Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm trực tuyến, ngày 16/11. (Nguồn: AFP) |
Có thể nói, kết quả cuộc gặp online giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tốt hơn dự kiến, ít nhất là về mặt thời gian, kéo dài hơn gần 1 giờ so với kế hoạch ban đầu. Điều đó cho thấy, cả hai nước đều coi trọng cuộc gặp thượng đỉnh này và coi đây là một trong những cơ hội cần tận dụng.
Tốt hơn dự kiến
Kết thúc cuộc hội đàm chính thức đầu tiên kể từ khi ông Biden bước chân vào Nhà Trắng (1/2021), sau hơn 3 giờ thảo luận kín, họ vẫn tranh cãi gay gắt về các vấn đề quan trọng từ thương mại đến nhân quyền,… nhưng hai bên đều "lật bài" nói rõ với bên kia những trọng điểm quan tâm và lợi ích cốt lõi.
Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh “lãnh đạo hai nước có trách nhiệm đảm bảo quan hệ không trượt vào đối đầu, cần phải thiết lập hàng rào bảo hộ hợp lý, thẳng thắng và rõ ràng về những điểm khác biệt, hợp tác trên những lĩnh vực hội tụ lợi ích”.
Trong khi đó, Bắc Kinh muốn một “quan hệ vững chắc” để cùng nhau đối phó các tai ách toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hai nước cần tăng cường giao tiếp và hợp tác, mỗi bên điều hành tốt các công việc trong nước, đồng thời gánh vác các trách nhiệm quốc tế và cùng nhau nỗ lực bảo vệ môi trường thế giới hòa bình và ổn định, bao gồm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thách thức toàn cầu của dịch Covid-19, quan hệ Mỹ-Trung ổn định lành mạnh là điều kiện cần thiết.
Động thái của cả ông Biden và ông Tập dường như đang đi đúng hướng tăng cường hợp tác, như tuyên bố chung tại Hội nghị COP26 Glasgow (Vương quốc Anh) mới đây, Mỹ-Trung tuyên bố sẽ thông qua hợp tác đa phương để cùng ứng phó với khủng hoảng khí hậu và tiến tới các hợp tác khác trong tương lai.
Quan điểm được Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan công khai rằng, quan hệ Mỹ-Trung không phải là “Chiến tranh Lạnh mới”, Mỹ không tìm cách thay đổi thể chế của Trung Quốc, mà muốn chung sống với Trung Quốc.
Khác hẳn với quan điểm của chính quyền tiền nhiệm, đây có thể hiểu như một thông điệp tích cực và thân thiện mà Washington gửi tới Bắc Kinh, đồng thời “bắn tin” thừa nhận việc muốn thông qua sức ép để thay đổi Trung Quốc trong 40 năm là điều không thể.
Giới quan sát cho rằng, sau những đánh giá tương đối tốt của giới chức hai nước về “cuộc gặp phá băng quan hệ”, thế giới có thêm chút lạc quan thận trọng. Không ít người bắt đầu kỳ vọng quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ chuyển từ cạnh tranh gay gắt sang hòa hảo hơn.
Đó sẽ là may mắn của thế giới, sau giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19, hai cường quốc có thể tìm được những tiếng nói chung trong các vấn đề ảnh hưởng đến tương lai nhân loại.
Các mặt trận cạnh tranh mới đã xuất hiện
Đúng như dự đoán, dù Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/11 giữa hai lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc khó đạt được kết quả đột phá, bầu không khí hòa hợp của cả hai bên được đánh giá là đã “ấm dần lên chút ít”, thoát khỏi bầu không khí “Chiến tranh Lạnh”, để có thể hy vọng về những cơ hội tương tác tích cực trong thời gian tới.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại những biến số cho sự phát triển của tương lai, đặc biệt là Tổng thống Joe Biden luôn phải đối diện với sức ép nội bộ đến từ hai đảng và cả những lực lượng mong muốn Mỹ tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc. Và dù đặt các vấn đề chính trị sang một bên, thì sự cạnh tranh lẫn nhau giữa hai nền kinh tế số một và số hai thế giới sẽ luôn là điều hiển nhiên.
Xu hướng phát triển trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc khiến cho Mỹ và phương Tây cảm thấy lo ngại, không chỉ chiếm ưu thế trên mặt trận kinh tế, mà những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, thậm chí cả thám hiểm vũ trụ cũng đang khiến Mỹ phải lo lắng.
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 đã tác động làm thay đổi nhiều xu hướng, thậm chí cả thói quen sinh hoạt của con người, nhưng không làm thay đổi cục diện phát triển toàn cầu. Mâu thuẫn mới có thể xảy ra ngay trong chính tuyên bố hợp tác về biến đổi khí hậu ở Hội nghị COP26.
Quá trình đẩy nhanh chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, cho phép lĩnh vực năng lượng mới, sạch tiếp tục tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, cũng giống như vai trò của năng lượng hoá thạch (than đá, dầu mỏ…) trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp; đến nay, khi năng lượng sạch bùng nổ, nhu cầu tiêu thụ các khoáng sản chủ chốt cần thiết như lithium, nickel, cobalt, mangan, đất hiếm… cũng tăng mạnh.
Theo báo cáo mới đây của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE), nhằm thực hiện mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là kiểm soát sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2 độ C, tổng nhu cầu của các nước trên thế giới đối với các loại khoáng sản chủ chốt cho việc phát triển năng lượng sạch tới năm 2040 sẽ tăng ít nhất 4 lần.
Báo cáo cũng chỉ rõ, trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu, những rủi ro về cung-cầu các khoáng sản chủ chốt, không chỉ ảnh hưởng tới các mục tiêu trung hòa carbon, mà có thể tác động tới quá trình bố trí quyền lực quốc tế, tạo ra các xung đột địa chính trị mới. Giống như Trung Đông và các tuyến hàng hải vận chuyển dầu khí như Eo biển Malacca từng là những địa điểm luôn “nóng rẫy”.
Trở lại với báo cáo của IEA, nguồn cung các loại khoáng sản mới chắc chắn không theo kịp nhu cầu. Không chỉ vấn đề năng lực sản xuất, mức độ tập trung quá cao của các chuỗi cung ứng khoáng sản này, cho thấy sự “khan hiếm” hơn nhiều so với tài nguyên dầu khí trước đây - chỉ báo rõ một tâm điểm cạnh tranh mới.
Thống kê cho thấy ba nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới là Mỹ, Saudi Arabia và Nga chỉ chiếm 43% tổng sản lượng dầu mỏ toàn cầu, ba nước sản xuất khí thiên nhiên lớn nhất toàn cầu là Mỹ, Nga và Iran chỉ chiếm 46% tổng sản lượng toàn cầu.
Nhưng ba nước đứng đầu thế giới sở hữu khoáng sản thiết yếu như lithium, cobalt và đất hiếm, lần lượt chiếm tới 80%, 90% và 85%. Sản lượng của ba nước đứng đầu thế giới nắm giữ công nghệ tinh luyện lithium và đất hiếm cũng chiếm tới 95% tổng sản lượng toàn cầu.
Trong đó, Bắc Kinh đang đóng vai trò chủ đạo đối với nhiều khoáng sản thiết yếu, nắm giữ gần 90% sản lượng đất hiếm tinh luyện, trên 50% sản lượng lithium và 35% sản lượng nickel toàn cầu. Nền kinh tế số 2 cũng sớm đầu tư lớn vào các lĩnh vực liên quan tới các loại khoáng sản chủ chốt ở nhiều nước.
Những gì đang diễn ra chắc chắn không thể coi là bình thường đối với nền kinh tế số 1. Các loại khoáng sản chủ chốt chính là “chiến trường mới” trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc.
| Giá vàng hôm nay 24/11, Giá vàng thế giới giảm giật mình, vàng SJC 'chơi trò đau tim' Giá vàng thế giới trượt dốc lùi xa về dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce. Việc vàng bị phá giá xuống dưới mốc nhạy cảm này có ... |
| Khủng hoảng năng lượng: Lệch pha cung cầu và khả năng giá dầu 'lao dốc thảm' vào năm tới? Sự phản ứng chậm chạp của ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu trước nhu cầu tăng cao trong năm 2021 đã góp phần làm ... |