📞

Mỹ Latinh hướng về đâu?

11:00 | 15/07/2016
Tình trạng kinh tế “dẫm chân” tại chỗ của các nước Mỹ Latinh và khu vực Caribbean được gọi là “sa vào bẫy thu nhập trung bình”.

Điều nguy hiểm là tình trạng này ở hầu hết các nước đều kéo dài ít nhất trên 40 năm. Chính sách kinh tế không nhất quán, không phù hợp với tình hình kinh tế thế giới, khu vực và định hướng đối ngoại là một trong những lý do dẫn đến sự tụt hậu này.

Các đối tác “nặng ký”

Từng được coi là “sân sau” của Mỹ, giờ đây, khu vực Nam Mỹ và Caribbean trở thành nơi cạnh tranh của các đại gia khác như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ… Sau những thành công trong tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục siết chặt hợp tác kinh tế với Mỹ Latinh và Caribbean khi quyết định tái khởi động các cuộc đàm phán về Hiệp định tự do thương mại (FTA) với khối Thị trường chung Nam Mỹ (MECOSUR). Trước đó, nhân Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2014 tổ chức ở Brazil, Tổng thống Nga Putin đã tới thăm các nước trong khu vực và ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác song phương về kinh tế, khoa học kỹ thuật và năng lượng. Thủ tướng Nhật Bản Abe cũng đã có chuyến công du 11 ngày tới khu vực này và trọng tâm hợp tác kinh tế không nằm ngoài chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các đối tác nặng ký nhất của khu vực này vẫn là Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ đang trở lại

Sau một thời gian xao nhãng “sân sau”, Mỹ nhận thức được sự yếu thế trước đòn tấn công của các nước lớn khác, nhất là từ Trung Quốc. Khi nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2009, ông Barack Obama khẳng định đã đến lúc cần phát triển một mối quan hệ bình đẳng, thừa nhận vai trò của Mỹ Latinh, thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại làm đòn bẩy.

Mỹ Latinh bị “sa vào bẫy thu nhập trung bình. (Nguồn: Dailymail).

Các công ty Mỹ hiện vẫn nằm trong số những nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực này và trong tổng số 20 FTA mà Mỹ đã ký kết trên toàn thế giới, có 11 FTA với Mỹ Latinh. Dù giao thương giữa Trung Quốc và khu vực này đang tăng mạnh và được dự báo sẽ thay thế dần vị trí của EU và Mỹ, nhưng trong ngắn hạn, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và toàn bộ khu vực Mỹ Latinh vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo.

Trong việc gây dựng ảnh hưởng, Washington có một lợi thế mà không đối thủ nào có được, đó là vị trí địa ­ chính trị. Việc Peru, Chile tham gia Hiệp định TPP, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba… và những chuyển biến của phong trào cánh tả ở khu vực này sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ Mỹ - Mỹ Latinh. Giới phân tích dự đoán, về lâu dài, Mỹ đang cân nhắc đưa Argentina trở thành thành viên của TPP. Có người lại cho rằng, không loại trừ khả năng Mỹ sẽ thiết lập trục quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Argentina, để biến nước này chứ không phải Brazil thành đối tác then chốt trong khu vực và đưa Argentina thành thủ lĩnh ở Nam Mỹ. 

Trước đây, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Mỹ Latinh được duy trì nhờ nhiều yếu tố như nguồn tài chính của Venezuela, sự bất mãn của dân chúng với các chế độ độc tài cực hữu có định hướng dựa vào Mỹ và một phần do Mỹ quan tâm nhiều hơn tới các khu vực khác. Hiện nay, hầu như tất cả các yếu tố này đều không còn. 

Thập kỷ Mỹ Latinh - Trung Quốc

Hiện đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào khu vực Mỹ Latinh cao hơn nhiều nơi khác ngoài châu Á. Hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã thâm nhập mạnh mẽ vào hàng loạt nước như Brazil, Venezuela, Argentina, Chile, Peru, Mexico và Cuba… Trung Quốc hiện đã nâng cấp quan hệ với Venezuela và Argentina lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Riêng ở một số nước như Brazil, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất.

Tuy nhiên, trọng tâm trong quan hệ Trung Quốc- Mỹ Latinh vẫn là kinh tế và thương mại. Trung Quốc tỏ ra thực dụng hơn cả Mỹ bởi nơi đây có nhiều thứ cần thiết cho mình. Trước tiên là nguồn dầu mỏ và khoáng sản, đặc biệt là quặng sắt, đồng… Thứ hai, Trung Quốc nhập nhiều nông sản của Mỹ Latinh - khu vực đất đai màu mỡ và lợi thế về nông nghiệp. Mỹ Latinh trở thành địa bàn chiến lược bảo đảm cả an ninh năng lượng và lương thực, cung cấp nguyên nhiên liệu cho Trung Quốc và là thị trường tiêu thụ quan trọng. Hàng Trung Quốc tràn ngập Mỹ Latinh như ở châu Phi.

Cũng giống ở châu Phi, Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào hạ tầng vận tải, công nghiệp khai khoáng và nông nghiệp - những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho việc nhập nguyên nhiên liệu. Trung Quốc còn cung cấp tàu chở dầu, hoặc trợ giúp Venezuela đóng tàu chở dầu. Trung Quốc cũng đang khẩn trương xúc tiến xây dựng hệ thống đường sắt trong nội bộ Mỹ Latinh và nối bờ Đông (ven Đại Tây Dương) và bờ Tây (ven Thái Bình Dương) của châu lục, thỏa thuận xây kênh nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương với Nicaragua cho phép các tàu container cỡ lớn đi qua. Tuy nhiên, những dự án khổng lồ này đang gặp nhiều trở ngại.

Trong danh mục đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ Latinh còn có viễn thông. Đặc biệt, hợp tác khoa học với Brazil về công nghệ vũ trụ, vệ tinh và chế tạo máy bay. Ngoài ra, nước này còn tham gia hoạt động cho vay, phục vụ chính công cuộc khai phá Mỹ Latinh. Không chỉ giúp Trung Quốc hưởng lợi kinh tế, đây còn là cách tạo hình ảnh đẹp trong mắt người Nam Mỹ đang thiếu vốn và khó khăn trong tiếp cận tín dụng. Một số nước bên bờ phá sản và bị phương Tây quay lưng cũng được Trung Quốc nhiệt tình hỗ trợ tài chính. Các khoản tài chính mà Trung Quốc cung cấp còn lớn hơn cả các khoản tín dụng và đầu tư mà Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ và Ngân hàng Xuất Nhập khẩu của Mỹ dành cho khu vực này gộp lại.

Trung Quốc có những lợi thế nhất định, nhất là trong lúc lực lượng cánh tả lên ngôi. Khi các nước Mỹ Latinh muốn giảm phụ thuộc vào Mỹ và EU, thì Trung Quốc trở thành một lựa chọn hợp lý để tái cân bằng. Thời điểm này cũng là lúc Mỹ còn mải bận rộn với nhiều mối quan tâm khác, có chút bỏ bê Mỹ Latinh. Tại một diễn đàn với Cộng đồng các Quốc gia Mỹ Latinh và Caribean (CELAC) - Chủ tịch Trung Quốc tỏ rõ mong muốn lập mốc trao đổi thương mại với 33 quốc gia trong khối đạt mức 500 tỷ USD trong thập niên này.

Dẫu vậy, vẫn có những chia rẽ nhất định trong nội bộ Mỹ Latinh về cách nhìn nhận Trung Quốc. Không ít người nghi ngờ vai trò của Trung Quốc, e sợ trở thành một châu Phi thứ hai. Việc tập trung khai thác, xuất khẩu nguyên nhiêu liệu có giá trị thấp sang Trung Quốc khiến cơ cấu kinh tế của các nước Mỹ Latinh lạc hậu, ô nhiễm và công nghiệp khó phát triển…

Mỹ Latinh có vẻ vẫn đang ở ngã ba đường…