Mối liên hệ giữa trình độ học vấn và khả năng sở hữu nhà là điều dễ hiểu. Tốt nghiệp Đại học nghĩa là dễ kiếm việc hơn, có thu nhập cao hơn, có nhiều tiền hơn và có nhiều lợi thế hơn.
Thế nhưng hệ trẻ của nước Mỹ - “Millennials” cũng có vấn đề riêng của họ.
Millenials là tên gọi chung cho những người sinh ra từ đầu những năm 1980 đến 2000. Họ chính là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Còn được gọi là "thế hệ kỹ thuật số", họ là những người đang lớn lên và trưởng thành ở độ tuổi từ 18 - 35, có thể chỉ là một sinh viên năm thứ nhất hoặc cũng có thể là người đã đi làm được 5, 10 năm.
Giá nhà đắt đỏ khiến cho sở hữu một ngôi nhà ở Mỹ là không dễ. (Nguồn: Yahoo News) |
Bằng cấp là tiền đề của thu nhập
Không có luật nào bắt buộc bạn phải có bằng Đại học mới có thể sở hữu một ngôi nhà. Nhưng việc có trình độ học vấn cao đang dần dần trở thành một yêu cầu, một tiền đề cho việc có nhà ở Mỹ.
Thu nhập của các hộ gia đình tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này đang ngày càng có liên quan chặt chẽ đến trình độ học vấn, do đó, cũng liên quan đến khả năng sở hữu nhà. Những người có học vấn thấp, việc làm không ổn định và thu nhập thấp càng khó có khả năng sở hữu nhà ở Mỹ. Điều này phần nào ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở Mỹ hiện nay - khi nó vẫn chậm phát triển, bất chấp sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế.
First American, một công ty chuyên cung cấp bảo hiểm đã tiến hành cuộc nghiên cứu, khảo sát tỷ lệ sở hữu nhà và các yếu tố nhân khẩu học và kinh tế có liên quan. Ông Mark Fleming, chuyên gia kinh tế chính của công ty, cho biết rằng sự khác biệt trong tình trạng giáo dục của mỗi người được phản ánh rõ rệt qua thị trường nhà ở. "Trình độ học vấn càng cao thì người ta càng có nhiều khả năng sở hữu nhà," ông nói.
Nghiên cứu của công ty đã so sánh hai nhóm dân cư khác nhau: nhóm những người không có học vấn và nhóm những người có bằng Đại học.
Năm 1990, sự khác biệt về tỷ lệ sở hữu nhà giữa những người không có bằng tốt nghiệp và những người có bằng Cử nhân hoặc bằng cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) là 15%. "Có học có hơn. Bây giờ, mọi thứ càng khác biệt. Khoảng cách giữa hai nhóm vào năm 2015 đã là 28%", ông Fleming nói.
Một đôi bạn trẻ ngắm nghía căn nhà lưu động rẻ tiền, một giải pháp cho sinh viên và những người thu nhập thấp. (Nguồn: The Atlantic) |
Một báo cáo của Trung tâm nghiên cứu thị trường và xã hội Pew ở New York đã giải thích khoảng cách này. Thu nhập hàng tháng trung bình của những người trẻ tuổi có bằng Đại học đã tăng 13% từ năm 1984 đến 2009. Những người có trình độ thạc sĩ thường có công việc tốt hơn và thu nhập của họ cũng cao hơn. Nhưng những người không có bằng Đại học (chỉ có bằng tốt nghiệp Trung học hoặc không) thì thu nhập trung bình hàng tháng của họ đã sụt giảm đều từ năm 1984 đến năm 2009.
"Cánh cửa" cơ hội đang hẹp lại
Do nhiều người thuộc thế hệ Millenials có nhiều tham vọng học hành, nhiều người quyết định không mua nhà và lập gia đình vội. Họ dành thời gian cho việc học tập, và đi du lịch, tới các nước trên thế giới để mở mang tầm mắt, thu thập kinh nghiệm cuộc sống, thay vì vay tiền ngân hàng để mua nhà và sau đó đi làm “kéo cày trả nợ” cho khoản vay.
"Bạn có rất ít khả năng mua nhà và trả nợ khi còn đang bận ngồi trên giảng đường", ông Fleming nhận định.
Việc mua nhà ở Mỹ được hỗ trợ tối đa từ hệ thống thông tin và dịch vụ. Bạn có thể tìm thông tin rao bán nhà đất trên báo và trên những trang web bất động sản, sau đó chỉ cần một cú điện thoại là có thể sắp một lịch hẹn với người môi giới. Mọi chuyện khá dễ dàng và không tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, làm thế nào có đủ tiền để mua nhà lại là chuyện hoàn toàn khác.
Có thể nói, việc có bằng Đại học hay không có thể trở thành một trong những "nguy cơ" đối với các Millennials ở Mỹ: "Tốt nghiệp Đại học có nghĩa là trong tương lai bạn có hy vọng sở hữu nhà. Còn nếu ngược lại, có thể cơ hội ấy sẽ càng xa vời", ông Fleming kết luận.