Máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ. (Nguồn: Defense) |
Việc thành viên khối quân sự NATO như Thổ Nhĩ Kỳ lại đi mua vũ khí của đối thủ Nga khiến Mỹ không khỏi phật ý. Không những thế, đây không phải là lần đầu tiên Ankara xung khắc với Washington.
Còn nhớ năm 2017, bức xúc vì không được Mỹ bán cho tên lửa Patriot, Thổ Nhĩ Kỳ quay sang mua tên lửa phòng không S-400 của Nga. Washington phản ứng quyết liệt và quyết định áp đặt biện pháp trừng phạt Ankara.
Lâu nay, dù là đồng minh trong NATO nhưng quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ luôn trong trạng thái “đồng sàng, dị mộng”. Mọi việc xấu đi khi ông Erdogan cáo buộc Mỹ “chống lưng” cho vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016 khiến ông suýt thiệt mạng.
Chẳng những không đáp ứng yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, nhân vật mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là kẻ chủ mưu vụ đảo chính và hiện sống lưu vong ở Mỹ, Washington còn cáo buộc Ankara về cái gọi là “hồ sơ” nhân quyền.
Thổ Nhĩ Kỳ còn xung khắc với Mỹ xung quanh hoạt động của các tổ chức người Kurd như Các đơn vị bảo vệ người Kurd ở Syria (YPG) và Lực lượng dân chủ Syria (SDF)-một tổ chức bảo trợ do người Kurd lãnh đạo.
Trong khi Ankara coi các tổ chức này là “kẻ thù không đội trời chung” vì âm mưu cùng với người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thành lập nhà nước ly khai, thì Washington lại bắt tay với YPG và SDF như những “đồng minh” trong cuộc chiến với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Bất đồng tích tụ đã dần tạo ra những hố sâu ngăn cách, khiến Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tỏ ra “cứng đầu” với Mỹ một khi lợi ích bị đụng chạm, thậm chí sẵn sàng hợp tác với cả đối thủ NATO như Nga. Chắc Ankara sẽ còn khiến Washington phải tiếp tục đau đầu.