Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria chẳng khác gì dọn đường mở lối cho Thổ Nhĩ Kỳ. Minh họa của Wall Street Journal. |
Sự việc không bất ngờ nhưng vẫn khiến những bên không mong chờ hay phản đối nó bị bối rối và những ai mong đợi nó vẫn không tránh khỏi khó xử. Điều hiện có thể chắc chắn được nhất là, việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria sẽ làm thay đổi rất cơ bản tương quan thế và lực giữa các bên liên quan tới và ở Syria cũng như cục diện chính trị, quân sự và an ninh ở xứ này cũng như nội dung giải pháp chính trị hoà bình cho Syria.
Người Kurd trước thế trận mới
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra quyết định này từ cách đây khá lâu nhưng việc triển khai thực hiện cụ thể thì bây giờ mới được bắt đầu. Khi xưa, người tiền nhiệm của ông Trump quyết định đưa quân đội Mỹ đến Syria với lý do tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở nước này, nhưng trong thực chất còn theo đuổi cả mục tiêu lật đổ thể chế và quyền lực của Tổng thống Syria Bashir al-Assad.
Vì thế, Mỹ sử dụng phe nổi dậy chống chính phủ ở Syria tập hợp trong liên minh Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) mà nòng cốt và có vai vế nổi trội hơn cả là lực lượng vũ trang YPG của người Kurd ở vùng miền bắc Syria giáp ranh với Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu như Nga không can dự trực tiếp về quân sự vào Syria năm 2015 thì rất có thể, Mỹ và đồng minh đã đạt được cả hai mục tiêu này rồi.
Người Kurd ở miền Bắc Syria và đặc biệt, lực lượng YPG là một trong những bất đồng quan điểm cơ bản và xung khắc lợi ích chiến lược giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng minh này của Mỹ ở Syria lại là đối tượng mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn triệt hạ bởi Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, YPG hậu thuẫn đảng PKK ở Thổ Nhĩ Kỳ bị chính quyền cấm và phải khống chế được YPG thì mới làm tiêu tan được ý chí của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Iraq và Iran là đấu tranh vì nhà nước độc lập có chủ quyền và lãnh thổ riêng cho người Kurd trong khu vực này, khôi phục nhà nước riêng vốn đã từng có trong quá khứ lịch sử. Vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng 2 lần đưa quân đội tràn sang Syria để tấn công lực lượng YPG.
Vì thế, việc Mỹ rút quân đội ra khỏi Syria chẳng khác gì không những chỉ đồng tình mà còn dọn đường mở lối cho Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ ba tiến hành những chiến dịch quân sự nhằm vào YPG ở Syria. Ngoài mục đích nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn tận dụng hành lang an ninh dài khoảng 480km và rộng 30km dọc biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria để hồi hương khoảng 2,5 triệu người Syria hiện đang tỵ nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Hành lang này và sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ tạo cho Ankara thế đứng thuận lợi hơn trước rất nhiều trong mọi chiều hướng diễn biến tình hình ở Syria. Phía Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ phải hạ thủ lưu tình với người Kurd ở Syria trong khi Nga không thể không phải cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được lợi dụng chuyện này gây bất lợi cho chính phủ Syria và làm tổn hại lợi ích chiến lược của Nga ở Syria.
Ít người mừng, nhiều kẻ lo
Mỹ rút quân ra khỏi Syria đồng nghĩa với việc sẽ suy giảm vai trò và ảnh hưởng trong giải pháp chính trị hoà bình cho Syria. Ông Trump quyết định như vậy bởi cho rằng, IS đã bị tiêu diệt, bởi cam kết vận động tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016 là chấm dứt các cuộc chiến tranh mà Mỹ đã phát động ở bên ngoài nước Mỹ và rút quân đội Mỹ ra khỏi đó, bởi có những mưu tính chiến lược khác nữa với Thổ Nhĩ Kỳ và bởi muốn tạo áp lực buộc các nước đồng minh và đối tác ở châu Âu phải đóng góp nhiều hơn về tài chính cũng như quân sự cho việc giải quyết các vấn đề ở Syria và liên quan đến Syria. Một khi buông rơi YPG ở Syria, ông Trump không những chỉ bất chấp mọi lo ngại của EU và NATO mà còn tận dụng triệt để chính sự lo ngại này.
EU và NATO lo ngại vì chỉ khi Mỹ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria thì mới bảo vệ được những lực lượng nổi dậy chống chính phủ ở Syria, ngăn ngừa Thổ Nhĩ Kỳ thanh trừng người Kurd ở Syria, không phó mặc cho Nga và Iran cùng với Thổ Nhĩ Kỳ tự dàn xếp chuyện giải pháp chính trị cho Syria và chia phần ở thời hậu chiến tại Syria, làm bàn đạp mở rộng ảnh hưởng ra khắp khu vực, thay đổi trật tự và cục diện chính trị an ninh địa chiến lược ở khu vực này.
EU còn lo ngại vì người Kurd ở Syria bị Mỹ bỏ rơi và bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công truy sát nên buộc phải liên minh với và dựa vào phe chính phủ Syria, giúp cho vị thế quyền lực của ông Assad càng thêm bền vững. EU lo ngại sâu sắc vì chỉ cần Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện được mục tiêu thì sẽ có làm sóng tỵ nạn mới đổ về các nước EU và những phần tử IS sẽ xâm nhập vào EU, gây nên khó khăn, phức tạp và thách thức lớn mới đối với EU về an ninh và xã hội. Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ được lợi bao nhiêu thì phía bên kia tổn hại bấy nhiêu. Như thế có nghĩa là ở Syria và khu vực không chỉ hình thành thế cờ mới mà còn định hình cả một trận cờ mới giữa các kỳ thủ vốn cho đến nay đã từng chơi nhiều ván cờ với nhau ở ngay chính khu vực này.