📞

Mỹ cấm nhưng Iran vẫn "cứ"

15:22 | 14/05/2019
Mặc dù Mỹ tăng cường các biện pháp trừng phạt nhưng xuất khẩu khoáng sản của Iran đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 6,2 tỷ USD vào tháng 3/2019 và xuất khẩu thép chiếm hơn 2/3 trong số đó.

Mục tiêu "khó nhằn"

Iran, vốn đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc kinh doanh dầu, hiện lại phải đối mặt với những hạn chế trong việc xuất khẩu kim loại. Tuy nhiên, những người trong ngành cho biết, thu nhập kiếm được ở nước ngoài từ việc khai thác khoáng sản và thép sẽ khó bị tác động hơn.

Mỹ liên tiếp có những lệnh trừng phạt nặng nề đối với Iran. (Nguồn: AP)

Những căng thẳng Mỹ - Iran đang gia tăng mạnh mẽ chỉ sau một năm Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, được ký năm 2015. Hiện một phi đội máy bay tấn công của Mỹ đang tiến tới vùng Vịnh, còn Tehran tuyên bố sẽ ngừng tuân thủ một số hạn chế đối với các hoạt động hạt nhân của họ.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt với bất kỳ quốc gia, tổ chức, hay công ty nào mua hoặc giao dịch các mặt hàng sắt, thép, nhôm hoặc đồng của Iran. Quyết định này được đưa ra sau khi Washington hồi tháng 11/2018 khôi phục các lệnh trừng phạt nhằm cắt giảm việc xuất khẩu dầu mỏ - cho đến nay là nguồn ngoại tệ chủ chốt - của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, ngành thép và khai thác mỏ - nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai của Iran có thể sẽ là một mục tiêu "khó nhằn" hơn. Theo giới chuyên gia, do việc kinh doanh các lĩnh vực này khá phi tập trung, chỉ bao gồm các công ty nhỏ và vừa, đồng thời bán chủ yếu cho các nước lân cận, do đó, Iran sẽ không mấy bị tổn thương từ các lệnh trừng phạt.

Nhà phân tích ngành công nghiệp Iran Mojtaba Fereydouni nói: “Mỹ không thể ngăn chặn hoàn toàn việc xuất khẩu. Một số quốc gia, công ty không có quan hệ với Mỹ, sẽ vẫn cảm thấy ổn khi hợp tác với Iran. Bởi những thị trường xuất khẩu chính của Iran cũng chính là những nước láng giềng - Iraq, Afghanistan và gần đây là Syria và Oman”.

Ông Fereydouni chỉ ra rằng, các công ty kim loại của Iran, vốn không còn lạ lẫm gì với các biện pháp trừng phạt, không mấy bị ảnh hưởng bởi một loạt các hạn chế được tái áp đặt hồi năm ngoái. Ông nói: “Hồi tháng 8/2018, các nhà sản xuất thép đã không được nhập nguyên liệu thô cần thiết và không được buôn bán bất kỳ sản phẩm thép nào… nhưng xuất khẩu vẫn tăng”.

Theo dữ liệu chính thức, xuất khẩu khoáng sản của Iran đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 6,2 tỷ USD vào tháng 3/2019 và xuất khẩu thép chiếm hơn 2/3 trong số đó.

Xuất khẩu thép Iran vẫn tăng bất chấp những lệnh trừng phạt từ Mỹ. (Nguồn: Theptas.vn)

Lĩnh vực bị suy yếu

Một quan chức ngành công nghiệp khác là Amir Sabbagh nói rằng, mặc dù các công ty kim loại sẽ phải đối mặt với chi phí tăng thêm, song họ sẽ “có thể quản lý được” vì đồng tiền bị suy yếu của nước này đã khiến xuất khẩu sinh lời nhiều hơn.

Đồng Rial của Iran đã để mất hơn 57% giá trị so với USD trên thị trường chợ đen hồi năm ngoái, khiến xuất khẩu trở nên có lợi hơn. Tuy nhiên, Sabbagh cho biết, những tác động chính của các biện pháp trừng phạt có thể sẽ làm tăng chi phí vận chuyển đường biển và giảm lợi thế thương lượng của các nhà xuất khẩu. Lĩnh vực này có thể bị tổn hại bởi các lệnh trừng phạt ngân hàng do Washington áp đặt lại hồi tháng 11/2018.

Nhà phân tích Henry Rome – một chuyên gia nghiên cứu về các biện pháp trừng phạt Iran tại công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại Washington - cảnh báo rằng, điều này có thể làm tổn hại các nhà nhập khẩu Iran, những người mua rất nhiều nguyên liệu thô từ các quốc gia xa hơn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Kazakhstan và Nga. Ông nói: “Các biện pháp trừng phạt tài chính sẽ cản trở ít nhất một vài mối quan hệ này”.

Các lệnh trừng phạt “chẳng có gì mới”

Tuy nhiên, nhà kinh tế học Ehsan Soltani tại Tehran cho biết, các công ty khoáng sản có thể bị ảnh hưởng bởi thực tế là doanh thu của họ, đặc biệt là từ các chuyến hàng thép, hiếm khi quay trở lại hệ thống tài chính của Iran. Thay vào đó, chúng chủ yếu được cất giữ bên ngoài đất nước để chi trả cho việc nhập khẩu.

Cố vấn Bộ trưởng Kinh tế Iran Hossein Mirshojaeian nói với hãng tin bán chính thức ISNA rằng, chỉ 1/3 trong số 40 tỷ USD doanh thu xuất khẩu phi dầu mỏ quay trở lại Iran trong năm 2018. Theo Soltani, các nhà sản xuất thép cho biết, họ giữ tiền bên ngoài Iran để chi trả cho tiền nguyên liệu thô, bởi họ không thể mang tiền vào Iran vì các lệnh trừng phạt ngân hàng.

Bất chấp những yếu tố này, nhà phân tích Rome cảnh báo rằng, việc đóng cửa các nhà máy tiềm năng và mất đi nhiều việc làm sẽ làm gia tăng áp lực đối với Chính phủ Iran.

Theo Soltani, việc khai thác khoáng sản sử dụng 200.000 nhân công trực tiếp và hàng nghìn người khác trong các doanh nghiệp liên quan. Tuy nhiên, Fereydouni cho biết ngành công nghiệp này cần được bảo vệ bởi thực tế là chính phủ vẫn giữ phần lớn cổ phần trong hầu hết các công ty lớn.

Ông nói: “Các công ty lớn… vẫn là cơ quan nửa chính phủ và do đó, sẽ không sa thải nhân công trong bất kỳ trường hợp nào” vì lo sợ những hậu quả chính trị và xã hội. Cuối cùng, ông nói thêm rằng, các lệnh trừng phạt “chẳng có gì mới” đối với ngành khai thác mỏ của Iran: “Chúng tôi luôn bị xử phạt. Lúc ít, lúc nhiều”.

(theo AP)