuy nhiên, vấn đề gây bất đồng đã xuất hiện khi mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng gia tăng. Rõ ràng, vấn đề này sẽ ngày càng chia cắt Moscow và New Delhi theo những cách khác nhau.
Trong bối cảnh này, Nga sẽ đánh mất lòng trung thành vô điều kiện của đồng minh, và chắc chắn không thể đổ lỗi cho các thế lực phương Tây về các vấn đề đang nổi lên.