Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ông H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Donald Trump, và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan-jin đã tái củng cố lập trường trên trong một cuộc điện đàm. Ông McMaster khẳng định liên minh Mỹ - Hàn là ưu tiên hàng đầu của Washington tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Được biết, phía Mỹ đã chủ động đề nghị tiến hành cuộc trao đổi trên.
Chính phủ Hàn Quốc cung cấp địa điểm và các phương tiện hỗ trợ, trong khi Mỹ chịu phần chi phí triển khai, vận hành và bảo trì THAAD. (Nguồn: The National Interest) |
Trước đó, ngày 27/4, trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters (Anh), Tổng thống Trump tuyên bố ông muốn Hàn Quốc chi trả cho việc triển khai hệ thống phòng thủ trị giá 1 tỷ USD và đã thông báo với chính quyền Seoul về việc này. Người đứng đầu Nhà Trắng đặt ra câu hỏi tại sao nước Mỹ lại phải chịu phí tổn cho một hệ thống phòng thủ đặt tại Hàn Quốc để bảo vệ quốc gia châu Á này trước mối đe dọa tấn công từ Triều Tiên. Phản ứng sau phát biểu của ông Trump, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định "không có sự thay đổi trong lập trường của Hàn Quốc và Mỹ" về việc triển khai THAAD theo Thỏa thuận đóng quân Mỹ - Hàn (SOFA).
THAAD gồm 6 bệ phóng di động, 48 thiết bị đánh chặn, 1 radar AN/TPY-2 và bộ phận kiểm soát hỏa lực và thông tin liên lạc. THAAD có khả năng đánh chặn và phá hủy tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung trong giai đoạn cuối cùng của hành trình bay.
Cũng trong ngày 27/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo tất cả trang thiết bị cần thiết cho việc lắp đặt THAAD đã được vận chuyển tới khu vực triển khai ở nước này và THAAD có thể sẵn sàng hoạt động sau khi việc lắp đặt hoàn tất. Tuy nhiên, quân đội Mỹ - Hàn không muốn thảo luận công khai về quá trình triển khai do các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc đang thảo luận về việc nên tiếp tục việc này hay lùi lại cho tới sau cuộc bầu cử vào ngày 9/5 tới.