Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố về các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, nhắm vào cả các thực thể ở đặc khu hành chính Hong Kong và Trung Quốc đại lục. (Nguồn: Getty Images) |
Theo đó, các lệnh trừng phạt do Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 12/6 nhắm vào hơn 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, Hong Kong (Trung Quốc), Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) “có sản phẩm và dịch vụ cho phép Nga duy trì xung đột và tránh các lệnh trừng phạt”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tuyên bố: “Các hành động đưa ra tập trung vào những tuyến đường tiếp nhận nguyên liệu và thiết bị quốc tế còn lại của Nga, bao gồm cả sự phụ thuộc của Moscow vào nguồn cung cấp quan trọng từ các nước thứ ba”.
Đồng thời cho biết thêm, động thái mới này sẽ gia tăng rủi ro đối với các tổ chức tài chính hỗ trợ cho nền kinh tế Nga và loại bỏ các con đường né tránh các biện pháp trừng phạt, làm suy giảm khả năng Nga được hưởng lợi từ việc tiếp cận công nghệ, thiết bị, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin của nước ngoài”.
Bộ Ngoại giao Nga đã ngay lập tức ra phản ứng, cảnh báo nước này sẽ đáp trả hàng loạt lệnh trừng phạt mới “mạnh mẽ”.
Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova cho hay: “Giống như mọi lần, Nga sẽ không để yên cho những hành động hung hăng như vậy”.
Washington đã thúc giục các đối tác trong khối NATO cảnh giác với vai trò của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ cho cuộc xung đột của Nga tại Ukraine. Bên cạnh đó, đưa ra cảnh báo Bắc Kinh không thể tăng cường hợp tác kinh tế với Moscow trong khi tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao và kinh tế bình thường với châu Âu.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng phát đi tín hiệu sẽ tăng cường hành động chống lại Trung Quốc vì hỗ trợ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ đang nhắm mục tiêu vào các công ty vỏ bọc ở Hong Kong vì chuyển chất bán dẫn sang Nga, điều có thể ảnh hưởng đến các mặt hàng ưu tiên cao trị giá gần 100 triệu USD của Moscow.
Chip có nguồn gốc từ Mỹ và công nghệ khác đã được tìm thấy trong nhiều loại thiết bị của Nga thu được trên chiến trường ở Ukraine, bao gồm máy bay không người lái, radio và tên lửa.
Với trường hợp mua sắm hệ thống máy bay không người lái, Bộ Tài chính Mỹ cho biết một công ty có trụ sở tại Hong Kong đã gửi ống kính máy ảnh, mạch tích hợp điện tử và các bộ phận khác của máy bay không người lái cho người dùng cuối ở Nga.
Trong khi đó, một công ty Trung Quốc đã đề nghị giao hàng bằng tàu container tới nhiều thành phố khác nhau của Nga, cung cấp các linh kiện trị giá hơn 180.000 USD cho các thực thể tại Moscow, bao gồm cả những đơn vị cung cấp thiết bị cho các cơ sở sản xuất hệ thống máy bay không người lái.
“Các cơ sở công nghiệp quân sự của Nga đã sử dụng một mạng lưới rộng lớn gồm các công ty trung gian của Moscow và nước ngoài để mua các thiết bị vi điện tử và công nghệ cao được sản xuất ở bên ngoài" - theo thông báo của Bộ Tài chính Mỹ.
Nhiều nhà phân tích không kỳ vọng biện pháp trừng phạt của Mỹ và các quốc gia khác sẽ thay đổi đáng kể tính toán của Tổng thống Vladimir Putin, tuy nhiên cho rằng điều này có thể khiến Moscow khó đạt được bước tiến trên chiến trường và theo thời gian có thể làm suy yếu nền kinh tế của Nga.
Peter Harrell, người từng là Giám đốc cấp cao về kinh tế quốc tế của Nhà Trắng năm 2021 và 2022, đã mô tả các biện pháp trừng phạt mới nhất là một “sự thay đổi mô hình” vì khiến các ngân hàng nước ngoài có nguy cơ bị cắt khỏi hệ thống tài chính Mỹ nếu họ giao dịch với các ngân hàng lớn của Nga đang bị áp loạt trừng phạt.
Ông này cũng nhận định, thông điệp ở đây thực sự là để gửi đến các ngân hàng ở Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và nhiều nơi khác rằng họ sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nếu tiếp tục tham gia giao dịch với các ngân hàng lớn của Nga và các ngân hàng Nga bị trừng phạt, "châm ngòi" cho một cuộc tháo chạy quy mô của các ngân hàng này khỏi Moscow.
"Việc rút lui của các ngân hàng và các tổ chức tài chính có thể sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa từ các quốc gia đang tiếp tục mối quan hệ giao thương với Nga”, ông Peter Harrell nói.
| Thương chiến Mỹ-Trung Quốc có khả năng ‘nóng’ thêm vì chiêu bài áp thuế Ngày 13/5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định, Bắc Kinh có thể sẽ đưa ra phản ứng "đáng kể" đối với thuế ... |
| Mỹ tăng thuế sốc với xe điện, Trung Quốc tuyên bố sẽ thực hiện 'mọi biện pháp cần thiết' Ngày 14/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố, nước này sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” ... |
| Hứng loạt 'đạn' mới từ Mỹ, Trung Quốc thiệt hại thế nào? Lợi ích lớn hơn nằm ở 'hòm phiếu'? Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc dường như thêm "căng" khi Bắc Kinh hứng "loạt đạn" mới từ Washington - một động thái diễn ra ... |
| Lo doanh nghiệp 'lâm nguy', Mỹ rủ châu Âu 'chung thuyền' chống lại Trung Quốc Ngày 21/5, trong một bài phát biểu ở Frankfurt (Đức), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gợi ý, phía châu Âu nên có hành ... |
| Lộ diện thách thức 'hạ nhiệt' tăng trưởng khiến hành trình vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc thêm chông gai Dân số già đi nhanh chóng của sẽ là trở ngại cho tăng trưởng GDP của Trung Quốc và cản trở hành trình vượt Mỹ ... |