Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 5/3. (Nguồn: AP) |
Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị Triều Tiên dừng ngay lập tức những hành động như vậy.
Trong khi đó, theo phía Mỹ, không giống như các vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hồi 2017, hai vụ phóng mới này không thể hiện “năng lực hoặc tầm bắn của ICBM”.
Thay vào đó, các tên lửa được bắn theo quỹ đạo “bổng”, cho phép Bình Nhưỡng thử nghiệm được năng lực của tên lửa những vẫn đảm bảo điểm rơi xuống cách Nhật Bản một cự ly nhất định.
Mỹ dự báo Triều Tiên sẽ bắn thử hệ thống ICBM mới với cự ly bắn đầy đủ trong thời gian tới, ngụy trang như một vụ phóng tên lửa vũ trụ.
Theo Washington, việc đưa ra kết luận trên dựa vào cơ sở “phân tích kỹ” của Mỹ cũng như phối hợp với đánh giá từ phía các đồng minh thân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nhấn mạnh, Washington sẽ phản ứng bằng cách hành động khẩn trương nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí, đồng thời cũng để ngỏ đối thoại với Triều Tiên hướng tới phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, cùng ngày, Phó đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Jung Pak tuyên bố, nước này phản đối việc giảm hoặc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong bối cảnh Bình Nhưỡng tiếp tục nâng cao năng lực hạt nhân và tên lửa của mình.
Bà Pak cũng lưu ý rằng, Mỹ vẫn cởi mở đối thoại với Triều Tiên, nhưng sẽ không nhượng bộ hoặc im lặng chỉ để lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 11/3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhà lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi mở rộng khu vực thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành một cơ sở "tối tân và tiên tiến", qua đó đưa quốc gia Đông Bắc Á này trở thành một cường quốc về không gian vũ trụ.