📞
MỸ-TRUNG QUỐC THỜI ĐẠI DỊCH COVID-19

Mỹ-Trung Quốc căng thẳng: Chiến tuyến mới

Dịch Dung 19:45 | 01/06/2020
TGVN. Căng thẳng Mỹ-Trung Quốc tiếp tục gia tăng sau một loạt động thái từ cả hai phía. Không chỉ có chuyện dịch bệnh, lần này, căng thẳng liên quan đến hồ sơ nhạy cảm hơn – Hong Kong. Thực chất chuyện này và chủ ý của các bên là gì? Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Sau dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đài Loan, Hong Kong trở thành chiến tuyến mới của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: The Economist)

Mối quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc mỗi lúc trở nên thêm trắc trở hơn. Trong thời gian không đầy nửa năm, tổng thống Mỹ Donald Trump với những quyết sách liên quan đến Trung Quốc đã làm cho mối quan hệ song phương này trở nên xấu đi như chưa từng thấy kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức đến nay.

Ý nghĩa và tác động tích cực của cái gọi là thoả thuận thương mại giai đoạn 1 trở nên quá nhỏ nhoi trước mức độ phức tạp và nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại ở cả hai phía của những vấn đề và thách thức mới nảy sinh. Chúng đã bị lu mờ gần như hoàn toàn và việc đàm phán về thoả thuận thương mại giai đoạn 2 giờ đã trở nên xa vời, thậm chí còn cả viển vông vì những biến cố trong thời gian vừa qua khiến cho chuyện tiếp tục đàm phán thương mại trở nên vừa không còn cấp thiết lại vừa không thể khả thi.

Quan trọng và tế nhị hơn dịch bệnh

Sau dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đài Loan, Hong Kong trở thành chiến tuyến mới của cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguyên cớ là việc Trung Quốc đưa ra luật an ninh mới cho Hong Kong. Ở những chuyện khác, Mỹ vướng mắc với Trung Quốc vì lợi ích cơ bản của Mỹ bị đụng chạm. Còn ở chuyện mới này liên quan đến Hong Kong, bản chất thuần tuý là vấn đề dân chủ và nhân quyền giữa Mỹ và Trung Quốc mà phía Mỹ chính trị hoá và công cụ hoá phục vụ cho việc xử lý quan hệ với Trung Quốc.

Chiến tuyến mới này không liên quan trực tiếp gì đến dịch bệnh hiện tại và WHO nhưng lại có phần liên quan đến Đài Loan ở chỗ Trung Quốc phải dùng thành công của mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" ở Hong Kong và Ma Cau để thu phục Đài Loan chứ không thể dùng biện pháp quân sự. Hong Kong vì thế đối với Trung Quốc còn quan trọng và tế nhị hơn nhiều so với chuyện dịch bệnh hay WHO và những quyết sách mới của Mỹ liên quan đến Hong Kong khiến Trung Quốc gặp khó khăn và khó xử hơn nhiều so với mối bất hoà liên quan đến trao đổi thương mại, dịch bệnh hay WHO.

Viện lý do Trung Quốc đưa ra bộ luật mới về an ninh cho Hong Kong, và cho dù cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất đấy là chuyện nội bộ của Trung Quốc, ông Trump đã huỷ bỏ sự công nhận lâu nay của Mỹ về quy chế đặc biệt dành cho Hong Kong, tức là chấm dứt mọi ưu đãi đặc biệt của Mỹ dành cho Hong Kong do không còn phân biệt về quy chế pháp lý giữa Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Quyết sách này của Mỹ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới tương lai tới đây của Hong Kong trong tư cách là cửa ngõ quan trọng nhất của Trung Quốc với thế giới bên ngoài về kinh tế, thương mại và tài chính, đe doạ một trong những đầu tầu và khu vực tăng trưởng kinh tế và thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc. Nhưng nếu tác động và hệ luỵ chỉ có như vậy thì rồi đây Trung Quốc cũng sẽ tìm kiếm được đầu tầu và khu vực tăng trưởng kinh tế và thương mại khác bù đắp lại cho những mất mát từ Hong Kong. Hệ luỵ mà Trung Quốc khó khắc phục hơn cả là về chính trị.

Phía Mỹ muốn công khai phát đi thông điệp là Mỹ đánh giá Trung Quốc không còn thành công nữa với việc thực hiện mô hình "Một nhà nước, hai chế độ" ở Hong Kong, tác động trực tiếp tới diễn biến tình hình chính trị xã hội nội bộ ở Hong Kong và tới Đài Loan. Chỉ cần Mỹ nhận thức như thế và đi tiên phong trên chiến tuyến này, Mỹ dần sẽ hình thành ra được liên minh hay liên quân cùng đồng hành.

Chủ ý thực chất của ông Trump

Hong Kong rồi đây sẽ trở nên như vậy hay không bây giờ phụ thuộc vào hai điều. Thứ nhất, phía Mỹ có thật sự thực hiện quyết sách đã tuyên cáo hay không và thứ hai là Trung Quốc đáp trả Mỹ như thế nào.

Trung Quốc không thể và sẽ không vì quyết sách này của Mỹ mà rút lại bộ luật mới ban hành kia về an ninh cho Hong Kong. Nhưng Trung Quốc có thể xử lý quan hệ với Mỹ sao cho Mỹ không rút lại quyết sách nhưng cũng không thực hiện nó trên thực tế. Trên danh nghĩa chính thức, ông Trump thể hiện thái độ rất quyết liệt với Trung Quốc trong chuyện liên quan đến Hong Kong, không chỉ rút lại sự công nhận của Mỹ về quy chế đặc biệt cho Hong Kong mà còn áp dụng cả những biện pháp trừng phạt một số cá nhân và thực thể ở Trung Quốc có liên quan đến sự ra đời của bộ luật này. Nhưng chính phía Mỹ cũng lại không cụ thể hoá việc thực hiện các quyết sách ấy.

Xem ra, chủ ý hiện tại của ông Trump mới chỉ là tạo dựng hình ảnh là rất cứng rắn và quyết liệt với Trung Quốc, chủ trương gia tăng áp lực toàn diện đối với Trung Quốc nhằm mục đích không để cho Trung Quốc tận dụng Mỹ đang bối rối và khó khăn nội bộ mà muốn làm gì thì làm ở Trung Quốc, ở châu Á và trên thế giới cũng như nhằm phục vụ cho cuộc vận động tranh cử tổng thống ở Mỹ. Sau cuộc bầu cử ấy, mọi chuyện rồi sẽ khác, kể cả mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.