Lĩnh vực không gian vũ trụ của Hàn Quốc còn khá mới nhưng đang phát triển nhanh chóng. (Ảnh: Getty Image) |
Bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế
Tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Choi Jong-moon cho biết Hàn Quốc có ý định mở rộng các chương trình không gian để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.
Lĩnh vực không gian vũ trụ của Hàn Quốc còn khá mới nhưng đang phát triển nhanh chóng. Seoul ngày càng có nhu cầu giám sát các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và mong muốn đóng vai trò trong quản trị không gian toàn cầu.
Triều Tiên đã phóng được nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một tên lửa dân dụng dùng công nghệ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, vượt xa những tên lửa mà Hàn Quốc phóng từ trước tới nay.
Thông báo từ Seoul được đưa ra trong bối cảnh Mỹ dỡ bỏ các hạn chế tên lửa đối với Hàn Quốc. Seoul cũng đã tham gia Hiệp định Artemis sau cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu năm 2021.
Hiệp định Artemis được lấy tên từ chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), nhằm thiết lập sự hiện diện bền vững của con người trên và xung quanh Mặt trăng vào cuối những năm 2020.
Hồi tháng 5, Hàn Quốc đạt được thỏa thuận song phương với Mỹ, giúp nước này chế tạo động cơ tên lửa mạnh hơn và nhanh chóng bắt kịp trong mảng kinh doanh vũ trụ thương mại.
Trong tháng này, quân đội hai nước cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với mục đích thể chế hóa tham vấn về chính sách không gian vũ trụ.
Hiện nay, Hàn Quốc có tham vọng rất lớn trong lĩnh vực không gian vũ trụ, song phải đối mặt với không ít thách thức bởi vì chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Hàn Quốc (KARI) được thành lập vào năm 1989, thế nhưng ngân sách của Hàn Quốc dành cho lĩnh vực không gian vũ trụ thấp hơn nhiều so với với Nhật Bản, Pháp hay Đức.
Thêm nữa, mối lo ngại của Washington đối với sự ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng đã hạn chế sự hợp tác giữa Mỹ và Hàn Quốc những năm trước đây.
Các chương trình tham vọng
Hàn Quốc đang thúc đẩy ngoại giao không gian vũ trụ và coi đây là chìa khóa để mở ra tiềm năng cho các chương trình không gian của nước này. Vị thế cường quốc tầm trung của Hàn Quốc cũng có thể giúp Seoul đóng góp tích cực vào quản trị không gian toàn cầu.
Hàn Quốc vừa qua đã cử một phi hành gia tới Trạm vũ trụ quốc tế; hợp tác với Nga nhằm hoàn thiện khả năng phóng vào không gian (sắp tới là tàu quỹ đạo mặt trăng) và có kế hoạch tăng cường thương mại hóa các tài sản không gian, đặc biệt là hình ảnh vệ tinh.
Một kế hoạch quỹ đạo cho sứ mệnh Tàu thăm dò Mặt trăng Pathfinder của Hàn Quốc khởi động vào năm 2022. (Ảnh: KARI) |
Seoul đã tăng cường nỗ lực phát triển công nghệ liên quan đến không gian, với mục tiêu phát triển hơn 100 vệ tinh thu nhỏ vào năm 2031, trong đó đặt mục tiêu phóng 14 vệ tinh liên lạc quỹ đạo tầm thấp để thiết lập mạng lưới thông tin phục vụ kế hoạch phát triển công nghệ mạng 6G trong tương lai; đồng thời thử nghiệm các hệ thống tự động điều khiển tàu và các dịch vụ giao thông trên biển.
Gần đây, Hàn Quốc đã đẩy mạnh phát triển chương trình không gian, với tên lửa vũ trụ sản xuất trong nước đầu tiên sẽ đươc phóng vào tháng 10. Một tàu bay theo quỹ đạo mặt trăng đã được lên kế hoạch triển khai vào năm sau.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đã và đang thúc đẩy “Dự án 425”, dự kiến phóng các vệ tinh giám sát với độ phân giải cao vào đầu năm 2022. Dự án này sẽ mang lại nhiều ứng dụng trong cả lĩnh vực quân sự và dân sự để theo dõi các vệ tinh của Triều Tiên.
KARI còn đang phát triển Korea Pathfinder Lunar Orbiter (KPLO), để phóng tên lửa SpaceX Falcon 9 vào tháng 8/2022, đây là một phần trong kế hoạch khám phá Mặt trăng của đất nước này.
"Chúng tôi sẽ tích cực thúc đẩy các dự án khám phá không gian đầy thách thức, bằng cách phát triển phương tiện phóng của Hàn Quốc. Đến năm 2030, chúng tôi sẽ đạt được ước mơ hạ cánh xuống Mặt trăng bằng cách sử dụng phương tiện phóng của chính mình.
Năng lực công nghệ, kinh nghiệm và sự tự tin sẽ thu được từ việc khám phá Mặt trăng. Bước đầu tiên này sẽ cung cấp nền tảng vững chắc cho Hàn Quốc trong việc chinh phục không gian", Tổng thống Moon Jae-in cho biết vào tháng 5 vừa qua.
Không chỉ ở cấp độ chính phủ, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng hăng hái triển khai ngoại giao không gian.
Tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Hanwha của Hàn Quốc đã mua lại 300 triệu USD cổ phần trong công ty OneWeb có trụ sở tại Anh, nhằm cung cấp Internet thông qua một chòm sao gồm 648 vệ tinh.
Các khoản đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực này thể hiện sự chú trọng của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với ngành công nghiệp vũ trụ.
Seoul có thể phát triển các chương trình hàng không vũ trụ thông qua hợp tác khu vực như với các nước Đông Nam Á, đây là những thị trường đang phát triển và có nhu cầu hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng không gian.
Trước mắt, có thể thấy các chương trình không gian của Hàn Quốc có tương lai đầy hứa hẹn.
Tuy vậy, để khai thác hết tiềm năng và biến tham vọng đưa Hàn Quốc trở thành một trung tâm hợp tác không gian trong khu vực đòi hỏi một chiến lược ngoại giao cũng như phát triển công nghệ phù hợp.