Hội nghị Ngoại trưởng G20 2023 đã chính thức khai mạc tại Ấn Độ. (Nguồn: RTE) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
G20
* Hội nghị Ngoại trưởng G20 khai mạc: Sáng ngày 2/3, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) khai mạc tại thủ đô New Delhi dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch là Ấn Độ.
Hội nghị có sự góp mặt của hơn 40 nhà ngoại giao hàng đầu từ các nước cùng đại diện 13 tổ chức quốc tế. Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vinay Kwatra coi đây là một trong những cuộc họp ngoại trưởng lớn nhất từng được tổ chức bởi bất kỳ Chủ tịch G20 nào. Mở đầu, Hội nghị đã dành 1 phút mặc niệm 50.000 nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Trong phát biểu trực tuyến gửi tới phiên khai mạc, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã nhắc lại phương châm và chủ đề của Chủ tịch G20 Ấn Độ: “Một Trái đất. Một gia đình. Một tương lai”. Ông nhấn mạnh “quản trị toàn cầu đã thất bại”, dẫn chứng rằng các thể chế đa phương đã không đáp ứng được những thách thức cấp bách nhất khi trong vài năm qua, thế giới đã phải chứng kiến tình trạng khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, đại dịch, khủng bố và xung đột.
Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng đề cập nguy cơ thụt lùi trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và việc các nước giàu góp phần đáng kể vào sự nóng lên toàn cầu. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng chức Chủ tịch G20 của Ấn Độ là dành cho khu vực Nam bán cầu.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nhấn mạnh “Tương lai của chủ nghĩa đa phương phụ thuộc vào khả năng của chúng ta”. (TTXVN)
* Mỹ, đồng minh ‘khẩu chiến’ với Nga, Trung Quốc nêu Sáng kiến toàn cầu: Ngày 2/3, phát biểu tại Hội nghị Ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói: “Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt xung đột và rút khỏi Ukraine vì hòa bình quốc tế và ổn định kinh tế. Thật không may, cuộc họp này lại bị hủy hoại bởi hành vi vô cớ và phi lý của Nga với Ukraine”.
Lời kêu gọi của ông được người đồng cấp Đức, Pháp và Hà Lan ủng hộ. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Thật không may, một thành viên G20 đã ngăn cản 19 thành viên còn lại tập trung mọi nỗ lực vào những vấn đề mà theo đó G20 được thành lập. Tôi yêu cầu ông Lavrov quay trở lại thực hiện đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) và nối lại đối thoại với Mỹ vì - như Trung Quốc đã chỉ ra một cách đúng đắn trong kế hoạch 12 điểm của mình - mối đe dọa vũ khí hạt nhân nên được loại bỏ”.
Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna cho rằng xung đột tại Ukraine đã gây tổn hại cho “hầu hết mọi quốc gia trên hành tinh, về lương thực, năng lượng, lạm phát”. Bà kêu gọi “G20 phải phản ứng kiên quyết, giống như đã làm tại Hội nghị Thượng đỉnh Bali. Thông điệp tại Bali rất rõ ràng: Với tư cách là G20, chúng ta cần đưa ra các giải pháp bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, thay vì để họ phải gánh chịu hệ quả từ Nga”.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn CNBC (Mỹ), Ngoại trưởng Hà Lan Wopke Hoekstra khẳng định Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về xung đột và các nước phương Tây sẽ tiếp tục áp đặt trừng phạt Moscow.
Đáp lại, Nga cáo buộc phương Tây biến chương trình nghị sự G20 thành một “trò hề” và nói rằng các phái đoàn phương Tây muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Moscow. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho phương Tây về các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị toàn cầu. Ông nói: “Phương Tây tạo ra trở ngại cho việc xuất khẩu nông sản của Liên bang Nga”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương khẳng định: "Trung Quốc sẽ luôn đứng về phía hòa bình, tích cực thúc đẩy đàm phán hòa bình và đóng vai trò xây dựng” Ông cho rằng đã đến lúc các nước cần “thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự, duy trì hệ thống quốc tế lấy Liên hợp quốc (LHQ) làm trung tâm và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, tuân thủ các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ…”
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Tần Cương còn đưa ra Sáng kiến Phát triển toàn cầu do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất để làm cho sự phát triển toàn cầu trở nên toàn diện, vững mạnh hơn và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người: “Trung Quốc đã đình chỉ nhiều khoản thanh toán nợ hơn bất kỳ thành viên G20 nào khác và tham gia xử lý nợ theo Khuôn khổ chung. Chúng tôi hy vọng rằng các tổ chức tài chính đa phương và các chủ nợ thương mại sẽ tích cực tham gia vào việc xử lý nợ của các nước đang phát triển”.
Ông cũng nhấn mạnh rằng quản trị kinh tế toàn cầu cần được cải thiện và sẽ không thể có sự phát triển, thịnh vượng toàn cầu nếu thiếu vắng môi trường quốc tế hòa bình và ổn định. (Reuters/TTXVN)
* Ngoại trưởng Mỹ-Ấn hội đàm: Ngày 2/3, viết trên Twitter, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar nêu rõ: “Rất vui được gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken bên lề G20 FMM. Cơ hội để xem xét các mối quan hệ song phương và thảo luận về các vấn đề toàn cầu”.
Về phần mình, ông Blinken cho biết chuyến đi Ấn Độ của ông có hai mục đích: “Đầu tiên, để đảm bảo rằng G20, với sự lãnh đạo của Ấn Độ, thúc đẩy các mục tiêu chung của chúng ta; và thứ hai, để chứng minh rằng Mỹ, cùng với các đối tác của chúng tôi, đang hành động như thế nào để đáp ứng nhu cầu của thế giới. Chúng tôi đã thành công ở cả hai khía cạnh này”.
Dự kiến, hai bên sẽ hội đàm về quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-Mỹ, G20, Bộ tứ, hợp tác quốc phòng và Sáng kiến về các công nghệ quan trọng... (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Điểm nhấn trong Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Ấn Độ |
Nga-Ukraine
* Nga đưa tin về chiến dịch đối phó với quân Ukraine ở Bryansk: Ngày 2/3, Điện Kremlin cho biết quân đội Nga đang triển khai biện pháp đối phó “những kẻ khủng bố Ukraine” đang tấn công xuyên biên giới. Trước đó, thông tấn Nga dẫn lời một số quan chức nước này cho biết các binh sĩ đang chiến đấu với nhóm phá hoại Ukraine đã “xâm nhập khu vực Bryansk” giáp biên giới Ukraine.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Vladimir Putin thường xuyên cập nhật thông tin từ các cơ quan an ninh và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
Bác bỏ thông tin cho rằng Tổng thống Nga dự định tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh cùng ngày, ông cũng cho biết ông Putin sẽ tổ chức một cuộc họp của Hội đồng này vào ngày 2/3 theo thường lệ. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Kịch bản nào cho 'thế trận giằng co'? |
Nga-Mỹ
* Nga nói Mỹ lợi dụng New START để giúp Ukraine: Ngày 2/3, phát biểu tại Hội nghị về giải trừ quân bị của Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói: “Tình hình càng xấu đi sau khi Mỹ tìm cách đánh giá an ninh của các cơ sở chiến lược của Nga được nêu trong Hiệp ước New START bằng cách hỗ trợ chính quyền Kiev tấn công vũ trang. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi buộc phải tuyên bố đình chỉ Hiệp ước”.
Theo ông, Mỹ và phương Tây muốn chứng kiến Nga bị đánh bại về mặt chiến lược ở Ukraine. (Reuters)
TIN LIÊN QUAN | |
Hiệp ước New START: Số phận hẩm hiu được đoán trước |
Đông Nam Á
* Philippines, Malaysia nêu quan điểm về Biển Đông: Phát biểu tại họp báo chung sau hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Manila ngày 1/3, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định hai bên hiểu rõ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực.
Đồng thời, hai nước láng giềng nhất trí tiếp tục hợp tác trong các vấn đề chính trị và an ninh, nối lại các cuộc họp của Ủy ban hỗn hợp và các sáng kiến chung để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia và chủ nghĩa khủng bố.
Về phần mình, Thủ tướng Malaysia bày tỏ sự đồng thuận với nhà lãnh đạo Philippines về giải quyết vấn đề Biển Đông ở cấp độ đa phương giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư, đặc biệt chú trọng ngành công nghiệp Halal, nông nghiệp và an ninh lương thực và kinh tế số. (Philstar)
TIN LIÊN QUAN | |
Philippines cảnh giác cao độ với Trung Quốc tại Biển Đông |
Đông Bắc Á
* Nhật Bản “tính mọi phương án’ hồi hương công dân ở Triều Tiên: Ngày 1/3, phát biểu trong cuộc gặp với nhóm gia đình những người được cho là bị Triều Tiên bắt cóc, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định đây là một vấn đề nhân đạo hệ trọng do thời gian hạn chế và không được phép từ bỏ. Nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định Tokyo cần chủ động, đồng thời nhấn mạnh quyết gặp trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mà không kèm điều kiện tiên quyết nào.
Tại cuộc gặp, ông Yokota Takuya, lãnh đạo nhóm này và một số người khác đã trao cho ông Kishida bản chính sách hành động mới mà nhóm này mới soạn thảo hôm 26/2. Theo đó, các gia đình này không phản đối cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên nếu nước này cho phép tất cả những người được cho là bị bắt cóc hồi hương khi bố mẹ của họ vẫn còn sống. Đây là lần đầu tiên chính sách này của nhóm đề cập tới việc cung cấp viện trợ nhân đạo. (NHK)
TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Philippines thăm Nhật Bản: Không chỉ là 'bước dạo đầu' cho những liên minh 'tầm cỡ' |
Châu Âu
* Đức kêu gọi Trung Quốc gây sức ép với Nga: Ngày 2/3, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói: “Thông điệp của tôi tới Bắc Kinh rất rõ ràng: hãy sử dụng ảnh hưởng của mình để hối thúc Nga rút quân khỏi Ukraine và đừng cung cấp bất kỳ vũ khí nào cho Moscow. Thật tốt khi nước này lặp đi lặp lại thông điệp rõ ràng chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và phản đối rõ ràng việc sử dụng vũ khí sinh học và hóa học”.
Về kế hoạch hòa bình 12 điểm do Trung Quốc đề xuất, ông Scholz nói: “Người ta có quyền mong đợi Trung Quốc thảo luận về ý tưởng của mình với các bên liên quan chính - với người Ukraine và với Tổng thống (Volodymyr) Zelensky”.
Liên quan tới các ý kiến chỉ trích quá trình chuyển giao vũ khí cho Ukraine, Thủ tướng Đức đã bảo vệ quyết định của chính phủ và nhấn mạnh rằng mỗi quyết định giao vũ khí đều được cân nhắc rất cẩn trọng để đảm bảo rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không trở thành một bên tham chiến. Ông khẳng định Berlin hợp tác chặt chẽ với các đồng minh về vấn đề này. (Reuters/TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Thủ tướng Đức thăm Mỹ: Chung hướng, khác đường |
Châu Mỹ
* Mỹ: FBI bắt giữ đối tượng tìm cách mang thiết bị nổ lên máy bay: Ngày 1/3, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết đã bắt giữ một người đàn ông tìm cách mang một thiết bị nổ lên máy bay ở bang Pennsylvania. Theo đó, ngày 27/2, nhân viên Cục an ninh giao thông vận tải (TSA) đã phát hiện thiết bị nổ sau khi máy kiểm tra phát tín hiệu báo động khi soi hành lý người này tại Sân bay quốc tế Lehigh Valley ở thành phố Allentown, cách New York 160 km về phía Tây.
TSA cho biết nhân viên và hành khách tại một khu vực của sân bay đã được sơ tán để bảo đảm an toàn. Trong quá trình điều tra, FBI và các nhân viên kỹ thuật bom mìn của cảnh sát địa phương xác định vật thể khả nghi là một gói hình tròn, chứa chất giống như bột bọc trong bao bì bằng chất dẻo, gắn một ngòi nổ và giấu bên trong lớp vải lót túi hành lý. Các chuyên gia địa phương xác định chất bột đó tương tự chất chế tạo pháo hoa. Ngoài ra, túi hành lý trên cũng chứa một can chứa chất butane, 2 ổ cắm buộc vào nhau và một ống chứa bột tro màu trắng.
Danh tính nghi phạm được xác định là Mark Muffley. Đối tượng đã rời sân bay sau khi được gọi đến phòng an ninh, sau đó bị bắt tại nhà riêng. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
5 giờ khám xét ‘không hạn chế’ nhà cựu Phó Tổng thống Mỹ Pence, FBI phát hiện tài liệu mật |
Trung Đông-Châu Phi
* Saudi Arabia, Anh đẩy mạnh hợp tác quốc phòng: Theo Hãng thông tấn nhà nước Saudi Arabia, ngày 1/3, trong khuôn khổ chuyến thăm Riyadh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Hoàng tử Khalid bin Salman. Đáng chú ý, hai bên đã ký kết Ttuyên bố về ý định liên quan đến sự tham gia của Vương quốc Saudi Arabia trong Hệ thống Tác chiến trên không tương lai (FCAS)”.
FCAS là từ viết tắt được sử dụng rộng rãi cho các dự án máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, bao gồm chương trình Tempest do Anh dẫn đầu và gần đây đã được mở rộng với sự tham gia của Nhật Bản theo một khuôn khổ mới có tên là Chương trình Tác chiến trên không toàn cầu.
Saudi Arabia cũng cho biết các lĩnh vực được đề cập trong tuyên bố bao gồm “xác định tầm nhìn toàn diện và chung cho quan hệ đối tác trong tương lai cho các hoạt động chiến đấu trên không” và thảo luận về quan hệ đối tác “đáp ứng nhu cầu về các năng lực cần thiết”. Cùng với đó, việc xác định các dự án tham gia công nghiệp và các dự án nghiên cứu và phát triển chung cũng được đề cập.
Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Saudi Arabia không cho biết liệu Riyadh có kế hoạch trực tiếp tham gia chương trình này hay không. Mặc dù vậy, giới phân tích quốc phòng cho rằng quá trình này thường mất nhiều thời gian để đàm phán. (Reuters)
| Nga và Saudi Arabia mở rộng hợp tác quân sự, Riyadh đang tập trung vào một vấn đề Ngày 12/2, Đại sứ Nga tại Saudi Arabia Sergei Kozlov cho biết, Moscow và Saudi Arabia đã tăng cường nỗ lực mở rộng hợp tác ... |
| Tình hình Ukraine: Đức nói Nga 'đánh giá thấp' tình đoàn kết của phương Tây, yêu cầu Moscow 'tiến một bước' đến hòa bình Ngày 1/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi Nga rút lực lượng khỏi Ukraine, làm yếu tố tiền đề để tiến hành đàm phán ... |
| Xung đột Nga-Ukraine: Giới siêu giàu thế giới 'trúng đạn', hy vọng năm 2023 tươi sáng hơn Ngày 1/3, Do Knight Frank - một công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại London (Anh) công bố nghiên cứu cho ... |
| Hội nghị Ngoại trưởng G20: Đại diện Nga sẽ thành tâm điểm? Ngày 28/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Ấn Độ trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng ... |
| Khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G20: Thủ tướng Ấn Độ nói 'quản trị toàn cầu đã thất bại', ra lời kêu gọi các lãnh đạo quốc tế Sáng 2/3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (FMM) Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ... |