Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc là cuộc gặp giữa "hai người bạn cũ", một cơ hội để cài đặt lại quan hệ song phương. Trong ảnh, ông Joe Biden chào đón ông Tập Cận Bình tại Căn cứ Không quân Andrews, Washington, vào 24/9/2015. (Nguồn: THX) |
Theo phân tích của Trung tâm nghiên cứu an ninh và chiến lược thuộc Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, dư luận đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến ngày 16/11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden là "cơ hội lớn nhất" để Trung Quốc và Mỹ cài đặt lại quan hệ song phương.
"Bạn cũ" gặp nhau
Ông Tập Cận Bình và ông Joe Biden hẳn không còn xa lạ với nhau. Hai người có mối quan hệ rất tốt, có thể coi là “bạn cũ”. Năm 2011, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi đó còn là Phó chủ tịch Trung Quốc đã đưa ông Joe Biden, khi đó còn là cấp phó cho Tổng thống Mỹ Barark Obama đến thăm Tứ Xuyên. Tháng 2/2012, ông Biden đã đồng hành cùng ông Tập trong toàn bộ thời gian ông này ở thăm Mỹ.
Đây là cuộc hội đàm đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc, kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức vào đầu năm. Thượng đỉnh Mỹ-Trung, dù là một cuộc gặp trực tuyến vẫn là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà được cả thế giới theo dõi sát và kỳ vọng về một kết quả tích cực, giúp giảm bớt căng thẳng bấy lâu .
Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày nay đã không còn như 10 năm trước. Hai nước cạnh tranh gay gắt, thậm chí đối đầu trong phần lớn các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại...
Triển vọng của mối quan hệ song phương này bị nhận định rất bi quan. So với 10 năm trước, tình hình trong nước của Mỹ và Trung Quốc đã có những thay đổi lớn. Khi đà trỗi dậy của Trung Quốc ngày càng rõ nét, Mỹ đã không ngừng gia tăng nỗ lực ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc.
Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa cũng như dư luận chính thống Mỹ đều đồng thuận về việc kiềm chế Trung Quốc. Mặc dù, ông Biden có ý định cài đặt lại quan hệ Trung-Mỹ, nhưng không gian lựa chọn của ông trong quan hệ với Trung Quốc rất hẹp. Sau khi nhậm chức, ông Biden không chỉ tiếp tục kế thừa chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Trung Quốc mà thậm chí ông còn cứng rắn và mưu lược hơn cựu Tổng thống Trump. Chỉ có làm như vậy Tổng thống Biden mới có thể duy trì chỗ đứng vững chắc trong chính trường Mỹ, tranh thủ được phiếu bầu cho Đảng Dân chủ.
Nội bộ Trung Quốc cũng có những thay đổi lớn. Sau khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012, thông qua chính sách chống tham nhũng, cải cách và xóa đói giảm nghèo, nền tảng cầm quyền của Bắc Kinh đã được củng cố một cách hiệu quả, sức mạnh tổng hợp quốc gia - bao gồm cả sức mạnh quân sự - đã bước lên một tầm cao mới.
Trong chính dư luận trong nước Trung Quốc cũng có những thay đổi sâu sắc, những tiếng nói ủng hộ việc chính quyền phản ứng mạnh mẽ đối với sự kiềm chế của Mỹ đã trở thành xu hướng chủ đạo.
Trong bối cảnh đó, cho dù các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc hy vọng quan hệ Trung-Mỹ sẽ trở lại đúng hướng “hợp tác cùng có lợi”, song họ cũng không thể đưa ra những nhượng bộ lớn để đổi lấy việc “cài đặt lại” quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Giai đoạn hợp tác hiếm có?
Ngày 10/11, Trung Quốc và Mỹ ra Tuyên bố chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, dư luận quốc tế dự báo Mỹ-Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn hợp tác hiếm có.
Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ từ lâu đã nói về vấn đề khí hậu. Tháng 4/2021, hai bên cũng ra Tuyên bố chung về khí hậu. Cần thấy rằng, vấn đề khí hậu tuy quan trọng nhưng không phải là vấn đề cốt lõi ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ-Trung. Thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề khí hậu sẽ giúp tạo ra bầu không khí thuận lợi hơn cho cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập và Tổng thống Biden, nhưng không thể che giấu những khác biệt cơ bản giữa hai nước.
Trong số hàng loạt trở ngại lớn giữa Trung Quốc và Mỹ, vấn đề Đài Loan là điểm nhức nhối lớn nhất. Cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc chắc chắn không thể ngăn Mỹ tiếp tục sử dụng "quân bài Đài Loan" bởi chính quyền Biden sẽ không thể thay đổi nhận thức của Mỹ về vấn đề Đài Loan. Thực tế này khiến cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc rất khó cài đặt lại bởi vấn đề này có thể khiến quan hệ giữa hai người khổng lồ của thế giới xấu đi bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất, cuộc gặp lần này được giới phân tích quốc tế nhận định, khó có thể giúp cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung, nhưng có thể làm giảm những đánh giá sai lầm và thù địch lẫn nhau, đồng thời thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa hai bên về vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế và các vấn đề quốc tế lớn.
Cụ thể, cuộc gặp này có thể định nghĩa lại quan hệ Trung-Mỹ. Sau khi chính quyền Tổng thống Biden lên nắm quyền, định nghĩa của Trung Quốc về quan hệ Trung-Mỹ là không xung đột, không đối đầu, tập trung vào hợp tác và kiểm soát sự khác biệt; trong khi đó, định nghĩa của Mỹ là “cạnh tranh, hợp tác và đối đầu”, nhưng hy vọng sẽ tránh được những hiểu lầm, đánh giá sai và xung đột ngoài ý muốn.
Cuộc gặp lần này có thể đưa ra một cách tiếp cận mới, nhưng trọng tâm của hai bên sẽ khác nhau đáng kể. Trung Quốc nhấn mạnh hợp tác, trong khi Mỹ nhấn mạnh cạnh tranh, hai bên cũng có thể tuyên bố tránh đối đầu, xung đột và tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, sau cuộc chiến trên các lĩnh vực thương mại, công nghệ và dư luận trong những năm qua, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gia tăng, hai bên thiếu sự tin tưởng lẫn nhau. Giờ là lúc, cả Washington và Bắc Kinh cần nhìn nhận về nhau một cách lý tính, tránh để mất kiểm soát trong quan hệ, gây ra những tổn thất to lớn cho khu vực và thế giới. Xét về ý nghĩa này, không nên đánh giá thấp cuộc gặp Tập Cận Bình-Joe Biden.
| Giá vàng hôm nay 15/11, Giá vàng băng băng thẳng mốc 1.900 USD; Còn tiếp tục bứt phá ngay trong tuần này? Thêm một tuần khả quan nữa đối với vàng sau nhiều tháng không có động thái nào gây ấn tượng. Động lực mới đã đưa ... |
| Kinh tế thế giới đứng trước 'mắt bão', lạm phát không thể che đậy, chuỗi cung ứng ngày càng tệ? Năm 2021 đã chuẩn bị khép lại, đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể kết thúc, niềm tin bắt đầu “lung lay”. Nếu nền kinh tế ... |