Nga tìm được thị trường mới cho dầu mỏ, bất chấp các lệnh trừng phạt do các nước G7 áp đặt. (Nguồn: Energy Intelligence) |
Bloomberg dẫn lời bà Yellen nói rằng, Washington đã sẵn sàng hành động để đối phó với tình trạng trên, song không nêu rõ về cách thức.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ khi mức trần giá dầu được áp dụng. Thế nhưng, hiệu quả của cơ chế này đã giảm sút do Nga bổ sung đội tàu “ngầm” cũng như điều chỉnh chính sách về tiền bảo hiểm.
Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia đã áp đặt trần giá dầu ở mức 60 USD/thùng đối với xuất khẩu dầu của Nga vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, kể từ đầu mùa Hè năm 2023, nhiều cơ quan báo cáo giá, tư vấn và truyền thông phản ánh rằng, dầu thô của Nga đã được bán trên mức giới hạn giá.
Dữ liệu từ công ty phân tích Kpler cho thấy, nguồn cung dầu thô của Nga đã tăng 50% trong mùa Xuân này bất chấp các nước G7 áp đặt lệnh trừng phạt do xung đột ở Ukraine.
Trường Kinh tế Kiev (KSE) ở Ukraine ước tính, doanh thu từ dầu mỏ của Nga có thể tăng do giá dầu thô tăng liên tục và việc giảm chiết khấu đối với dầu của nước này.
Theo một phân tích về hồ sơ vận chuyển và bảo hiểm của Financial Times, gần 3/4 lượng dầu thô qua đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm phương Tây trong tháng 8.
4 thương nhân nói với Reuters rằng, các nhà sản xuất dầu của Nga đã cung cấp lô hàng dầu thô CPC Blend đầu tiên cho Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tháng 8 và tháng 9, mở ra một tuyến xuất khẩu mới.
Nga đã tìm được thị trường mới cho dầu mỏ, bất chấp các lệnh trừng phạt do G7 áp đặt kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine.
Là nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới, Nga đã chuyển phần lớn dầu sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua, đồng thời gửi hàng đến các nước như Brazil, Sri Lanka và Pakistan.