Viết trên Foreign Policy về quan hệ Mỹ-ASEAN, chuyên gia Derek Grossman của Viện Nghiên cứu RAND (Mỹ) nhận định, dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden từng nhiều lần nói Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng sẽ là “sân khấu chủ đạo” trong đối ngoại Mỹ, song thực tế dường như chưa được như vậy.
Bất chấp thành công ban đầu, Mỹ vẫn chưa thể xây dựng một chiến lược rõ ràng ở khu vực này, địa bàn quan trọng trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD). Washington cũng thiếu vắng một nghị trình hợp tác kinh tế-thương mại có thể “kéo” Đông Nam Á khỏi lực hấp dẫn kinh tế từ Bắc Kinh. Ngoài ra, cách tiếp cận thiên về giá trị và thể chế khiến Mỹ khó tìm được tiếng nói chung với nhiều nước khu vực để cạnh tranh với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden dự Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-ASEAN ngày 26/10 vừa qua. (Nguồn: ASEAN) |
Thành công bước đầu
Công bằng mà nói, nước Mỹ thời ông Biden đã có một số thành công bước đầu tại Đông Nam Á.
Đầu tiên, mục tiêu đặt đồng minh và đối tác làm trung tâm chính sách đối ngoại của Washington được thể hiện rõ nét tại khu vực này. Hàng loạt quan chức cấp cao Mỹ đã tới thăm Đông Nam Á: Phó Tổng thống Kamala Harris (Singapore và Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin (Singapore, Philippines và Việt Nam), Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman (Indonesia, Campuchia và Thái Lan), Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á Daniel Kritenbrink (Malaysia, Indonesia, Singapore và Thái Lan) và Ngoại trưởng Antony Blinken (Indonesia và Malaysia).
Ông Blinken cũng đã họp trực tuyến với bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cùng ông Austin tiếp đón một số người đồng cấp Đông Nam Á tại Washington. Tuần trước, bà Sherman gặp tất cả Đại sứ ASEAN tại Mỹ. Đặc biệt, ông Biden đã dự thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và thượng đỉnh Đông Á trực tuyến, thay vì cử quan chức dưới quyền tham dự như những năm trước.
Thêm vào đó, chính quyền Mỹ cũng thay đổi tông giọng khi nói về cạnh tranh với Trung Quốc. Tháng Hai, ông Biden từng nói là Washington đang “cạnh tranh khốc liệt” với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, chỉ 5 tháng sau, trước khi tới Trung Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman lại cho biết đang tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác tiềm năng giữa hai nước làm “đường ray” ngăn quan hệ song phương đi chệch hướng. Sự thay đổi này được các nước Đông Nam Á tích cực đón nhận.
Quan trọng hơn, Washington nêu rõ lập trường không yêu cầu khu vực phải “chọn bên”. Thay vào đó, Đông Nam Á nên ưu tiên đảm bảo một AĐD-TBD “tự do và rộng mở”, thượng tôn luật lệ.
Washington không yêu cầu các nước khu vực phải “chọn bên”. Thay vào đó, Đông Nam Á cần ưu tiên duy trì AĐD-TBD “tự do và rộng mở”, thượng tôn luật lệ. |
Đặc biệt, nước Mỹ thời ông Biden cũng nhấn mạnh mục tiêu đảm bảo luật pháp quốc tế trên Biển Đông. Tháng Bảy, ông Blinken đã nhắc lại chính sách thời ông Trump về công nhận các vùng đặc quyền kinh tế trên biển theo tuyên bố của các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Qua tuyên bố này, Mỹ muốn khẳng định rằng sự hiện diện của mình ở khu vực sẽ đáng tin cậy hơn.
Ngoài ra, một xu hướng tích cực khác là quan hệ giữa Mỹ và các nước Đông Nam Á dưới thời ông Biden đã mở rộng hơn trong nhiều lĩnh vực, thay vì chỉ đơn thuần hướng tới cạnh tranh với Trung Quốc.
Tại Singapore, ông Austin đã nói về chính sách tăng cường sức mạnh cho những nước tầm trung tại Đông Nam Á, đồng thời đề cập nhiều vấn đề nóng hiện nay trong khu vực như quyền đánh cá, quyền khai thác trữ lượng dầu và khí đốt trên cơ sở luật pháp quốc tế. Cách tiếp cận này đang tỏ ra hiệu quả hơn việc chỉ chăm chăm đối phó Trung Quốc, vốn có thể gây chia rẽ chính trị.
Washington cũng thể hiện rõ lập trường về Myanmar, với vài nét tương đồng với quan điểm của các thành viên ASEAN khi kêu gọi khôi phục chính quyền dân sự tại đất nước Đông Nam Á này.
Cuối cùng, dù chính quyền ông Joe Biden chủ trương đề cao các vấn đề giá trị và thể chế trong đối ngoại, song ngôn ngữ của Washington khi đối thoại với các nước Đông Nam Á, đã dịu đi nhiều. Phát biểu tại Singapore, ông Austin thẳng thắn rằng, chính nền dân chủ Mỹ vẫn còn thiếu sót và Washington sẵn sàng cùng đồng minh, đối tác Đông Nam Á tiếp tục hoàn thiện thể chế của mình.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu trong chuyến thăm Jakarta, Indonesia tuần vừa qua. (Nguồn: Reuters) |
Cần chiến lược rõ ràng
Tuy nhiên, còn nhiều điểm chính quyền Mỹ cần sớm cải thiện về cách tiếp cận với Đông Nam Á.
Đầu tiên, một năm qua, ông Biden chưa có cuộc gặp song phương chính thức, dù là trực tuyến hay trực tiếp với bất kỳ lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á nào. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới chỉ có chuyến thăm đầu tiên tới khu vực tuần qua, song phải cắt ngắn lịch trình vì dịch bệnh.
Trong khi đó, ông Biden đã tiếp lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ tại Washington để khẳng định tầm quan trọng của AĐD-TBD. Mong rằng, kế hoạch của quan chức Mỹ về tổ chức một Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN trực tiếp tại Nhà Trắng tháng 1/2022 sẽ cải thiện bầu không khí hiện nay.
Thứ hai, Washington thiếu vắng một chiến lược AĐD-TBD bài bản và nghiêm túc. Điều này tương phản với tuyên bố trước đó của ông Biden về coi AĐD-TBD là sâu khấu chính và khiến lãnh đạo Đông Nam Á bối rối. Chỉ dẫn tạm thời về Chiến lược An ninh Quốc gia công bố hồi tháng 3 đề cập nhiều tới AĐD-TBD, song không đưa ra chi tiết cụ thể trong các vấn đề then chốt với khu vực.
Phát biểu tại Jakarta (Indonesia) tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng chỉ nói về “tầm nhìn”, thay vì “chiến lược” . Thực trạng này khiến nhiều lãnh đạo Đông Nam Á lúng túng về triển vọng duy trì, xây dựng quan hệ với Mỹ. |
Phát biểu tại Jakarta (Indonesia) tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng chỉ nói về một “tầm nhìn”, thay vì một “chiến lược” . Thực trạng này khiến nhiều lãnh đạo Đông Nam Á lúng túng về triển vọng duy trì, xây dựng quan hệ với Mỹ.
Thứ ba, chính quyền của ông Biden chưa có chính sách kinh tế-thương mại khu vực rõ ràng. Sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Washington chưa thể đề xuất giải pháp thay thế phù hợp, trong khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thành hình với sự hiện diện của một số nước ASEAN và tất nhiên, không có Mỹ.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cùng Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và 10 nước ASEAN. Bắc Kinh cũng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua sáng kiến Vành đai và Con đường, với lời mời gọi về đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đầy hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của các nước đang phát triển.
Ở chiều ngược lại, Mỹ chưa thể tìm ra phương án thực chất đề đương đầu với đề xuất này, kéo các nước châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng ra khỏi lực hấp dẫn về kinh tế của Trung Quốc.
Thứ tư, cuộc “Thượng đỉnh vì Dân chủ” vừa qua cũng phản ánh ưu tiên về thể chế và hệ giá trị trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này có thể trở thành rào cản hợp tác giữa Washington và các nước có khác biệt về thể chế và hệ giá trị trong khu vực Đông Nam Á.
Thứ năm, các nước Đông Nam Á cũng quan ngại về các liên minh ngoài khu vực có thể đe dọa vai trò trung tâm của ASEAN như Bộ tứ của Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, hay thỏa thuận an ninh AUKUS giữa Washington, Canberra và London. Bằng chứng là thái độ trung lập, lạnh nhạt, thậm chí quan ngại của một số nước ASEAN trước sự ra đời của các tập hợp lực lượng này.
Một số nước ASEAN lo rằng sự hình thành và thiết chế hóa của các liên minh, tập hợp lực lượng ngoài khu vực có thể tác động tới vai trò trung tâm của khối trong Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. (Nguồn: AP) |
Thứ sáu, hiện diện ngoại giao của Mỹ tại khu vực còn hạn chế. Hiện Washington mới có duy nhất một đại sứ tại khu vực – Đại sứ Jonathan Kaplan, người vừa tiếp nhận vị trí tại Singapore đầu tháng này. Ông Sung Kim thậm chí vừa là Đại sứ Mỹ tại Indonesia, vừa kiêm nhiệm cương vị đặc phái viên của chính quyền ông Biden về Triều Tiên. Với một số nước ASEAN, thực trạng này cho thấy, bất chấp tuyên bố trước đó, Đông Nam Á chưa thực sự là ưu tiên trong chính sách của Mỹ.
Công bằng mà nói, chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden đã có khởi đầu thuận lợi tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Washington có thể làm tốt hơn thế, tối ưu hóa cạnh tranh với Bắc Kinh thông qua xây dựng, công bố một chiến lược AĐD-TBD nghiêm túc, bài bản, toàn diện từ chính trị, kinh tế, thương mại và quốc phòng, đồng thời bổ nhiệm nhân sự cần thiết để triển khai.
Đồng thời, Mỹ cũng cần cân nhắc, có điều chỉnh thích hợp theo từng thời điểm để duy trì, củng cố và phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á, tránh đặt họ vào thế khó với Trung Quốc. Đây là chìa khóa Washington cần nắm bắt để mở rộng ảnh hưởng, cạnh tranh với Bắc Kinh tại khu vực này trong ba năm tới.