Những người Hồi giáo Rohingya tại một trại tỵ nạn (Nguồn: EPA). |
Cụ thể, Mỹ sẽ giúp đỡ Liên hợp quốc thiết lập các trung tâm bảo trợ và cân nhắc yêu cầu về chỗ ở cho một bộ phận người tỵ nạn.
“Từ tháng Mười năm ngoái đến nay, Mỹ đã tái định cư cho hơn 1.000 người Rohingya và đang xem xét tiếp nhận thêm”, bà Harf nói.
Tuy nhiên, bà Harf lưu ý rằng để giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế chứ không chỉ nỗ lực của riêng Mỹ.
Hoan nghênh quyết định tiếp nhận tạm thời người di cư trên biển của Malaysia và Indonesia song bà Harf cũng bày tỏ quan ngại về chính sách của chính phủ Myanmar đối với tộc người thiểu số Rohingya, khiến những người này phải liều mạng vượt biển.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken đang công du châu Á và sẽ có cuộc gặp với giới lãnh đạo Myanmar ngày 21/5 để kêu gọi nước này làm việc với Bangladesh nhằm cứu hộ và giúp đỡ người di cư trên biển.
Một phái đoàn cấp cao của Mỹ cũng sẽ tham dự hội nghị về khủng hoảng di cư, được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 29/5.
Theo thống kê, trong ba năm gần đây, ít nhất 120.000 người Hồi giáo Rohingya đã rời bỏ Myanmar. Những người này thường đi qua ngả Thái Lan để tới các quốc gia Hồi giáo trong khu vực như Malaysia hay Indonesia.
Ngày 20/5, Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar Thant Kyaw khẳng định nước này sẽ tham gia đàm phán về vấn đề người di cư Rohingya ở Bangkok vào ngày 29/5 tới. Trước đó, việc Myanmar có tham gia cuộc đàm phán hay không vẫn là một câu hỏi vì chính quyền Nay Pyi Taw không công nhận những người Rohingya. Dù vậy, ông Kyaw cho biết Myanmar sẽ nhận lại những thuyền nhân, đồng thời nêu rõ: “Nếu họ là người Myanmar, Chính phủ Myanmar sẽ có nghĩa vụ đưa họ trở về”.
Q.C (theo AFP, Bernama)