📞

Mỹ-Iran và hồ sơ hạt nhân Iran: Ánh sáng cuối đường hầm

Dịch Dung 08:47 | 28/04/2021
Mâu thuẫn và xung khắc Mỹ-Iran rồi sẽ thế nào dưới thời của Tổng thống Biden? Số phận của JCPOA và vấn đề hạt nhân Iran đang được thương thuyết ra sao, liệu có triển vọng lạc quan? Báo Thế giới & Việt Nam phân tích.
Mâu thuẫn và xung khắc Mỹ-Iran sẽ thế nào dưới thời của Tổng thống Biden? (Nguồn: Getty Images)

BÌNH LUẬN CỦA BÁO THẾ GIỚI & VIỆT NAM

Trong những ngày này, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump không cay đắng thì cũng không thể không ngậm ngùi khi rất nhiều quyết sách cầm quyền của mình bị người kế nhiệm, ông Joe Biden, lật ngược, huỷ bỏ hoặc vô hiệu hoá. Thoả thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) là một trong số ấy.

Số phận của JCPOA từ thời ông Trump đến Biden

Thoả thuận này được ký kết hồi mùa hè năm 2015 giữa Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Ông Biden thời ấy là Phó Tổng thống Mỹ và Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama, người tiền nhiệm của ông Trump. JCPOA được nhìn nhận chung là một trong những thành tựu đối ngoại nổi bật nhất của cặp bài trùng Obama/Biden.

Ông Trump coi JCPOA là một trong những thoả thuận tồi tệ nhất đối với nước Mỹ mà nước Mỹ đã từng ký kết từ trước tới nay với các đối tác bên ngoài. Năm 2018, người này đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran.

Vấn đề khó đối với hai bên là trở lại JCPOA như thế nào để không bị tổn hại thể diện và bên này bị coi là yếu thế hay thất thế trước bên kia.

Trong thời ông Trump cầm quyền, phía Mỹ không những chỉ áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở giai đoạn trước khi có JCPOA mà còn hơn thế nữa về phạm vi và mức độ. Cũng ở thời ông Trump, nước Mỹ và Iran tiến hành mấy lần tấn công nhau bằng quân sự gây thiệt hại cho nhau.

Vậy mà trong không đầy 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã thực thi đường lối chính sách khác hẳn mà một trong những cái đích được hướng đến là làm sống lại JCPOA, đồng nghĩa với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Iran.

Ông Trump chủ trương huỷ bỏ JCPOA và gây "áp lực tối đa" đối với Iran để buộc Iran phải đàm phán và ký kết thoả thuận mới với Mỹ bao hàm cả giải pháp cho vấn đề hạt nhân lẫn cho vấn đề tên lửa của Iran cũng như buộc Iran phải quan hệ hữu hảo với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Còn ông Biden chủ trương khôi phục JCPOA và rồi trên nền tảng ấy xử lý những vấn đề tồn đọng khác trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Tóm bồ câu trên mái nhà hay nắm trong tay con chim sẻ?

Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ vì thế tạo cơ hội cho JCPOA không bị khai tử. Nó sẽ bị khai tử và trên thực tế đang trên con đường dần bị khai tử bởi sau khi ông Trump quyết định như vậy với JCPOA và hành xử như vậy với Iran thì phía Iran buộc phải dần từ bỏ những cam kết trong JCPOA. Iran và chính quyền của ông Biden gặp nhau ở cùng mong muốn khôi phục JCPOA bởi có cùng nhận thức là có JCPOA vẫn có lợi cho Mỹ và Iran hơn là không có.

Nhờ JCPOA, Iran thoát ra khỏi tình trạng bị trừng phạt và Mỹ kìm hãm cũng như kiểm soát được chương trình hạt nhân của Iran sau khi mọi biện pháp khác đã được áp dụng đều thất bại. Ông Trump chủ trương bỏ cái đã có được để nhằm tới cái lớn hơn trong sự tù mù là không biết rồi có thể đạt được cái đấy hay không. Còn ông Biden xem ra tiếp cận theo cách chừng nào chưa tóm được con chim bồ câu trên mái nhà thì vẫn giữ chắc con chim sẻ trong tay.

Vấn đề khó đối với hai bên là trở lại JCPOA như thế nào để không bị tổn hại thể diện và bên này bị coi là yếu thế hay thất thế trước bên kia. Cho nên bên nào cũng đưa ra điều kiện tiên quyết để trang trải mọi nhu cầu về đối nội cũng như đối ngoại.

Những cuộc thương thảo gián tiếp giữa hai bên tại Thủ đô Vienna của Áo với vai trò trung gian của Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức được hai bên chấp nhận vì là khuôn khổ diễn đàn rất thích hợp để họ nhượng bộ và thoả hiệp lẫn nhau mà không còn bị khó xử về đối nội cũng như đối ngoại.

Cho đến nay, tiến trình thương thảo này tiến triển khá thuận lợi và kết quả đạt được rất tích cực. Nội dung thương thảo chắc chắn còn vượt quá khuôn khổ vấn đề làm sống lại JCPOA. Iran đưa vào hoạt động những cơ sở hạt nhân mới và làm giàu Uranium lên tới 60% nhưng cũng chỉ để tăng thế và tạo con bài cho khi đi vào thoả thuận với Mỹ.

Phía Mỹ đồng ý gỡ bỏ hết mọi biện pháp trừng phạt theo cam kết trong JCPOA nhưng vẫn giữ một số biện pháp mà ông Trump đã áp dụng cũng nhằm cùng mục đích như Iran. Cho việc giải cứu JCPOA, ánh sáng hiện đã le lói ở phía cuối đường hầm đối với 7 bên ký kết Thoả thuận này hồi 2015.

Trong không đầy 100 ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã thực thi đường lối chính sách khác hẳn mà một trong những cái đích được hướng đến là làm sống lại JCPOA, đồng nghĩa với việc cải thiện quan hệ Mỹ-Iran.

Ở phía cuối con đường

Nhưng đoạn đường hiện các bên còn cùng nhau phải đi tới ánh sáng đấy vẫn còn không ngắn. Họ vẫn phải chờ bởi điều kiện có thể đã nhưng thời điểm chưa thật chín muồi cho việc Mỹ và Iran công bố đạt được thoả thuận với nhau.

Mức độ không tin lẫn nhau vẫn còn quá lớn trong khi chính quyền của ông Biden vẫn còn rất non trẻ và ở Iran lại sắp có cuộc bầu cử tổng thống mới. Iran còn cần thêm thời gian để thẩm định thiện chí và thật ý của ông Biden và cộng sự.

Phía Mỹ còn chờ kết quả bầu cử tổng thống tới ở Iran để chắc chắn Iran ổn định chính trị đến mức độ nào. Tổng thống Iran đương nhiệm Hassan Rouhani không thể tái ứng cử được nữa và người kế nhiệm thuộc phe ôn hoà hay phái bảo thủ chính thống sẽ quyết định JCPOA nếu được hồi phục sẽ được thực thi như thế nào.

Chừng nào hai bên chưa đạt được thoả thuận, chừng đó phía Mỹ sẽ không làm găng thêm với Iran mà sẽ nỗ lực duy trì thương thảo. Cho tới ngày bầu cử tổng thống ở Iran, phía Iran cũng sẽ không làm găng với Mỹ và không sa vào bẫy của ai đó khác trong khu vực theo kiểu ném đá dấu tay nhằm khích đẩy Mỹ và Iran gia tăng xung khắc và đối địch với nhau.

Điều ngoài ra còn có thể dự liệu được là JCPOA không những nhiều khả năng được giải cứu mà còn được bổ sung bằng cách và với hình thức nào đấy để đảm bảo phía Mỹ từ nay không thể dễ dàng đơn phương lật ngược nó như ông Trump đã làm hồi năm 2018 và để phía Iran rồi đây chấp nhận thương thảo với các đối tác kia về cả chương trình tên lửa của Iran.