Các rào cản thương mại trong Báo cáo được phân loại theo 11 tiêu chí, gồm: các chính sách nhập khẩu, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh, trợ cấp, mua sắm chính phủ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, các rào cản dịch vụ, các rào cản về thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử, các rào cản đầu tư, cạnh tranh và các rào cản khác. Báo cáo đề cập 59 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ cùng với khu vực EU, Liên đoàn Arab, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Về tổng quan thương mại với Việt Nam, Báo cáo nhắc đến việc Mỹ thâm hụt thương mại hàng hóa 55,8 tỷ USD trong năm 2019 với Việt Nam, tăng 41,3% so với năm 2018. Cũng trong năm này, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 27 của Mỹ, với xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam tăng 12,5% và nhập khẩu từ Việt Nam tăng 35,6%. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ sang Việt Nam là 2,5 tỷ USD và nhập khẩu dịch vụ từ Việt Nam là 1,3 tỷ USD, Mỹ thặng dư 1,2 tỷ USD với Việt Nam.
Về mặt tích cực, trong phần thông tin kèm theo báo cáo về các tiến triển quan trọng trong việc dỡ bỏ các rào cản đối với xuất khẩu của Mỹ trên toàn cầu có đề cập việc Việt Nam hủy bỏ Nghị định kiểm tra ô tô theo lô và thay thế bằng việc kiểm tra theo chủng loại, góp phần thúc đẩy nhập khẩu ô tô được sản xuất tại Mỹ.
Trong phần thông tin kèm theo về các tiêu chuẩn vệ sinh có đề cập việc Việt Nam mở cửa thị trường cho cam của Mỹ, với sự kiện ngày 1/10/2019, hai nước đạt thỏa thuận về các điều kiện về vệ sinh cho cam Mỹ được nhập khẩu vào Việt Nam. Ngoài ra, báo cáo ghi nhận việc Nghị định số 54/2017 cho phép công ty dược phẩm nước ngoài thành lập thực thể nhập khẩu tại Việt Nam.
Về mặt chưa tích cực, báo cáo nêu một số quan ngại của Mỹ về thương mại điện tử, về các yêu cầu địa phương hóa dữ liệu, việc hàng hóa nông nghiệp và thực phẩm của Mỹ tiếp tục chịu mức thuế cao hơn so với mức thuế trung bình 15% Việt Nam áp dụng với phần lớn hàng hóa Mỹ.
Báo cáo cũng nhắc các quan ngại khác của Mỹ về vấn đề nông nghiệp như Luật Chăn nuôi, Luật An toàn thực phẩm của Việt Nam, các nhà xuất khẩu của Mỹ chưa được tiếp cận với mua sắm chính phủ của Việt Nam, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi 2019 của báo cáo đặc biệt 301 về bảo vệ sở hữu trí tuệ.