Việc tăng lãi suất của Fed được dự báo sẽ có tác động đáng kể tới các nền kinh tế châu Á, thông qua thương mại, tỷ giá hối đoái và các kênh thị trường tài chính. (Nguồn: Economic Times) |
Kết thúc cuộc họp thường kỳ Quý I/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm và tuyên bố sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 6 lần nữa trong năm 2022 và ba lần trong năm tới.
Lý do của Mỹ
Đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi suất kể từ tháng 3/2020, cho thấy lộ trình thay đổi điều hành chính sách tiền tệ của Fed, theo hướng chấm dứt chương trình mua tài sản (nới lỏng định lượng - QE), nâng lãi suất và thu hẹp bảng cân đối tài sản.
Động thái của Fed lần này được lý giải do kinh tế Mỹ đã phục hồi tương đối vững chắc sau đại dịch Covid-19, cũng như sau thời gian dài thực hiện chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế.
Nay khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát và kinh tế đã tăng trưởng ổn định, thất nghiệp giảm xuống còn 3,8%, Fed chính thức thực hiện kế hoạch đã định trước, với mục tiêu giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững hơn, kiềm chế lạm phát hiện đã vượt quá xa mục tiêu 2%.
Trên thực tế, lạm phát tại Mỹ tăng cao từ đầu năm 2021 do yếu tố cầu kéo (kinh tế phục hồi nhanh sau đỉnh dịch năm 2020). Giá cả yếu tố đầu vào (giá xăng dầu, kim loại, lương thực…) liên tục tăng từ nửa cuối năm 2021, đặc biệt từ khi căng thẳng Nga-Ukraina bùng phát từ cuối tháng 2/2022. Mỹ, phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt Nga, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, chi phí vận chuyển tăng nhanh. Hệ quả là, giá năng lượng và hàng hóa thế giới tăng cao.
Đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm đã khiến nền kinh tế kiệt quệ, doanh nghiệp khó khăn và thu nhập của người dân suy giảm. Khi xung đột Nga - Ukraine chưa thấy điểm dừng, tất cả các vấn đề tồn tại cộng hưởng lại, gây hệ lụy như: đứt gãy chuỗi cung ứng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, an ninh lương thực bị đe dọa…
Bên cạnh đó, xung đột tại Đông Âu góp phần lớn đẩy giá năng lượng, tác động tới nhiều ngành nghề khác nhau trong nền kinh tế. Giá dầu thô dao động đi lên, về mốc 100 USD/thùng, do lo ngại về khả năng không thể lấp đầy khoảng trống nguồn cung từ Nga. OPEC cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng, các biện pháp trừng phạt và những động thái chống lại Nga trong tương lai có thể khiến sản lượng giảm tới 7 triệu thùng mỗi ngày.
Kinh tế Mỹ năm 2021 và hai tháng đầu năm 2022 duy trì đà tăng trưởng tích cực, GDP tăng trưởng 5,7% năm 2021 - mức cao nhất trong vòng 40 năm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ cũng giảm xuống mức 3,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Chỉ số đo lường sức khỏe ngành sản xuất (PMI) tháng 2/2022 đạt 57,3 điểm, cho thấy đà hồi phục tốt. Doanh số bán lẻ tháng 1/2022 tăng 3,8% so với tháng trước, mức tăng cao nhất trong vòng 10 tháng.
Tuy vậy, kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là áp lực lạm phát do giá cả hàng hóa, từ năng lượng, nguyên vật liệu đến lương thực đều gia tăng mạnh. Do đó, Fed đã điều chỉnh dự báo kinh tế Mỹ năm 2022 chỉ tăng trưởng khoảng 2,8% (từ mức dự báo 4% hồi đầu năm), và lạm phát tăng 4,3% trước khi giảm xuống 2,7% năm 2023.
Không quá lo lắng nhưng không chủ quan
Nhìn chung quyết định tăng lãi suất của Fed không bất ngờ, thậm chí khá rõ ràng.
Theo đó, lãi suất cơ bản tại nền kinh tế có ảnh hưởng nhất thế giới có thể sẽ tăng lên khoảng 1,9% vào cuối năm nay, sau đó sẽ tiếp tục có thêm ba đợt tăng lãi suất lên 2,8% vào cuối 2023 và ổn định mức lãi suất này trong năm 2024. Đồng thời sẽ bắt đầu giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu tại cuộc họp vào tháng Năm với mục tiêu cơ bản là chống lạm phát.
Lộ trình thắt chặt chính sách tài chính này của Fed càng được củng cố với thông tin mới nhất - lạm phát Mỹ leo thang cao nhất trong hơn 40 năm, Bộ Lao động Mỹ vừa công bố ngày 12/4. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ - thước đo lạm phát trong tháng 3/2022, đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước trên cơ sở không điều chỉnh, cao hơn mức ước tính 8,4% của thị trường và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/1981.
Tuy nhiên, quyết định của Fed đã không tạo ra một cú sốc mạnh, không làm xáo trộn thị trường quá nhiều, bởi đi kèm một lộ trình tăng lãi suất thận trọng, các nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp đã được Fed “đánh tiếng” từ trước, đủ thời gian để chủ động về kế hoạch sản xuất kinh doanh. Giới chuyên gia nhận định, Fed đã thực hiện đúng lộ trình cam kết, vừa làm vừa theo dõi. Đây là động thái tích cực - dấu hiệu thể hiện kinh tế Mỹ đang phục hồi vững chắc.
Nhưng vấn đề cần thận trọng theo dõi lại xuất hiện ở một góc nhìn khác. Đó là, vấn đề lãi suất tăng bị cộng hưởng bởi hai cú sốc dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine với những trừng phạt và trả đũa chồng chéo. Điều mà các nhà nghiên cứu lo ngại là nền kinh tế thế giới dễ rơi vào tình trạng nguy hiểm – “lạm phát đình trệ”, vừa đình đốn vừa lạm phát.
Mặc dù, Fed đã có những bước đi thận trọng, nhưng cần sự kết hợp với các nền kinh tế có tầm ảnh hưởng lớn như Trung Quốc, châu Âu...
Riêng đối với các nền kinh tế châu Á, việc tăng lãi suất của Fed được dự báo sẽ có tác động đáng kể thông qua thương mại, tỷ giá hối đoái và các kênh thị trường tài chính. Lãi suất cao hơn sẽ kìm hãm tổng cầu cũng như làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của châu Á. Lợi suất trái phiếu và các tài sản của Mỹ cao hơn sẽ thu hút đầu tư quốc tế và làm tăng nhu cầu đồng USD.
Mặc dù đồng USD tăng giá có thể bù đắp một số tác động tiêu cực do lãi suất gây ra đối với thương mại của châu Á, nhưng giá dầu ở mức cao có thể làm giảm thu nhập thực tế và làm chậm đà tăng trưởng. Việc Mỹ đẩy lãi suất lên cao hơn, thông qua thị trường vốn quốc tế, sẽ tạo ra hiệu ứng đi xuống đối với đầu tư và tiêu dùng trong nước.
Các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ phải điều hướng thị trường đang ngày càng hỗn loạn, đặc biệt tại một số nền kinh tế tỷ lệ nợ xấu đã tăng khá cao, sau thời gian dài lãi suất thấp. Các cơ quan tài chính cần giám sát chặt chẽ rủi ro và có hành động sớm, để ngăn chặn việc hình thành các rủi ro mang tính hệ thống.