Hội nghị thượng đỉnh G20 New Delhi sẽ diễn ra từ ngày 9-10/9. (Nguồn: Bloomberg) |
Ngày 9-10/9, Ấn Độ trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại New Delhi.
Với chủ đề Vasudhaiva Kutumbakam (Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai), không khó để thấy chủ nhà muốn nhấn mạnh nỗ lực hàn gắn bất đồng, gắn kết các nước thành viên G20 thành một khối trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự chia rẽ sâu sắc trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, liệu mong ước của New Delhi có thành? Để tìm câu trả lời, cần nhìn vào một số khía cạnh sau.
Sự vắng mặt đáng chú ý
Trước hết, đó là thành phần tham dự. Rất đáng chú ý là việc Thượng đỉnh G20 New Delhi vắng bóng Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đại diện cho ông Putin, còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ thay ông Tập Cận Bình tham dự Thượng đỉnh này.
Sự vắng mặt này phản ánh hai khía cạnh: Một mặt, việc lãnh đạo hai nước thành viên quan trọng không tham dự Thượng đỉnh G20 ít nhiều tác động đến “sức nặng” của khối. Tổng thống Mỹ Joe Biden công khai bày tỏ sự “thất vọng” khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên không dự Thượng đỉnh G20.
Mặt khác, điều này giúp Ấn Độ tránh rơi vào tình thế khó xử khi cố gắng quản lý tương tác Mỹ-Trung và Nga-phương Tây, hai mối quan hệ phức tạp, căng thẳng và luôn tiềm ẩn nguy cơ, trong thời gian tổ chức hội nghị quan trọng này.
Trả lời phỏng vấn ANI (Ấn Độ), Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nhấn mạnh ở thời điểm khác nhau, G20 chứng kiến một số lãnh đạo, vì bất kỳ lý do gì đó, đã chọn không tham dự các cuộc họp toàn cầu. Ông cho rằng, quan điểm của quốc gia đó được phản ánh bởi bất kỳ người đại diện nào tham dự.
Hiện đã có lãnh đạo Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Pháp, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận tham dự. Saudi Arabia, Nam Phi, Mexico, Nhật Bản, Italy, Đức, Indonesia, Brazil và Argentina chưa xác nhận. Thượng đỉnh cũng có sự góp mặt của khách mời từ Hà Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Oman, Bangladesh, Ai Cập, Mauritius và Nigeria. Sự hiện diện của Liên minh châu Phi theo tư cách ứng viên G20 được Ấn Độ đề xuất cũng được dư luận quan tâm.
Tin liên quan |
Thủ tướng Ấn Độ 'tranh thủ' dự hội nghị ASEAN trước khi chủ trì thượng đỉnh G20 |
Nhiều chủ đề “nóng”
Về chủ đề, ông Jaishankar cho rằng, nước này tiếp nhận cương vị Chủ tịch G20 giữa lúc thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn như tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine, biến đổi khí hậu, nợ nần, phân chia Bắc-Nam và sự phân cực Đông-Tây ngày càng rõ nét. Ông khẳng định những vấn đề thảo luận không phải mới và đã được các bộ trưởng, quan chức G20 nỗ lực thúc đẩy. Vậy các chủ đề nóng đó là gì?
Một trong số đó chắc chắn là xung đột Nga-Ukraine. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, ông chủ Nhà Trắng tập trung vào cách G20 có thể thúc đẩy tiến trình hòa bình, đồng thời đối phó hệ quả về kinh tế và xã hội từ xung đột hiện nay. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng vào Tuyên bố chung về xung đột tại G20 tới.
Ngoại trưởng nước chủ nhà S. Jaishankar thận trọng hơn khi nhận định các nhà lãnh đạo nước ngoài và khách mời cần “chờ đợi và xem điều thực sự xảy ra trong đàm phán”, thay vì đưa ra những giả định “đơn thuần dựa trên những câu nói ở một dịp nào đó và cách truyền thông nhìn nhận nó”.
Sự vắng mặt của lãnh đạo Trung Quốc làm căng thẳng giữa nước này và Mỹ giảm bớt, song vẫn hiện hữu tại Thượng đỉnh lần này. Tại Hội nghị ASEAN+3 tại Indonesia, Thủ tướng Lý Cường, người sẽ dự Thượng đỉnh G20, nhấn mạnh: “Bất đồng và tranh chấp có thể nảy sinh giữa các quốc gia do nhận thức sai lầm, lợi ích khác biệt hoặc hành động can thiệp từ bên ngoài. Để kiểm soát sự khác biệt, điều cần thiết hiện nay là phản đối chính sách chọn phe, phản đối đối đầu giữa các khối và phản đối một cuộc Chiến tranh lạnh mới”.
Ấn Độ tập trung vào phát triển bền vững, cũng như biện pháp nhằm giảm bất bình đẳng tăng trưởng giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Ngoài ra, biến đổi khí hậu gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong nghị trình. Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại New Delhi, nơi vừa hứng chịu một trận lũ nghiêm trọng. Mưa lớn kéo dài, khiến sông Yamuna chạy ngang qua thành phố chứng kiến mực nước kỷ lục 45 năm qua. Các đợt lũ trong tháng 7 vừa qua tại nơi đây cùng nhiều tỉnh miền Bắc Ấn Độ đã khiến 422 người thương vong.
Thống kê cho thấy khối G20 chiếm tới 80% khí thải CO2 toàn cầu và Ấn Độ không phải là ngoại lệ. Song việc thiếu đồng thuận giữa các quốc gia thành viên trong nhiều vấn đề liên quan biến đổi khí hậu, bao gồm lộ trình tăng gấp 3 lần năng lượng tái tạo vào năm 2030 là một rào cản. Quan điểm của Trung Quốc trên một số khía cạnh, bao gồm cơ chế tài chính cho chuyển đổi năng lượng tại nước phát triển cũng là điều không thể bỏ qua.
Câu chuyện về phòng chống đói nghèo hay đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia cũng nhiều khả năng sẽ xuất hiện tại Thượng đỉnh G20 tại New Delhi.
Tiếng nói hàng đầu
Với Ấn Độ, việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20 trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức là cơ hội để nước này khẳng định vị thế đi đầu trong số các nước đang phát triển, hay còn được biết đến với cái tên “Nam bán cầu”. Quan trọng hơn, thành công của sự kiện sẽ tác động tích cực tới uy tín của Thủ tướng Narendra Modi, củng cố hình ảnh của ông như chính trị gia được bạn bè quốc tế tôn trọng và tín nhiệm.
Có thể thấy, trong năm 2023, việc khéo léo duy trì quan hệ với Nga-Ukraine, tăng trưởng kinh tế ổn định và mới đây, bước tiến vượt bậc về khoa học - công nghệ khi phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3 lên Mặt trăng góp phần củng cố vị thế của Ấn Độ. Còn gì tốt hơn khi New Delhi có thể khép lại quãng thời gian tuyệt vời ấy bằng thành công vang dội đến từ Thượng đỉnh G20?
| Thủ tướng Ấn Độ: Mời AU gia nhập G20, khẳng định New Delhi là 'giải pháp' cho mọi vấn đề Ấn Độ giữ một vị trí quan trọng trong việc xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả và đáng tin cậy. |
| Ấn Độ tăng cường an ninh cho thượng đỉnh G20: 20 xe limousine chống đạn, hệ thống chống UAV, lực lượng cảnh sát 'khủng' Ấn Độ đang gấp rút chuẩn bị kỹ lưỡng công tác an ninh để đảm bảo cho Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra suôn ... |
| Thủ tướng Trung Quốc sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu ... |
| Tổng thống Nga, Chủ tịch Trung Quốc vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Ấn Độ nói gì? Ngày 6/9, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar khẳng định, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không ... |
| Thủ tướng Ấn Độ 'tranh thủ' dự hội nghị ASEAN trước khi chủ trì thượng đỉnh G20 Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đến thủ đô Jakarta, Indonesia vào 3h sáng nay, 7/9. |