Giá dầu mỏ hiện không biến động nhiều. Thỏa thuận giữa các nhà sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giúp duy trì đà tăng của giá dầu, nhưng việc Mỹ tăng sản lượng khai thác lại là yếu tố kìm hãm.
Một vấn đề khác là tồn kho xăng đang ở mức cao kỷ lục. Việc dự trữ dầu thô của Mỹ tăng là một yếu tố tác động đến giá dầu. Dự trữ dầu tăng có thể là do các nhà máy lọc dầu ngừng hoạt động để bảo dưỡng. Nhưng nếu đúng vậy, kho dự trữ xăng sẽ phải giảm theo. Còn khi dự trữ dầu thô và các sản phẩm lọc dầu cùng tăng thì đó là điều đáng ngại.
Ảnh minh họa. (Nguồn: CNBC) |
Thực tế, dư cung xăng hiện ở mức cao nhất trong 27 năm trở lại đây.
Cụ thể, 259 triệu thùng xăng trong kho dự trữ của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/2 là mức đỉnh kể từ năm 1990, thời điểm Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) bắt đầu thu thập số liệu trên. Sản lượng xăng lên xuống theo mùa vụ, nhưng sản lượng của Mỹ luôn có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây. Thay vì mức 8,5-9,5 triệu thùng/ngày như năm 2014 trở về trước, sản lượng xăng của Mỹ đã tăng lên mức 9 - 10 triệu thùng/ngày từ tháng 6/2014, thời điểm giá dầu lao dốc xuống mức đáy. Tuy nhiên, tình hình tồi tệ hơn khi nhu cầu xăng tại Mỹ đã quay đầu giảm.
Nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ rơi xuống hơn 8 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2017, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Nhu cầu yếu đã khiến thị trường chao đảo.
Dư cung đã buộc một số tàu chở xăng phải quay đầu rời khỏi cảng New York trong vài tuần qua, chuyển sang các cảng ở Caribbean. Thế nhưng, điều này cũng không giúp giảm tồn kho xăng tại bờ Đông nước Mỹ, khu vực thường nhập dầu thô và các sản phẩm lọc dầu.
Nhu cầu xăng mang tính thời vụ, thường giảm vào những tháng lạnh, nhưng mùa Đông năm nay ghi nhận mức thấp hơn bình thường. Vấn đề trở nên đặc biệt xấu khi dư cung xảy ra vào lúc các nhà máy lọc dầu đã cắt giảm sản lượng xăng trong nhiều tuần trở lại đây, tức là ngay cả khi giảm nguồn cung, dự trữ xăng vẫn tiếp tục tăng.
Trong khi đó, các số liệu kinh tế vĩ mô đều cho thấy kinh tế Mỹ không gặp khó khăn. Một số tổ chức, trong đó có EIA, dự đoán giá tăng là nguyên nhân làm giảm mức tiêu thụ xăng. Nhưng điều này là không đúng, do mức giá tại các cây xăng hiện dao động không nhiều so với vài năm trước. Nhu cầu giảm có thể chỉ là nhất thời và sẽ tăng trở lại trong vài tháng tới, áp lực tồn kho xăng sẽ được giải tỏa. Nhưng nếu tiêu dùng xăng tăng nhỏ giọt, nguồn cung tại các kho chứa sẽ vẫn đứng ở ngưỡng cao và phải mất nhiều tháng mới giảm.
Nhà phân tích Sam Margolin tại Công ty tư vấn Cowen chia sẻ với tờ Wall Street Journal (Mỹ) rằng, tình trạng tồn kho xăng ở mức cao có thể kéo dài cả năm.
Nếu nhu cầu không tăng trở lại, dự trữ xăng tại các kho chứa sẽ tăng thêm. Lúc này, các nhà máy lọc dầu buộc phải cắt giảm sản lượng, đồng nghĩa với việc giảm mua dầu thô. Mức tiêu thụ dầu giảm sẽ khiến dự trữ dầu mỏ tăng, làm giá giảm. Cuối cùng, các nhà khai thác dầu sẽ buộc phải cắt giảm sản lượng.
Nói tóm lại, nếu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ và rộng ra là toàn cầu không được cải thiện theo hướng hỗ trợ thị trường dầu, giá “vàng đen” có thể sẽ giảm trong năm nay.