📞

Mỹ - Trung khó thỏa hiệp ở Thượng đỉnh G20

14:09 | 15/11/2018
Cho dù cuộc gặp giữa ông Trump và ông Tập tại Thượng đỉnh G20 có diễn ra như dự kiến, thì cũng không thể kết thúc ngay cuộc chiến thương mại giữa “rồng và đại bàng”.  

Theo kế hoạch, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thu xếp bên lề cuộc họp Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), ở Buenos Aires, Argentina vào cuối tháng 11 tới. Trong bối cảnh quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là cơ hội hóa giải căng thẳng, để đi đến kết thúc cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng giữa hai bên.

Khi cả hai đều chưa sẵn sàng

Một bài phân tích được The Morning Post mới đăng tải khẳng định, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ không thể kết thúc ngay sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước này. Tác giả bài báo cho rằng, kết quả khả quan nhất chắc chỉ có thể là sự nhất trí chung về việc sẽ giải quyết căng thẳng thông qua đàm phán. Có nghĩa là Washington và Bắc Kinh có thể sẽ bắt tay khởi động một tiến trình đàm phán song phương mang tính thực dụng hơn theo kiểu của ông Trump.

Tuy nhiên, tiến trình đàm phán này có thể sẽ phải kéo dài, chưa thể hẹn ngày kết thúc. Bởi trên thực tế, trước và sau khi cuộc chiến thương mại xảy ra, giới chức hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đều đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán, song không đạt được kết quả gì thực chất, do cả hai đều còn khá mông lung về mục tiêu cuối cùng của mình. 

Liệu cuộc gặp tại G20 giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có làm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? (Nguồn: Internet)

Nếu cho đến nay, Bắc Kinh được cho là có mong muốn đàm phán và chấp nhận nhượng bộ, thì Washington vẫn chưa định hình được mục tiêu thống nhất, kế hoạch chi tiết, rõ ràng và cụ thể trong đàm phán với Trung Quốc. Với tình hình nội bộ khá phức tạp, phái ôn hòa có chủ trương của phái ôn hòa, phe cứng rắn có mục đích của phe cứng rắn, nên ngay cả với bản thân Tổng thống Trump cũng khó có thể nói rõ, muốn Bắc Kinh phải nhượng bộ thế nào.

Tuy nhiên, việc Bắc Kinh sẽ chấp nhận thỏa hiệp và có sự nhượng bộ lớn đối với Washington mới chỉ là cách nhìn phiến diện, vì thực tế, nếu có sự nhượng bộ, tức là các bên đã đặt ra được yêu cầu cụ thể trong đàm phán. Trong khi đó, cho đến nay Mỹ thậm chí vẫn chưa cử ra đại diện đủ quyền lực để trực tiếp đàm phán về thương mại với Trung Quốc.

Trong thực tiễn, để mỗi cuộc đàm phán quốc tế có thể đạt được hiệu quả mang tính thực chất thì các bên liên quan đều phải đưa ra được yêu cầu cụ thể, đồng thời có một đại biểu đủ uy quyền tham dự. Áp vào bối cảnh Mỹ - Trung hiện nay, cả hai yếu tố “cần” đều thiếu, bởi vậy, khả năng hai bên có thể chấp nhận hoặc đưa ra bất cứ sự nhượng bộ nào trong các cuộc thảo luận là rất khó có thể xảy ra. Do vậy, khả năng thêm một cuộc nói chuyện suông là có thể và kết quả khả quan nhất mà hai bên đạt được trong lúc này vẫn là một thỏa thuận mang tính “ngoại giao” về kết thúc cuộc chiến thương mại.

Giấc mộng và thực tế

Thế giới đang chờ đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập. Tất nhiên, bên cạnh những nhận định tích cực về kết quả đàm phán, thì không ít, nếu không muốn nói là nhiều chuyên gia cho rằng, không dễ dàng để chấm dứt tình trạng hiện tại trong một sớm, một chiều.

Theo giới phân tích, phía sau những biện pháp trừng phạt thương mại, Mỹ đang muốn sắp xếp lại trật tự thế giới, trong bối cảnh Trung Quốc không ngần ngại thể hiện tham vọng gây dựng chỗ đứng của riêng mình, tranh giành vị trí với Mỹ không chỉ ở tầm khu vực, mà trên toàn thế giới. 

Từ “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh rốt ráo triển khai một loạt dự án có tầm ảnh hưởng chiến lược về chính trị và kinh tế như triển khai Vành đai và Con đường; lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); nâng cao tầm ảnh hưởng của Nhân dân tệ  (CNY), đặc biệt là cạnh tranh sức mạnh với USD; thực hiện các thương vụ M&A nhằm thâu tóm các doanh nghiệp đầu não trên tất cả các khu vực… Trên thực tế, những thành tựu mà Trung Quốc đã làm được là không thể xem thường. 

Về căng thẳng Mỹ - Trung trong những tháng gần đây, Bắc Kinh thận trọng đưa ra từng quyết định chỉ để đổi lại những thay đổi nhỏ từ ông Trump. Nhưng dù Bắc Kinh để ngỏ khả năng đạt được thỏa thuận giúp giảm thâm hụt thương mại, thì giới chức nước này vẫn không thể chấp nhận những yêu cầu do Mỹ đặt ra, về vấn đề ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, an ninh mạng, hỗ trợ quá mức doanh nghiệp nhà nước… Ngoài ra, Trung Quốc còn không ngừng nghi ngờ về mức độ "chân thành" của Mỹ trong các cuộc đàm phán. Những vấn đề đó đủ cho thấy, vẫn còn con đường rất dài phía trước, để hai bên đạt được tiếng nói chung.  

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiện đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy, Bắc Kinh hụt hơi trong cuộc “chạy đua marathon” về thuế, mà Washington vốn đã xác định là cần dai sức và toàn diện. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng và các nhà sản xuất đã bắt đầu dịch chuyển hoạt động của mình sang một số nước khác. Nếu Trung Quốc tiếp tục “chơi” đến cùng bằng cách ăn miếng trả miếng với Mỹ, nhiều khả năng chính Trung Quốc sẽ phải chịu thất bại trước.

Từ hồi tháng 5, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung đều không đạt được nhiều tiến triển. Tuy nhiên, các phát biểu gần đây của ông Tập Cận Bình được cho là Bắc Kinh là bên sẵn sàng và mong muốn đàm phán với Mỹ hơn. Tuy nhiên, nếu mục đích thật sự của Mỹ không chỉ là thâm hụt thương mại, thì cuộc chiến thương mại càng chưa thể kết thúc tại cuộc đàm phán cuối tháng này. Thậm chí, đó mới chỉ là sự bắt đầu cho những diễn biến căng thẳng kéo dài trong nửa đầu thế kỷ 21.