Tổng thống Joe Biden và Thái tử Mohammed bin Salman trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, vào tháng Bảy. (Nguồn: Saudi Press Agency) |
Nguồn cung giảm, giá dầu sẽ tăng, khiến nỗ lực ngăn đà lạm phát của Mỹ thêm khó khăn, phe Dân chủ của Tổng thống Joe Biden cũng khó có thể giành quyền chi phối Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới. Đặc biệt, quyết định của OPEC+ sẽ giúp Nga có thêm nguồn thu từ dầu mỏ, về cơ bản vô hiệu hóa biện pháp áp giá trần với dầu của Nga mà phương Tây đang muốn thực hiện.
Khỏi phải nói hành động này khiến Washington tức giận thế nào. Báo chí Mỹ mô tả đây là phát súng đầu tiên trong “cuộc chiến dầu mới” chống lại Mỹ, là sự phản bội từ phía đồng minh Saudi Arabia. Một số nghị sĩ thậm chí yêu cầu xem xét lại quan hệ của Mỹ với Saudi Arabia, thậm chí là trừng phạt Riyadh.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Thời gian gần đây, mối quan hệ đồng minh Washington-Riyadh bắt đầu trục trặc. Mỹ đã dừng bán vũ khí cho Saudi Arabia vì cuộc chiến của nước này ở Yemen. Washington cũng thường xuyên chỉ trích Riyadh về nhân quyền, như vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mà Mỹ cho là do đặc vụ Saudi Arabia thực hiện.
Còn với Saudi Arabia, nước này đang phải thực hiện kế hoạch lấp đầy kho bạc của mình trước sự chuyển đổi toàn cầu khỏi nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh suy thoái toàn cầu rình rập khiến giá dầu suy giảm, Mỹ thì sẵn sàng “xoay trục” khỏi Vùng Vịnh sang nơi khác, Saudi Arabia trước hết phải quan tâm đến lợi ích của mình. Riyadh không thể chiều theo ý của Washington mà ngoảnh mặt với những nguồn lợi mà hợp tác với Moscow có thể đem lại.
Rõ ràng là, quan hệ đồng minh Washington-Riyadh đang nhạt nhòa đi nhiều.