Máy bay do thám RC-135W Rivet Joint của Không lực Mỹ. (Nguồn: Planes Potters) |
Hãng theo dõi hoạt động hàng không Aircraft Spots cho biết, máy bay do thám RC-135W Rivet Joint của Không lực Mỹ đã xuất hiện trên bầu trời tỉnh Gyeonggi, gần Thủ đô Seoul. Loại máy bay này thường xuyên xuất hiện trong không phận này, với chuyến bay mới đây nhất vào cuối tháng 2 vừa qua, cùng với một máy bay do thám khác.
Trước đó ngày 2/3, Triều Tiên đã phóng 2 vật thể bay từ thành phố duyên hải Wonsan ở phía Đông tới biển Nhật Bản, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Các vật thể này đã bay khoảng 240 km, đạt độ cao tối đa khoảng 35 km so với mặt biển.
Đây là vụ phóng thử đầu tiên như vậy của Bình Nhưỡng kể từ ngày 28/11/2019 khi nước này phóng 2 tên lửa, được cho là từ một bệ phóng đa tên lửa siêu lớn. Theo các chuyên gia, những hình ảnh công bố cho thấy những vật thể bay lần này giống những vật thể Triều Tiên đã phóng hôm 28/11, là một bệ phóng rocket đa nòng siêu lớn sau khi rút ngắn thời gian bắn trong triển khai tác chiến.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ thử thứ 5 của hệ thống này vì Triều Tiên trước đó cũng sử dụng loại vũ khí này trong các cuộc thử nghiệm hôm 24/8, 10/9 và 31/10/2019.
Bệ phóng siêu lớn này được cho là có ống phóng cỡ 600 mm và sử dụng một phương tiện chuyên chở ống phóng thẳng đứng (TEL).
Các chuyên gia lưu ý rằng, các giai đoạn tạm ngừng phóng đã giảm trong các lần phóng. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc, khoảng thời gian giữa 2 lần phóng là 20 giây trong lần phóng mới nhất này, so với 17 phút ở lần thử nghiệm ban đầu, 19 phút ở lần thứ nghiệm thứ 2, 3 phút ở lần thử nghiệm thứ 3 và 30 giây ở lần thử nghiệm thứ 4.
Ông Shin Jong-woo, chuyên gia cấp cao ở Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận định: "Vụ thử mới nhất là nhằm kiểm tra hệ thống phóng liên tục của bệ phóng. Thời gian tạm ngừng hoạt động ngắn hơn, hiện là 20 giây, có nghĩa Triều Tiên đã đạt được những khả năng tiên tiến trong việc phát động các vụ tấn công bất ngờ và đó là điều mà ông Kim Jong-un yêu cầu".
Hệ thống phóng rocket đa nòng siêu lớn được cho là có tầm bắn tối đa khoảng 400 km, khiến phần lớn các khu vực của Hàn Quốc nằm trong phạm vi tấn công của vũ khí này.
Giáo sư Kim Dong-yup thuộc Viện nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam dự đoán: "Giờ đây, hệ thống phóng này đã được chứng minh là phóng thành công 2 lần, coi như Triều Tiên gần như có thể sẵn sàng triển khai hệ thống phóng này".