📞

Mỹ hết thời 'mật ngọt' trong chính sách với Trung Quốc ở Biển Đông, hàm ý nào cho ASEAN?

Hồng Phúc 10:14 | 23/08/2020
TGVN. Mỹ thay đổi cách tiếp cận đối với các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là do các chiến thuật gây hấn và bắt nạt liên tục của Trung Quốc đối với các nước láng giềng nhằm thiết lập quyền kiểm soát toàn diện ở khu vực này.
Lần đầu tiên Mỹ tuyên bố rằng Washington đang điều chỉnh quan điểm của mình đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông theo hướng ủng hộ phán quyết của PCA năm 2016. (Nguồn: Getty)

Dấu chấm hết của chính sách "mềm mỏng"

Mỹ tuyên bố rằng chính sách “mềm mỏng” của họ đối với Trung Quốc đã kết thúc. Ngày 13/7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực này.

Ngoài việc bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi ở hầu hết khu vực Biển Đông và coi những yêu sách này là “hoàn toàn phi pháp”, điều đáng nói là lần đầu tiên Mỹ tuyên bố rằng Washington đang điều chỉnh quan điểm của mình đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông theo hướng ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016.

Tiếp đó, trên Twitter, ông Pompeo đã kêu gọi các quốc gia tự do hành động để kiềm chế Trung Quốc, ngăn không cho Bắc Kinh xâm chiếm nhiều lãnh thổ hơn. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định rằng Biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung Quốc.

Ngày 23/7, ông Pompeo đã chỉ ra bản chất dối trá của giới lãnh đạo Trung Quốc, kêu gọi các nước khác “không nên tin vào những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói mà hãy nhìn vào những gì họ làm”. Điều này đã khiến Mỹ thay đổi chính sách của mình từ “tin tưởng nhưng cần kiểm chứng” sang “không tin tưởng và không cần kiểm chứng”.

Cho rằng thách thức từ Trung Quốc đòi hỏi sự nỗ lực của các nền dân chủ ở châu Âu, châu Phi, Nam Mỹ và đặc biệt là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại rằng sức mạnh kinh tế, ngoại giao và quân sự tổng hợp của Liên hợp quốc (LHQ), NATO, G7 và G20 có thể giải quyết được thách thức này nếu được định hướng đúng đắn.

Ông cũng kêu gọi các quốc gia có cùng chí hướng thành lập một liên minh mới. Ngay sau đó, Mỹ đã triển khai tàu sân bay ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm kiềm chế thái độ hung hăng của Trung Quốc.

Đáng chú ý, tại cuộc tham vấn cấp bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng lần thứ 30 giữa Mỹ và Australia, hai bên đã tái khẳng định Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm của liên minh này và rằng Mỹ và Australia nên làm việc cùng nhau, cùng với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác của Liên minh tình báo “Five Eyes”, để củng cố cấu trúc liên kết của các đồng minh và đối tác nhằm duy trì một khu vực an toàn, thịnh vượng, toàn diện và dựa trên luật pháp.

Họ cũng đã bác bỏ yêu sách của cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc và tái khẳng định vai trò của Đài Loan ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Động thái này phản ánh sự phản đối ngày càng gia tăng đối với hành vi phi pháp của Trung Quốc.

Những khía cạnh cần lưu ý

Về bản chất, cách tiếp cận thay đổi của Mỹ có 4 khía cạnh quan trọng.

Thứ nhất, mặc dù Mỹ chưa tuyên bố bất kỳ điều gì về các tranh chấp lãnh thổ, Washington chắc chắn đã có quan điểm về các tranh chấp hàng hải về quyền đối với các vùng biển và đáy biển, điều này rất quan trọng đối với các quốc gia duyên hải.

Thứ hai, Mỹ hiện kiên quyết ủng hộ phán quyết của PCA năm 2016 vốn vô hiệu hóa yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc.

Thứ ba, các thực thể như Đá Vành Khăn, Bãi Cỏ Mây và Bãi Cỏ Rong vốn là các đảo chìm tự nhiên nên các bên không thể tuyên bố chủ quyền. Mỹ sẽ đưa các thực thể khác như cụm bãi cạn Luconia, bãi cạn James ngoài khơi Malaysia, và Bãi Tư Chính ngoài khơi Việt Nam vào diện này.

Thứ tư, lần này Mỹ rõ ràng đã chỉ đích danh những hành động của Trung Quốc là “phi pháp”, trong khi trước đó Washington chỉ dùng những thuật ngữ như “gây bất ổn” hoặc “gây hấn”.

Mặc dù sự thay đổi trong chính sách của Mỹ về lâu dài sẽ có tác động khiến Trung Quốc phải trả giá và thu hút sự ủng hộ của các đồng minh và đối tác, nhưng trước mắt cần lưu ý đến 3 điểm sau:

Thứ nhất, trong tương lai, có thể mong đợi một phản ứng ngoại giao mạnh mẽ hơn từ Mỹ lên án các hành vi xâm phạm trái phép của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc quấy rối hoạt động khoan dầu và đánh bắt cá của nước khác.

Thứ hai, Mỹ giờ đây sẽ đưa các hành vi bất hợp pháp ra trước các diễn đàn quốc tế, không còn giới hạn ở Hội nghị cấp cao Đông Á nữa, mà sẽ nêu vấn đề tại các hội nghị LHQ, G7 và G20…

Thứ ba, Mỹ cũng có thể thực hiện nhiều bước đi hơn nữa để gây thiệt hại kinh tế cho Trung Quốc. Bằng cách tuyên bố một số hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, Mỹ đã tự trang bị cho mình lời biện minh cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một số công ty và tổ chức Trung Quốc thực hiện các hoạt động trên.

Mục tiêu của Washington là thay đổi hành vi của Bắc Kinh và vì điều này, họ cần các nước khác ủng hộ. Trong ngắn hạn, căng thẳng có thể leo thang do thực tế là Trung Quốc, nước phải làm hài lòng người dân trong nước vốn khó chịu trước sự bất bình đẳng và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sẽ sử dụng chính sách ngoại giao chiến lang.

Điều này được thể hiện trong bối cảnh của tiến trình giảm leo thang căng thẳng ở biên giới Ấn Độ-Tây Tạng. Các nhà ngoại giao Trung Quốc tự mãn cho rằng Bắc Kinh chỉ đang bảo vệ chủ quyền, còn Ấn Độ mới là bên gây hấn.

Cơ hội và trách nhiệm của ASEAN

Trong khi tình hình trên mở ra cơ hội cho ASEAN và Chủ tịch của ASEAN là Việt Nam để đưa ra các động thái phù hợp nhằm bảo vệ lợi ích của mình, thì điều đó cũng đặt ra cho họ một trách nhiệm nặng nề.

Trước tiên, ASEAN cần đưa ra trước các cơ quan quốc tế như LHQ, EU… những hành động và yêu sách phi lý của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn và điều chỉnh các động thái chiến lược của mình. Cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, điều này tạo cơ hội gây sức ép buộc Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có ràng buộc về mặt pháp lý và tuân thủ phán quyết của PCA.

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã đưa ra tiến trình các cuộc họp giữa LHQ và ASEAN, và cơ chế này nên được thực hiện lâu dài. Các cơ chế tương tự cũng nên được thiết lập với các tổ chức quốc tế khác.

Thứ hai, cộng đồng quốc tế giờ đây sẽ sẵn lòng giúp đỡ các nước ASEAN xây dựng năng lực quân sự. Đây là cơ hội cho các quốc gia ven biển để tăng cường năng lực quân sự bằng cách mua vũ khí và công nghệ hiện đại. Việt Nam có thể xúc tiến mua lại công nghệ quốc phòng và tên lửa như BrahMos từ Ấn Độ vì cả hai đều là đối tác chiến lược.

Ngoài ra, các nước ASEAN có thể được khuyến khích tham gia tập trận hải quân với Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Hoạt động của Nhóm Bộ Tứ Mở rộng, có thể bao gồm cả ASEAN và Hàn Quốc, sẽ giúp kiềm chế Trung Quốc và củng cố nỗ lực duy trì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên luật pháp và chuẩn mực quốc tế.

Thứ ba, Chủ tịch ASEAN không nên để bất kỳ thành viên nào bị Trung Quốc ép buộc. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn khi Trung Quốc đang sử dụng mọi thủ đoạn để lôi kéo những người có ảnh hưởng ở các nước yếu kém về kinh tế. Tuy nhiên, khi các nước thành viên ASEAN nhận ra cái giá phải trả cho việc đi theo và rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc, người ra hy vọng rằng tình hình tương tự mà Trung Quốc tạo ra trong năm 2012 sẽ không lặp lại.

Thứ tư, cần đập tan nỗ lực của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách lịch sử của “Đường 9 đoạn”. Đây chỉ là những lập luận tùy tiện mà Trung Quốc đưa ra với hy vọng ngày nào đó sẽ được cộng đồng quốc tế chấp nhận.

ASEAN cần đạt được một thỏa thuận rằng các quốc gia thành viên phải thể hiện Biển Đông như một khu vực chung trên bản đồ chính thức của mỗi nước. Nếu các thành viên ASEAN có thể đồng thuận về một danh từ chung phù hợp cho Biển Đông, chẳng hạn như Biển Đông Nam Á, thì điều đó sẽ tốt hơn nhiều.

Thứ năm, ASEAN cũng có thể áp đặt chi phí kinh tế lên Trung Quốc bằng cách giảm sự phụ thuôc vào hàng hóa Trung Quốc. Một số doanh nghiệp đang rời khỏi Trung Quốc, khiến chuỗi cung ứng của Trung Quốc đại lục và Hong Kong bị gián đoạn. Điều này đem lại cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam, nước đã làm tốt hơn Trung Quốc về kinh tế trong năm nay. Những công ty này nên được cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để chuyển khỏi Trung Quốc và đảm bảo việc nới lỏng các quy định nếu được yêu cầu. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất ở Đông Nam Á.

Trong hoạt động kinh tế, Ấn Độ và Việt Nam có thể làm việc như những đối tác để tăng cường chuỗi cung ứng. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại di động và linh kiện, máy móc, máy tính và phần cứng điện tử, cao su tự nhiên, hóa chất và cà phê; các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm thịt và các sản phẩm thủy sản, ngô, thép, dược phẩm, bông và máy móc. Việt Nam cũng đang xuất khẩu gạo chất lượng cao sang các nước khác. Vì những mặt hàng này có nhu cầu lớn ở châu Phi, Tây Á và châu Âu, một sự kết nối được cải thiện có thể thúc đẩy đáng kể giao thương của Việt Nam với các thị trường nói trên.

(theo Times of India)